Có thể thấy, hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, đều đang chú trọng xu hướng hợp tác quốc tế, mở rộng mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia, khu vực khác trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành Quốc tế học đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay. Đây là cầu nối giúp các quốc gia xây dựng quan hệ, tiến gần hơn với hợp tác trên nhiều mặt, nhất là thương mại - xuất nhập khẩu hàng hóa. Thế nên, có thể nói rằng những bạn sinh viên theo học ngành Quốc tế học chính là nhân tố được nhiều nhà tuyển dụng quan tâm và săn đón.
Năm 2024, khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) đã tuyển sinh ngành học này với 60 chỉ tiêu. Theo đó, sinh viên theo học ngành Quốc tế học tại Khoa Quốc tế không chỉ đào tạo kiến thức đại cương về khoa học xã hội nhân văn, kiến thức cơ sở về kinh tế học mà còn tập trung vào nghiệp vụ đối ngoại, đàm phán, quan hệ quốc tế, các thể chế trong bối cảnh, môi trường hội nhập quốc tế.
Có thể nói đây là ngành học rất cần thiết trong điều kiện phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam, nhu cầu về nguồn nhân lực đối với chuyên ngành này ngành càng tăng.
TS Tạ Thị Nguyệt Trang - giảng viên khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên chia sẻ: Sinh viên theo học ngành Quốc tế học sẽ được đào tạo đầy đủ từ kiến thức cơ bản đến kiến thức chuyên ngành. Cụ thể, các em sẽ có nhận thức về lĩnh vực xã hội nhân văn, đánh giá được các sự kiện khu vực và quốc tế; hiểu biết về các vấn đề quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và pháp luật; phân tích được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập và toàn cầu hóa.
Bên cạnh kiến thức lý thuyết chuyên sâu về quốc tế học, sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng liên quan đến công nghệ thông tin, chủ động trong làm việc độc lập và làm việc nhóm, thích ứng sự biến đổi của công việc trong xu thế phát triển nhanh của xã hội, truyền đạt thông tin một cách hiệu quả và có khả năng khởi nghiệp.
Đồng thời, sinh viên được đào tạo có thái độ làm việc chuyên nghiệp, độc lập và hợp tác trong môi trường hội nhập quốc tế, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Với việc lấy người học là trung tâm, giảng viên mỗi học phần có thể sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau nhằm truyền đạt kiến thức, thông tin một cách hiệu quả nhất. Ngoài phương pháp truyền thống là thuyết giảng (mang lại lượng kiến thức lớn cả về lý thuyết và thực tiễn), hầu hết mỗi buổi học giảng viên chủ động giao các nhiệm vụ như thảo luận, bài tập/bài luận cá nhân, làm việc nhóm, vấn đáp, thực hành đàm phán, thuyết trình bằng tiếng Anh...
Sinh viên theo học ngành quan hệ quốc tế sẽ có cơ hội việc khá cao và đa dạng. |
Chia sẻ về cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, TS Tạ Thị Nguyệt Trang cho biết: Đây là ngành có cơ hội việc khá cao và đa dạng, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí, cán bộ đối ngoại tại các cơ quan ngoại giao ở trung ương và địa phương, các vụ hợp tác quốc tế thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan an ninh, quốc phòng, các cơ quan truyền thông, báo chí, làm việc trong các cơ quan đại diện của nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài, các loại hình doanh nghiệp khác nhau, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Ngoài ra, với kiến thức và kĩ năng được trang bị, các cử nhân Quốc tế học có đủ khả năng thực hiện công việc về thông tin, tuyền thông, các trang tin liên quan đến các vấn đề quốc tế. Các cơ quan tuyển dụng chính là Đài truyền hình các địa phương, Đài tiếng nói Việt Nam, Các tờ báo, tạp chí, Báo điện tử,...
Đồng thời, các em cũng có cơ hội làm việc tại các cơ sở đào tạo như các trường Cao đẳng, Đại học… (làm giảng viên giảng dạy các môn về quan hệ quốc tế, lịch sử và văn hoá, kinh tế quốc tế…); Các cơ sở nghiên cứu như Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Nghiên cứu châu Mĩ, Viện Nghiên cứu châu Âu… (làm nhà nghiên cứu về các vấn đề toàn cầu, quan hệ giữa các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế…); Các Tổ chức Phi chính phủ trong và ngoài nước (đảm nhiệm các công việc thư kí, điều phối dự án), đặc biệt là các tổ chức nước ngoài của các quốc gia như Mĩ, Liên minh châu Âu…; Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh (Nhân viên bộ phận kinh doanh; Quan hệ công chúng, Nghiên cứu thị trường…).
Ý kiến bạn đọc