Mô hình bồi dưỡng giáo viên mới: Nhiều điểm khác biệt

Thứ ba - 30/11/2021 06:02 361 0
GD&TĐ - Xây dựng bài bản, sự phong phú các hình thức thể hiện của tài liệu tập huấn GV và tài liệu tập huấn được số hóa được cho là một trong những điểm mới quan trọng, tạo nên hiệu quả của hoạt động bồi dưỡng, tập huấn.
Mô hình bồi dưỡng giáo viên mới: Nhiều điểm khác biệt

Hoàn thiện toàn bộ tài liệu, học liệu bồi dưỡng

TS Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban quản lí Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lí (CBQL) cơ sở giáo dục phổ thông (Chương trình ETEP) cho biết: Ngày 4/12/2019, Quyết định số 4660/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành 54 mô-đun bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở GDPT triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Các mô-đun bồi dưỡng dành cho 3 cấp học phổ thông, mỗi cấp học gồm 2 đối tượng (GV, CBQL cơ sở GDPT), mỗi đối tượng 9 mô-đun.

Thực hiện Quyết định trên, Ban quản lí Chương trình ETEP đã giao cho 7 trường ĐH sư phạm, Học viện Quản lí giáo dục tổ chức biên soạn các mô-đun, bảo đảm yêu cầu thực tiễn, khoa học và theo định hướng của Bộ GD&ĐT để phục vụ bồi dưỡng đội ngũ cốt cán, đại trà trên toàn quốc.

Cũng theo TS Đặng Văn Huấn, nhằm bảo đảm sự thống nhất, chất lượng của tài liệu, học liệu, Ban Quản lí Chương trình ETEP đã xây dựng quy trình phát triển tài liệu bồi dưỡng, cùng hướng dẫn chi tiết về nội dung, hình thức và kịch bản sư phạm cho mỗi mô-đun.

Quy trình bao gồm các bước như: Thành lập Ban biên soạn, tổ chức hội thảo - tập huấn định hướng phát triển tài liệu; xây dựng đề cương và bản thảo với việc tham vấn các bên liên quan bao gồm cục/vụ thuộc Bộ GD&ĐT, chuyên gia độc lập, chuyên gia tư vấn quốc tế, Ngân hàng Thế giới, đại diện trường ĐH sư phạm/Học viện tham gia ETEP và GV phổ thông, CBQL cơ sở GD phổ thông - đối tượng thụ hưởng tài liệu; thử nghiệm tài liệu; thẩm định cấp trường và nghiệm thu cấp Bộ. Nhờ thực hiện theo quy trình, các tài liệu, học liệu được rà soát, góp ý nhiều vòng nhằm đảm bảo chất lượng, bám sát hướng dẫn, qui định của Bộ GD&ĐT, đáp ứng công việc thực tế của GV, CBQL cơ sở GDPT.

“Chương trình ETEP đã phối hợp với dự án RGEP, các trường ĐH sư phạm xây dựng được toàn bộ tài liệu, học liệu. Sản phẩm của các mô-đun bồi dưỡng được thiết kế đa dạng: Tài liệu dạng in (tài liệu nội dung cốt lõi), infographic, video, ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá quá trình, kết quả học tập và bài thực hành cuối khóa.

Các tài liệu được thiết kế, đưa lên hệ thống học trực tuyến LMS thành khóa học qua mạng (e-course) theo kịch bản phù hợp, đáp ứng mô hình bồi dưỡng (5-3-7 hoặc 7-2-7) cho đội ngũ cốt cán và mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục tại chỗ (qua mạng) của đội ngũ đại trà (có sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán). Sau mỗi khóa bồi dưỡng, Ban Quản lí Chương trình và các trường ĐH sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của giảng viên và học viên tham gia bồi dưỡng nhằm chỉnh sửa, bổ sung và cập nhật tài liệu” - TS Đặng Văn Huấn cho hay.

Mô hình bồi dưỡng giáo viên mới: Nhiều điểm khác biệt - Ảnh minh hoạ 2
Giáo viên có thể tự bồi dưỡng thông qua tài liệu được số hóa. Ảnh minh họa.

Biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng

Thầy Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, cho biết: Những năm 2005 - 2007, GV, CBQL tham gia tập huấn Chương trình GDPT 2006 chủ yếu là trực tiếp. GV dạy môn nào thì tập huấn tập trung môn đó. GV cốt cán (báo cáo viên) truyền đạt trực tiếp trên hội trường. Học viên nghiên cứu tài liệu, thảo luận, cử GV dạy thực nghiệm để các học viên dự và rút kinh nghiệm.

Ngày đó tài liệu tập huấn có thể nói chưa đầy đủ và phong phú để học viên có thể tự đọc, tự nghiên cứu như bây giờ; học viên chủ yếu bám sát sách GV và sách giáo khoa. Còn hiện nay, tài liệu tập huấn rất đa dạng, phong phú với file tài liệu, video giảng viên tập huấn trực tiếp, video bài dạy minh họa rất sinh động, học viên có thể xem đi xem lại những nội dung cần quan tâm.

Học viên được chủ động về thời gian: Ngày đi làm, tối vẫn tranh thủ tự học được; làm các bài tập để nắm chắc, hiểu sâu… Ngoài ra còn nguồn tư liệu khổng lồ trên Internet, tuy nhiên các học viên khi trao đổi, chia sẻ cần tiếp thu có chọn lọc. Bên cạnh nguồn tài liệu mở, phần liên hệ vận dụng bám sát thực tiễn, các tác giả cũng luôn lắng nghe, tương tác với học viên để nguồn học liệu hoàn thiện hơn. “Tóm lại, sự phong phú, cụ thể của tài liệu tạo nên sự khác biệt, sự hiệu quả so với các chương trình tập huấn trước đây” - thầy Nguyễn Tiến Dũng nhận định.

Từ trải nghiệm thực tế, cô Trần Thị Nguyên, giáo viên Trường THCS Trường Chinh, Phú Thiện, Gia Lai nhận định: Các tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa phù hợp với thực tế giáo dục phổ thông, đồng thời bắt nhịp với xu hướng mới trong bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

Tất cả giáo viên được tiếp cận tài liệu gốc, hỗ trợ hiệu quả quá trình tự bồi dưỡng, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ và có chất lượng. Giáo viên chủ động về thời gian học, tùy tình hình công việc để sắp xếp thời gian tự nghiên cứu. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh khó có thể tổ chức tập huấn trực tiếp, với các tài liệu được số hóa, giáo viên tăng cường nghiên cứu, tự bồi dưỡng online. Ngoài xem lại nội dung đã được bồi dưỡng, thầy cô tìm kiếm, tải tài liệu về, đối chiếu so sánh với video, tài liệu được học và rút kinh nghiệm, tìm phương pháp phù hợp.

“Chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ chương trình bồi dưỡng, đồng thời mong muốn tiếp tục trao đổi những băn khoăn, vướng mắc trong quá trình giảng dạy; có cơ hội chia sẻ, trao đổi, thảo luận với đồng nghiệp trên cả nước. Việc bồi dưỡng không chỉ là “trách nhiệm” mà là nhu cầu tự thân, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục” – cô Trần Thị Nguyên chia sẻ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập745
  • Hôm nay37,345
  • Tháng hiện tại315,475
  • Tổng lượt truy cập51,671,434
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944