Đa chiều cảm xúc
Có lẽ, lịch trình đơn giản, có kế hoạch chi tiết và dễ thực hiện nhất chính là năm học của học sinh. Với phần lớn học sinh, đó là việc “đến hẹn lại lên” và cứ sau mỗi kỳ nghỉ hè 3 tháng, mọi học sinh sẽ có một năm học mới với “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, không phải lo lắng, áp lực - theo đúng tôn chỉ mục đích của ngành Giáo dục.
Chia sẻ từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chị Nguyễn Thị Tuyết có con gái út năm nay vào lớp 6 cho biết: “Địa bàn gia đình tôi sinh sống, mỗi đứa trẻ được sinh ra là biết sẽ học mầm non ở đâu, tiểu học, THCS sẽ học trường nào. Chúng tôi không lựa chọn cầu kỳ vì thế hệ trước đã từng học tập, trưởng thành từ chính những mái trường làng như vậy suốt bao năm qua”.
Phần lớn học sinh vùng nông thôn, miền núi có tâm trạng thực sự thư giãn và thoải mái khi chuẩn bị cho năm học mới vì bản thân trẻ luôn có hình dung về ngôi trường sẽ đón mình, thậm chí có thể biết trước cả thầy cô giáo và một số bạn cùng lớp vì đơn vị lớp thường được phân chia theo đơn vị thôn, xóm.
Cứ thế lứa trước, lứa sau, trẻ theo nhau mà lớn lên, mà học tập rèn luyện tại chính ngôi trường nơi cha ông chúng đã từng học tập.
Được hỏi về cảm xúc trước khi bước vào lớp 1, em Nguyễn Thành Danh (Kiến Xương, Thái Bình) hồn nhiên chia sẻ: “Em muốn nhanh đến khai giảng để được học ở trường tiểu học, được mặc đồng phục, được học chữ để biết đọc truyện. Bố mẹ em hứa khi em biết đọc thành thạo sẽ tặng cho chiếc xe đạp và truyện tranh Doraemon”.
Cha mẹ cùng con “Vững tâm thế - đạt kỳ vọng”
Học sinh đầu cấp bước vào năm học mới |
Chăm ngoan, học giỏi là điều có lẽ không bố mẹ nào không kỳ vọng ở con cái mình. Tuy nhiên, sẽ là không nên nếu ước muốn trở thành một thứ tác động mang tính áp lực và khiến trẻ rơi vào trạng thái tâm lý lo lắng. Điều này sẽ khiến quá trình học tập của trẻ bị giảm hiệu quả.
Sau thời gian nghỉ hè, học sinh thường háo hức trở lại trường với tâm lý thoải mái và tâm thế khám phá. Tuy nhiên, có một bộ phận trẻ đã trải qua kỳ nghỉ hè được ví như “học kỳ thứ 3” thì độ nhiệt huyết cũng bị mai một phần nào. Và chính những suy nghĩ, kỳ vọng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ, có thể sẽ là thêm áp lực và có thể sẽ khuyến khích trẻ thể hiện được hết năng lực, sở trường của mình trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức.
Theo Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kĩ năng sống Insight, hãy coi hoạt động học tập của trẻ như người lớn chúng ta làm việc tại cơ quan. Đặt ra mục tiêu là điều cần thiết nhưng tuyệt đối đừng biến mục tiêu thành áp lực lúc nào cũng treo lơ lửng trên đầu khiến tâm lý bị gánh nặng không cần thiết.
“Tâm lý thoải mái sẽ khiến con người thăng hoa trong mọi công việc, sẵn sàng cống hiến bằng hết khả năng và dĩ nhiên sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn khi phải làm việc vì bị bắt buộc. Trẻ cùng cần Vui để Học”, Thạc sĩ Đinh Thị Thu Hoài nhấn mạnh.
Năm học mới đã khởi động, câu chuyện tâm thế và tâm lý học tập luôn cần được gia đình và thầy cô quan tâm. Thực tế cho thấy, gia đình nào mà bố mẹ hiểu rõ thành tích không làm nên sự trưởng thành của đứa trẻ thì sẽ vui vẻ chuẩn bị năm học mới cùng con, cùng con vượt mọi rào cản. Gia đình nào còn nặng nề vấn đề thành tích, so sánh thì còn lo lắng, mệt mỏi vì câu chuyện ganh đua không hồi kết.