Theo ông Vũ Đức Thọ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định: Toàn tỉnh hiện có 363 cơ sở giáo dục mầm non (GDMN), trong đó 226 trường mầm non công lập, 137 cơ sở GDMN độc lập (nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Những năm qua, công tác bồi dưỡng tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non (GVMN) tiếp tục được Sở GD&DT quan tâm và đẩy mạnh góp phần thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm năm học, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nam Định đã triển khai đồng bộ các chính sách nhằm hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ GVMN. Sở GD&ĐT đã cử cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán trực tiếp tham dự các đợt tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Các cán bộ quản lý, chuyên viên phòng GDMN và các phòng GD&ĐT ở các cơ sở sau khi tập huấn về tiếp tục triển khai tập huấn nhân rộng tại cở sở, đảm bảo công tác chỉ đạo chuyên môn từ Bộ GD&ĐT đến Sở GD&ĐT và các cơ sở GDMN được thông suốt.
Hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ, đã giúp đội ngũ GVMN thực hiện chương trình GDMN hiệu quả. |
Năm học 2022-2023 vừa qua, Sở đã tập huấn hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Chương trình GDMN đối với 100% cán bộ quản lý và GVMN. Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên mầm non đảm bảo chất lượng GDMN… Các Phòng GD và ĐT, các trường học trong tỉnh cũng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và tổ chức hội thảo, sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn; dự giờ đồng nghiệp; kiểm tra của hiệu trưởng... qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực sư phạm của giáo viên.
"Qua hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ, đã giúp đội ngũ GVMN nắm bắt và linh hoạt tổ chức thực hiện chương trình GDMN; tích cực, sáng tạo trong khai thác và sử dụng các hình thức tổ chức lớp học, thực hiện tích hợp nội dung dạy học. Ở mỗi cơ sở GDMN, Ban giám hiệu đã tăng cường công tác dự giờ, kiểm tra đánh giá giáo viên để nắm bắt kịp thời tình hình thực hiện chuyên môn, đánh giá đúng phẩm chất năng lực của giáo viên để giúp họ phát huy những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình áp dụng vào thực tế chăm sóc, giáo dục trẻ.
NGƯT Vũ Thế Hưng, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hải Hậu chia sẻ: "Để triển khai hiệu quả hoạt động bồi dưỡng, chúng tôi đã xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán để tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng do các cấp tổ chức. Đội ngũ này là lực lượng cốt cán để hỗ trợ đồng nghiệp ngay tại đơn vị mình. Chúng tôi đảm bảo, tất cả các GVMN có nhu cầu, nguyện vọng học tập nâng cao trình độ đều được các nhà trường tạo điều kiện tham gia đầy đủ. Sự nỗ lực, cố gắng của mỗi cán bộ, giáo viên đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các cơ sở GDMN".
Giáo viên đã tích cực trau dồi, nâng cao phương pháp giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. |
Ở Trường mầm non Hải Tân, huyện Hải Hậu, cô hiệu trưởng Chu Thị Dung cho biết: Được tập huấn nâng cao nghiệp vụ thường xuyên giúp đội ngũ cán bộ GVMN trưởng thành hơn, các cô giáo đã tự có nhiều nhiệt huyết trong công việc, tích cực trau dồi, nâng cao phương pháp giảng dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ.
Các cô đã đẩy mạnh nghiên cứu, thiết kế giáo án, kế hoạch bài dạy và sử dụng thành thạo các kỹ năng khai thác phần mềm công nghệ giáo dục, hướng đến tổ chức môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học theo hướng mở, tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo.
Mong có thêm nhiều chương trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho giáo viên. Thông qua các hoạt động này, cũng giúp giáo viên biết thêm những phương pháp giáo dục, như: Giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ; xây dựng, sử dụng công cụ đánh giá, thực hiện chương trình GDMN; giáo dục giới trong các hoạt động giáo dục cho trẻ; hướng dẫn phát triển chương trình giáo dục nhà trường theo quan điểm toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong quản lý, chăm sóc, giáo dục trẻ; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, văn hóa.
Thông qua các hoạt động bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ chuyên môn, đã hỗ trợ GVMN hiểu rõ hơn, thực hiện tốt hơn chương trình GDMN mới và những đổi thay phù hợp. Đặc biệt việc theo dõi sự phát triển của trẻ 5 tuổi đi vào nền nếp, chất lượng.
Giáo viên phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc chăm sóc giáo dục trẻ và tạo tâm thế tự tin cho trẻ vào lớp 1. Tăng cường bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ GVMN không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn cho GV mà còn để ghi nhận những kiến nghị từ cơ sở để các nội dung chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ sát hơn với thực tế.
Tác giả bài viết: Hà An
Ý kiến bạn đọc