Đối tượng được tập huấn là cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác văn bằng chứng chỉ tại các sở Giáo dục và Đào tạo; các đại học, trường đại học, học viện, các trường cao đẳng sư phạm, Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và Cục Đào tạo (Bộ Công an). Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chủ trì tập huấn, gồm: ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách và ông Phạm Quốc Khánh, Phó Cục trưởng. Đồng tổ chức là Trường Đại học Mở Hà Nội.
Được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong phát biểu khai mạc tập huấn, ông Lê Mỹ Phong cho biết: Văn bằng, chứng chỉ là vấn đề được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, nhiều khi trở thành những vấn đề nóng trong dư luận. Điều đó đặt ra áp lực rất lớn cho các cơ quan có chức năng quản lý về giáo dục-đào tạo và đội ngũ các công chức, viên chức làm công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Nhằm không ngừng bảo đảm, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng việc quản lý công tác văn bằng, chứng chỉ góp phần thực hiện mục tiêu học thật, thi thật, chất lượng thật.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đổi mới trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ theo hướng: Kiện toàn bộ máy tổ chức, giao việc quản lý văn bằng, chứng chỉ về một đầu mối; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm công khai của các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Bên cạnh việc ban hành, hướng dẫn thực hiện các quy định mới, thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các cơ sở giáo dục và các địa phương. Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ tại các đại học, trường đại học, học viện, các Cục, các sở Giáo dục Đào tạo đã thực hiện khá tốt, có nhiều chuyển biến tích cực, phát huy được tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò quản lý của các cơ quan quản lý được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực vừa nêu, công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ cũng còn có những tồn tại, hạn chế, một số nội dung thực hiện chưa đúng quy định.
Ông Lê Mỹ Phong đề nghị các học viên dự tập huấn nghiên cứu kỹ các tài liệu Ban Tổ chức đã gửi qua mạng, các văn bản quy phạm pháp luật; đặc biệt là những điểm mới để áp dụng trong công việc chuyên môn.
Đồng thời, tập trung theo dõi báo cáo viên và trao đổi của các đồng nghiệp tại các điểm cầu để nắm bắt các nội dung được truyền tải, cách thức giải quyết các vấn đề nảy sinh trong công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ.
Tích cực tham gia các ý kiến đóng góp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ những kinh nghiệm hay, mạnh dạn nêu rõ các đề xuất hoặc các vướng mắc để Bộ nghiên cứu giải đáp, tiếp thu, hỗ trợ và tổng hợp để hoàn thiện quy định về quản lý văn bằng chứng chỉ.
Cùng với đó, góp ý với Bộ, Ban Tổ chức về nội dung, hình thức, thời lượng tổ chức tập huấn, chất lượng các chuyên đề tập huấn để Ban Tổ chức tổng hợp, nghiên cứu cải tiến cho phù hợp đối với các đợt tập huấn tiếp theo…
Tại buổi tập huấn, Ban Tổ chức lựa chọn các chuyên đề, nội dung mới, thiết thực để truyền tải một cách ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ giúp các học viên dễ tiếp cận để áp dụng hiệu quả vào công việc. Lựa chọn báo cáo viên có kinh nghiệm về cả lý luận, thực tiễn để chỉ rõ các bài học thực tiễn, những điển hình tốt, những tồn tại thường gặp để các đơn vị nghiên cứu tham khảo, rút kinh nghiệm và định hướng hoàn thiện trong thời gian tới.
Tập huấn cũng dành nhiều thời gian để các đơn vị thảo luận về kinh nghiệm hay, trình bày các vướng mắc gặp phải trong thực tế triển khai và trao đổi, giải đáp, hướng dẫn giúp các đơn vị hiểu sâu, áp dụng đúng các quy định hiện hành.
Tiếp thu tối đa các kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, cá nhân tại buổi tập huấn này, Cục Quản lý chất lượng sẽ tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ và đề xuất các giải pháp mới, hoàn thiện hệ thống văn bản quy định về quản lý, văn bằng chứng chỉ.