Món xa xỉ
11 giờ, sau tiết học buổi sáng, A Thường (học sinh lớp 1, điểm trường Kon Du, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Măng Cành, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) lôi chiếc cặp lồng đựng cơm đã nguội ngắt ra. Bữa trưa hôm nay của A Thường xa xỉ hơn mọi khi bởi có thêm vài miếng thịt chuột.
Cậu bé đen nhẻm với dáng người nhỏ thó nói: “Bữa trưa mọi khi của em thường là cơm trắng và rau rừng. Hôm qua mẹ đi rẫy bắt được mấy con chuột nên trưa nay em có thịt để ăn”.
Bố A Thường mất sớm nên 2 anh em sống cùng mẹ ở thôn Kon Du. Nhà cách trường mấy con dốc nên hàng ngày A Thường phải mang cơm theo để ăn trưa tại lớp. “Em chỉ mong có cơm ăn để no bụng mỗi ngày. Chứ lâu lâu mẹ mới bắt được mấy con chuột hoặc nhộng đất”, A Thường tâm sự.
Bữa trưa hôm nay của cô học trò Y Thùy Dung (thôn Măng Bành) chẳng có thịt, cá hay rau xanh. Y Thùy Dung chỉ ăn cơm trắng với ít đường mà mẹ bỏ vội vào cặp lồng khi sáng. Dù vậy, Y Thùy Dung vẫn ăn ngon lành.
Nhà Dung cách trường khoảng 2 km nên hàng ngày em thức dậy từ sớm để đi bộ đến trường. Sáng nay, bố mẹ bận lên nương rẫy sớm, nhà hết thức ăn nên bữa trưa của Dung chỉ có cơm trắng với đường. “Ăn cơm với đường em thấy ngon lắm. Bữa trưa nào em cũng ăn hết phần cơm mà bố mẹ chuẩn bị cho”, Y Thùy Dung nói.
Như mọi ngày, đôi bạn A Hoàng và A Ních (học sinh lớp 2) lại ăn chung một phần cơm. Hôm nay, bố mẹ A Ních bận công việc đồng áng nên không kịp chuẩn bị cơm cho em mang đến trường. Hộp cơm của A Hoàng với vài miếng thịt chuột được chia làm đôi. A Hoàng và A Ních thay phiên nhau xúc ăn. Lâu lâu 2 cậu học trò lại nhìn nhau cười ngượng nghịu.
San sẻ để nuôi trò
Để giữ chân trò ở lớp, mỗi ngày, giáo viên tại điểm trường Kon Du lại nấu thêm thức ăn mang theo. Đến giờ cơm, thầy cô san sẻ từng miếng thịt, con cá, hay gắp rau cho học trò.
Cô Trần Thị Dung (chủ nhiệm lớp 3B, điểm trường Kon Du) cho biết: Điểm trường có 5 lớp với 72 học sinh sống ở 3 thôn Kon Du, Măng Pành và Măng Mô. Nhà học sinh xa nhất cách điểm trường hơn 3km. Tuy nhiên, đường đến trường phải qua mấy quả đồi nên có em đi bộ hơn tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nhà xa nên nhiều em đi học buổi sáng, trưa về nhà ăn cơm đến chiều thì “quên” tới lớp. Để duy trì sĩ số, nhà trường đã tuyên truyền, vận động phụ huynh chuẩn bị cơm cho các em mang theo. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên cơm trưa của học trò chủ yếu là cơm trắng với đường, muối, nhộng đất, ve sầu. Món ăn xa xỉ của học sinh nơi đây có lẽ là thịt chuột, ếch, nhái… mà bố mẹ các em đi nương rẫy bắt được.
“Chúng tôi hy vọng sớm có chính sách đặc thù hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số. Qua đó, các em sẽ có bữa ăn bán trú với đầy đủ chất dinh dưỡng”, cô Dung tâm sự.
Cũng theo cô Dung, nơi đây một năm có đến 6 tháng mưa, nhiều lúc nhiệt độ chỉ còn 10 độ C. Tuy nhiên, học sinh đến lớp với chiếc áo mỏng dính, có em đi chân đất tới trường. Những hôm đồ ướt chưa kịp khô, các em còn mặc quần áo bố mẹ đến lớp. Do đó, giáo viên thường xuyên kêu gọi các nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ áo ấm và dép cho học trò.
Thầy Trần Thông - Hiệu trường Trường PTDTBT Tiểu học Măng Cành cho biết, đầu năm 2021 xã Măng Cành đạt chuẩn nông thôn mới. Học sinh bị cắt các chế độ hỗ trợ học tập, bán trú. Điều này càng gây khó khăn trong công tác duy trì sĩ số và vận động học sinh ra lớp.
Theo thầy Thông, nhà trường không đủ điều kiện để tổ chức cho các em ở bán trú. Do đó, đã chuyển học sinh lớp 3, 4, 5 về học tại các điểm trường thôn. Tuy nhiên, nhà xa trường nên các em thường mang theo cơm trưa để ăn rồi chiều tiếp tục học.