Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Cần chính sách phù hợp thực tế

Thứ ba - 30/11/2021 01:50 637 0
GD&TĐ - Bên cạnh niềm vui khi xã đạt nông thôn mới, nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh không khỏi hụt hẫng, lo lắng khi các chế độ chính sách ưu đãi bị cắt.
Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Cần chính sách phù hợp thực tế

Các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần quan tâm, đầu tư cho giáo dục; đồng thời duy trì chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh để chương trình nông thôn mới thực sự có ý nghĩa toàn diện và bền vững.

Bà Châu Quỳnh Dao - Đại biểu Quốc hội khóa XV (Kiên Giang): Chính sách phải xuất phát từ thực tế

Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Cần chính sách phù hợp thực tế - Ảnh minh hoạ 2
Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao.

Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Chính phủ và Quốc hội. Bản thân tôi cũng xuất thân từ nông dân nên rất hiểu nỗi vất vả của con em gia đình nông dân. Khi có chương trình nông thôn mới, đã làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên.

Tại các làng quê, đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, những cây cầu khỉ dần được thay thế bằng những cây cầu kiên cố. Qua đó, học sinh đến trường an toàn; nhất là đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa địa hình trắc trở như: Tây Nguyên, Tây Bắc...

Tuy nhiên, điều quan ngại là, nhiều địa phương đạt được nông thôn mới, nhưng một số chính sách áp dụng cho học sinh đã bị bãi bỏ như hỗ trợ bữa ăn bán trú... Có điểm trường cách điểm chính hàng chục km, giao thông cách trở nên việc đi học của học sinh còn nhiều khó khăn. Các em ở lại bán trú tại trường, được thầy, cô giáo chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ.

Nhờ chính sách này mà những năm qua, tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng giảm hẳn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Nay, chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ bị cắt, khiến phụ huynh tâm tư, chưa thích ứng ngay được. Vì thế, có tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Tình trạng giáo viên phải vận động học sinh đến trường sẽ bị lặp lại như những năm về trước.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta không có chính sách thay thế hoặc động thái quan tâm hỗ trợ khác, chất lượng nguồn nhân lực ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm xuống, nguy cơ tái nghèo gia tăng. Như thế, Chương trình Mục tiêu quốc gia sẽ không toàn diện và bền vững. Trong Kỳ họp II, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu đề cập đến xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Thiết nghĩ, thực hiện chương trình này, cần quan tâm đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Chúng ta đang đối mặt với dịch Covid-19 với diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều địa phương phải chuyển sang dạy - học trực tuyến; trong đó nhiều học sinh ở vùng “3 Tây”: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ không có thiết bị để học tập; nhiều vùng vẫn còn “lõm sóng”. Vì thế, trước mắt cần khắc phục khó khăn này để bảo đảm việc học tập của học sinh không bị gián đoạn, nhất là những nơi đã được công nhận là nông thôn mới.

Hiện, các trường thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, vì thế, địa phương cần tăng cường đầu tư cho giáo dục, nhất là trang thiết bị dạy - học, cơ sở vật chất, phòng thực hành. Hậu nông thôn mới, thì đời sống giáo dục phải được nâng lên. Do đó, tôi kiến nghị Chính phủ cần có quyết sách, quan tâm đến sự nghiệp GD-ĐT; trong đó có các chế độ, chính sách đối với giáo viên, học sinh. Tuỳ từng trường hợp thực tế để có những điều chỉnh phù hợp. Chính sách phải xuất phát từ thực tế.

Bà Hồ Thị Minh (đoàn ĐBQH Quảng Trị) - Phó ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị: Cần giải pháp để duy trì thành quả chương trình nông thôn mới

Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Cần chính sách phù hợp thực tế - Ảnh minh hoạ 3
 Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh.

Bên cạnh niềm vui khi xã đạt nông thôn mới, nhiều giáo viên, học sinh phụ huynh không khỏi hụt hẫng, lo lắng khi các chế độ chính sách ưu đãi bị cắt. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí về trường học. Cụ thể, tỷ lệ trường học các cấp: Mầm non; tiểu học, THCS; trường   tiểu học và THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia là trên 80%.

Có thể nói, Chương trình Mục tiêu quốc gia nông thôn mới đã giúp nhiều vùng nông thôn, miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số “thay da đổi thịt”; từ đó giáo dục cũng có thêm nhiều khởi sắc như: Cơ sở vật chất, trường lớp ngày một khang trang, sạch đẹp hơn.

Tuy nhiên, việc một số địa phương được công nhận đạt nông thôn mới cũng nảy sinh nhiều bất cập, nhất là ở miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, bãi ngang ven biển… Cụ thể, nhiều chế độ, chính sách ưu đãi với học sinh, giáo viên bị cắt ngay sau khi xã được công nhận nông thôn mới, trong khi đời sống của người dân còn khó khăn, vẫn còn nhiều hộ nghèo và cận nghèo.

Cụ thể, trước đây, nhiều giáo viên dạy học ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ chính sách theo Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; Nghị định số 19/2013/NĐ-CP, ngày 23/2/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP;

Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn… Trong đó, có 70% phụ cấp thu hút, phụ cấp lâu năm; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Đối với học sinh, được thụ hưởng các chế độ từ Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông xã, thôn đặc biệt khó khăn; trong đó có hỗ trợ tiền ăn mỗi học sinh được hỗ trợ bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh; Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Ngoài ra, mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Thực tế cho thấy, nhờ các chính sách trên, giáo dục, đào tạo ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chuyển biến rõ nét ở các cấp học, bậc học. Tuy nhiên, thời gian qua, khi nhiều địa phương được công nhận nông thôn mới, các khoản phụ cấp và trợ cấp nêu trên đều bị cắt. Điều này khiến giáo viên và học sinh không khỏi hụt hẫng và ảnh hưởng lớn đến tâm lý phụ huynh.

Quan ngại hơn là, việc duy trì sĩ số và chất lượng giáo dục ở những địa phương này sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; nguy cơ bỏ học giữa chừng có thể sẽ tăng lên và mục tiêu nâng cao dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số sẽ khó đạt được. Điều này lại không phù hợp với xã nông thôn mới.

Từ thực tế trên, tôi cho rằng, Nhà nước, chính quyền địa phương cần có cơ chế đặc thù cho giáo viên, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, có thể ban hành một chính sách thay thế, để bù đắp lại những khoản phụ cấp, trợ cấp mà thầy - trò đã hưởng trước khi xã được công nhận nông thôn mới. Hoặc có thể, kéo dài thời hạn được hưởng các chế độ, chính sách trước đó để thầy – trò yên tâm dạy – học.

Thậm chí, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương có thể nâng mức trợ cấp về chi phí học tập, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số. Đây là giải pháp hữu hiệu giúp tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn của các địa phương.

Tiếp tục rà soát các chính sách đối với người dạy, người học và cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành mới chính sách phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi phù hợp với điều kiện thực tiễn. Mặt khác, xác định rõ cơ chế trách nhiệm, phối hợp giữa cấp ủy chính quyền địa phương với các cấp quản lý giáo dục trong việc hoạch định phát triển giáo dục.

Đặc biệt, cần quan tâm xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng và vững về chất lượng. Chú trọng cải tiến nội dung, phương pháp dạy học bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn những đòi hỏi của đồng bào trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tiếp tục chú trọng đầu tư nguồn lực để phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cần chủ động, tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ, đầu tư cho giáo dục ở những vùng này. Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới, quy mô cơ sở giáo dục nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập của học sinh.

Hơn bao giờ hết, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, để khi một chính sách mới ra đời không làm mất đi những chính sách trước đó đã và đang phát huy hiệu quả.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh, đại biểu Quốc hội khóa XIV: Giáo dục là tiền đề, động lực phát triển nông thôn mới

Nông thôn mới và nỗi lo cũ: Cần chính sách phù hợp thực tế - Ảnh minh hoạ 4
Bà Tăng Thị Ngọc Mai.

Một trong những giải pháp để duy trì tỷ lệ trẻ đến trường và phổ cập giáo dục mầm non là tiếp tục cho các em được hưởng bữa ăn trưa. Tất nhiên, giải quyết bài toán này, cần đến chùm giải pháp để phát triển giáo dục khu vực miền núi và đồng bào các  dân tộc.

Khi địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, cơ sở vật chất trường học được đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 30% trường học chưa được kiên cố hóa, đặc biệt là các trường mầm non. Trong khi đó, các khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số rất khó xã hội hóa. Tôi được biết, một trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia là: Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình này có một phần dành cho cơ sở vật chất. Do đó, Nhà nước, Chính phủ cần quan tâm, đầu tư hơn nữa cho giáo dục, để “hậu” nông thôn mới lĩnh vực này càng phát triển.

Ngoài ra, cần tăng cường vai trò của các trường dân tộc nội trú và trường bán trú. Hiện, cả nước có 321 trường dân tộc nội trú và có hơn 17.000 trường dân tộc bán trú. Chúng ta coi việc phát triển hệ thống các trường bán trú là một trong những giải pháp quan trọng nhằm tăng cường tỷ lệ trẻ tới lớp trong thời gian sắp tới.

Thiết nghĩ, các chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh ở những xã nông thôn mới thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên tiếp tục kéo dài. Thay vì cắt ngay, chúng ta có thể duy trì đến năm 2022 để phụ huynh, học sinh không bị hụt hẫng và dần thích ứng. Tôi được biết, Bộ GD&ĐT đã cùng với Ủy ban Dân tộc kiến nghị Chính phủ để tháo gỡ những khó khăn. Chúng ta giải quyết tốt các chế độ, chính sách, chất lượng giáo dục mới có thể ngày càng tốt lên. - Đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập792
  • Hôm nay36,121
  • Tháng hiện tại314,251
  • Tổng lượt truy cập51,670,210
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944