Nhiều chính sách vĩ mô bảo đảm quyền học tập
Đại dịch đã làm xa thêm khoảng cách về cơ hội tiếp cận giáo dục, làm bất bình đẳng giáo dục tăng cao và mục tiêu phát triển bền vững đứng trước nguy cơ không hoàn thành. Trước những bất ổn đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục cho học sinh.
Theo Báo cáo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO), đại dịch đã làm hơn 90% học sinh toàn cầu phải ở nhà và khoảng 24 triệu trẻ em bỏ học, không có cơ hội đến trường do giãn cách vì dịch bệnh và thiếu thiết bị học trực tuyến.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, nhân loại đang phải đối mặt với “thảm họa thế hệ” và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) nhận định, thế giới đang chứng kiến “tình trạng khẩn cấp về giáo dục” hết sức nghiêm trọng. Bởi đại dịch đã ảnh hưởng tiêu cực tới quyền học tập và hưởng các phúc lợi xã hội tại trường học, đe dọa nền giáo dục toàn cầu và để lại hậu quả cho kinh tế và xã hội trong nhiều thập kỷ tới.
Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới phải đóng cửa và áp dụng biện pháp học trực tuyến. Tuy nhiên, việc triển khai hình thức học này đang gặp vô vàn khó khăn do nhiều trẻ em và giáo viên thiếu cơ sở vật chất như máy tính, điện thoại di động, Internet, sách giáo khoa, thiết bị học tập, không có tiền đóng học phí... Điều này không chỉ ảnh hưởng tới mục tiêu trước mắt của các em mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tương lai.
Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương nhằm bảo đảm quyền được học tập, giáo dục của học sinh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng diễn ra đầu năm 2021 đã khẳng định: “Quan tâm chăm lo công tác giáo dục, bồi dưỡng và bảo vệ trẻ em, thiếu niên, nhi đồng”. Từ ngày 06/03/2020, hệ thống Giáo dục HOCMAI phối hợp với Đài truyền hình kỹ thuật số VTC ra mắt chương trình “Lớp học không khoảng cách”, các bài giảng được truyền đạt bởi những giáo viên uy tín, phát sóng miễn phí trên sóng truyền hình, phủ sóng toàn quốc nhằm hỗ trợ học sinh bậc phổ thông học tập trong thời gian phòng dịch Covid-19.
Ngay trước thềm năm học 2021 - 2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Trên cơ sở đó, các địa phương có quyền tự quyết định chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh như đại dịch Covid-19.
Linh hoạt, chủ động ứng phó
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid - 19 trên khắp thế giới và ở Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đang tiến hành tiêm vắc xin cho người dân. Trẻ em tại một số địa phương cũng bắt đầu được tiêm Vắc xin, chuẩn bị điều kiện để trở lại trường.
Để bảo đảm chất lượng giáo dục cho học sinh, trước mắt Đảng, Nhà nước kết hợp với Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu để có những chương trình, chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn được nhận trang thiết bị công nghệ phục vụ học trực tuyến. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát huy tinh thần tương thân tương ái người Việt, đầu tư cơ sở vật chất về công nghệ thông tin, đường truyền internet ổn định để học sinh có cơ hội học tập.
Triển khai Nghị quyết của Đảng về giáo dục cho học sinh vào cuộc sống, thực hiện có hiệu quả chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Đồng thời, tăng cường đào tạo về dạy học trực tuyến cho giáo viên chưa thạo sử dụng công nghệ. Áp dụng một loạt biện pháp phòng chống dịch ở trường học theo khuyến nghị của WHO và UNICEF, như cải thiện môi trường trường học, cải tạo hệ thống thông gió, chia nhỏ lớp học, thực hiện giãn cách xã hội, cũng như xét nghiệm Covid-19 thường xuyên cho trẻ em và nhân viên nhà trường.
Về cơ bản và lâu dài cần tiến hành tiêm chủng mở rộng vắc xin Covid - 19 cho học sinh cả nước. Tiếp tục tuyên truyền biện pháp chống dịch “vắc xin + 5K” nhằm hình thành một thế hệ trẻ miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” để phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng bố mẹ thất nghiệp, các con không có điều kiện đến trường.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, gắn với đổi mới công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy và học. Hiện đại hóa hạ tầng cho giáo dục và đào tạo. Rà soát những cơ chế chính sách cũ, điều chỉnh để ban hành những chính sách mới phù hợp hơn.
Hiện tại, Luật Giáo dục (2019) còn thiếu những quy định liên quan đến giáo dục và đào tạo trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh. Vì vậy, cũng cần bổ sung những quy định này đầy đủ, nhất là những quy định về học trực tuyến với cả giáo viên và học sinh để tránh tình trạng lúng túng, bị động.
Ngày 7/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Công văn số 6218/VPCP-KGVX về xây dựng và triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; ngày 10/9, Bộ GD&ĐT ban hành văn bản số 3961/BGDĐT-CĐN phát động Chương trình “Máy tính cho em”; ngày 15/9 Đài Truyền hình Hà Nội phát động Chương trình “Cùng em học tốt trong đại dịch Covid 19”…