-Xin ông cho biết, vai trò của trường chuyên trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT mới?
-Ông Nguyễn Phúc Tăng: Vai trò của trường chuyên là phát triển năng khiếu về một số môn học như Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh và Tiếng Pháp trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện; phát hiện, tạo nguồn, đào tạo nhân lực bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của TP Cần Thơ và đất nước.
Trong giai đoạn triển khai Chương trình GDPT 2018, ngoài vai trò trên, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng còn mang một nhiệm vụ, vai trò hết sức quan trọng đó là trung tâm, hạt nhân đổi mới sáng tạo.
Trường chuyên đi đầu trong việc thực hiện chương trình mới, tiếp cận những định hướng, chủ trương đổi mới; bồi dưỡng, hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý thực hiện các mô đun của Chương trình GDPT 2018; là điểm đến để các đơn vị trường học trong thành phố học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm khi thực hiện Chương trình GDPT mới.
-Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh, vai trò của Giáo dục mũi nhọn rất quan trọng. Để đạt được kết quả cao như vừa qua, giải pháp của ngành Giáo dục thành phố như thế nào, thưa ông?
-Ông Nguyễn Phúc Tăng: Thành tích đạt được trong những năm qua, nhất là năm 2021, đó là sự kết tinh của quá trình phấn đấu, nỗ lực lâu dài của ngành GD&ĐT thành phố.
Đó cũng là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó có thể nói đến sự quan tâm, chăm lo cho giáo dục của lãnh đạo thành phố; sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cơ quan ban ngành đối với ngành GD&ĐT.
Sự phối hợp, hỗ trợ từ phía gia đình và xã hội. Trong đó cha mẹ học sinh là người luôn kề vai, sát cánh cùng con em mình trong suốt quá trình học tập, bồi dưỡng và dự thi, chăm lo sức khoẻ, hỗ trợ tinh thần, vật chất để các em an tâm tham gia các đội tuyển.
Sự nhiệt huyết, quyết tâm của đội ngũ thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng. Người thầy có vai trò tạo động lực cho học sinh, tạo niềm tin và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho người học. Với năng lực chuyên môn và kinh nghiệm vốn có, giáo viên hình thành cho học sinh những kiến thức, kỹ năng và một tinh thần thoải mái, tự tin khi bước vào giai đoạn ôn tập và dự thi. Mặt khác, giáo viên cũng thường xuyên được học tập, bồi dưỡng chuyên môn bằng nhiều hình thức, cách thức khác nhau.
Sự quản lý chặt chẽ, khoa học của cán bộ quản lý trường chuyên được giao quản lý đội tuyển. Từ kinh nghiệm quản lý tại trường kết hợp với việc học tập, trao đổi với các trường chuyên trong cả nước, cán bộ quản lý trường chuyên Lý Tự Trọng xây dựng kế hoạch chu đáo, khoa học và hiệu quả.
Từ giai đoạn tuyển sinh đầu cấp, nhà trường đã tìm nguồn học sinh giỏi từ các trường THCS, trao đổi, bồi dưỡng các chuyên đề chuyên cho giáo viên cấp THCS; tổ chức và tham gia các kỳ thi cho học sinh cọ sát, rút kinh nghiệm; mời chuyên gia đầu ngành tập huấn, bồi dưỡng các chuyên đề chuyên sâu cho các đội tuyển và giáo viên…
Sở GD&ĐT chỉ đạo, định hướng và hỗ trợ tài chính, kinh phí cơ sở vật chất và điều phối nhân sự giảng dạy cho trường chuyên nói chung và các đội tuyển nói riêng. Tạo điều kiện để trường mời chuyên gia tập huấn cho học sinh, giáo viên, đưa các đội tuyển đi tập huấn dài hạn… động viên, khen thưởng kịp thời học sinh, giáo viên đạt kết quả cao trong kỳ thi.
Tăng nguồn lực, chính sách cho trường chuyên
-Trong giáo dục mũi nhọn, giáo viên đóng vai trò rất quan trọng. Việc thu hút giáo viên giỏi, đủ tâm, đủ tầm được thực hiện, đãi ngộ ra sao thưa ông?
-Ông Nguyễn Phúc Tăng: Những năm gần đây, ngành GD&ĐT thành phố tạo điều kiện cho những giáo viên giỏi, có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, đủ tâm, đủ tầm từ các trường THPT chuyển về công tác tại trường chuyên.
Ưu tiên giáo viên trường chuyên tham gia các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ; thực hiện các chế độ khen thưởng, động viên kịp thời theo quy định...
-Để phát triển hệ thống trường chuyên, xin ông cho biết giải pháp của ngành là gì?
-Ông Nguyễn Phúc Tăng: Tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong những năm qua, ngành GD&ĐT xây dựng một số giải pháp để phát triển hệ thống trường chuyên trên địa bàn thành phố. Cụ thể:
Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa hiện đại hóa, đảm bảo cơ sở vật chất, đáp ứng các hoạt động giáo dục toàn diện, công tác học tập và nghiên cứu khoa học.
Tiếp tục đổi mới công tác quản lý đối với trường THPT chuyên và tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhà trường. Tạo môi trường làm việc thuận lợi và các điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để thầy cô yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Thực hiện đổi mới chương trình, tài liệu dạy học và tuyển sinh. Thực hiện chương trình giáo dục theo hướng hiện đại, tiếp cận với trình độ tiên tiến khu vực và thế giới; xây dựng hệ thống các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi theo khung chuyên đề của Bộ GD&ĐT.
Tăng đầu tư kinh phí từ ngân sách nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại cho trường THPT chuyên. Huy động sự đóng góp từ nhân dân, các tổ chức kinh tế, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Tham mưu UBND thành phố ban hành các chính sách đặc thù đối với trường chuyên nhất là chế độ khen thưởng đặc biệt đối với học sinh đạt giải các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế.
Đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế. Tăng cường khả năng hợp tác và hội nhập giữa trường chuyên với các cơ sở giáo dục có uy tín trong nước và ở nước ngoài nhằm trao đổi kinh nghiệm về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển tài năng trẻ; đồng thời, thu hút nguồn lực để phát triển nhà trường...
-Xin trân trọng cảm ơn ông!