Chấn hưng văn hóa từ giáo dục: Giáo dục văn hóa song hành với tri thức

Thứ tư - 01/12/2021 01:07 226 0
GD&TĐ - Mặt trái của sự phát triển tạo ra những tác động xấu làm “thui chột” nhiều giá trị “gốc” của con người.
Chấn hưng văn hóa từ giáo dục: Giáo dục văn hóa song hành với tri thức

Đứng trước thách thức này, các cơ sở giáo dục ở Điện Biên triển khai nhiều biện pháp để giáo dục văn hóa song hành với tri thức.

Phải có nhân cách trước khi có kiến thức

Đầu tháng 11, việc một học sinh nữ lớp 12, Trường THPT TP Điện Biên Phủ đánh nhau ngoài trường đã dấy lên “làn sóng” dư luận về vấn nạn bạo lực học đường và đạo đức, lối sống của học sinh hiện nay.

Cô Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin, trường đã phối hợp cùng đơn vị liên quan xác minh, nắm bắt sự việc.

“Hành vi của học sinh này đã vi phạm quy tắc ứng xử được quy định rất rõ trong điều lệ của trường. Chính vì vậy, Hội đồng quyết định kỷ luật em này với hình thức khiển trách, thông báo tới phụ huynh. Hai học sinh khác biết sự việc nhưng không khuyên can, ngăn cản, không báo cáo với thầy cô cũng bị kỷ luật. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ để các em khắc phục khuyết điểm” – cô Nga cho hay.

Theo cô Nga, với quan điểm học sinh “phải có nhân cách trước khi có kiến thức”, nhà trường đã xây dựng điều lệ, bộ quy tắc ứng xử và phổ biến tới mỗi học sinh khi nhập học. Nhiều năm qua, trường cũng chú trọng công tác truyền thông, giáo dục cho học sinh về việc xây dựng văn hóa ứng xử không chỉ trong nhà trường mà cả gia đình và xã hội.

Chấn hưng văn hóa từ giáo dục: Giáo dục văn hóa song hành với tri thức - Ảnh minh hoạ 2
Học sinh Trường THPT TP Điện Biên Phủ tham gia vận chuyển đồ đạc, tháo dỡ nhà cửa giúp các hộ dân di dời bàn giao mặt bằng thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên.

Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của mạng xã hội, học sinh dễ dàng tiếp cận, học theo nhiều thói xấu. Các em dễ nổi nóng và có những hành xử thiếu văn hóa, làm mất đi các giá trị “gốc” của người Việt Nam. Từ đó, xuất hiện hành vi thiếu chuẩn mực, đạo đức.

“Việc các em có hành vi thiếu chuẩn mực ngoài khuôn viên trường học là khó tránh khỏi, vì thầy cô không thể giám sát, quản lý các em 24/24 giờ. Chính vì vậy, với mỗi sự việc, nhà trường luôn thể hiện thái độ dứt khoát và nghiêm khắc. Lấy chính vụ việc thực tiễn để răn đe, giáo dục học sinh khác. Không vì thành tích mà bao che, dung túng cho học sinh vi phạm”, cô Nga cho biết thêm.

Từ vụ việc xảy ra cho thấy, đa phần gia đình có học sinh vi phạm chưa phối hợp với nhà trường trong việc dạy dỗ, nắm tình hình để giáo dục con em. Thậm chí, một số phụ huynh khi nhà trường liên hệ lại có thái độ thờ ơ hoặc bất hợp tác.

Chính vì vậy, theo cô Nga, nếu chỉ từ phía nhà trường thì chưa đủ, mà cần có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục, định hướng cho con em mình. “Khi học sinh có nhân cách tốt cũng biết cách để tự rèn luyện, trau dồi tri thức cho bản thân” – cô Nga nói.

Chấn hưng văn hóa từ giáo dục: Giáo dục văn hóa song hành với tri thức - Ảnh minh hoạ 3
Hướng học sinh tham gia các hoạt động tình nguyện là một trong những biện pháp được nhiều cơ sở trường học triển khai giúp các em hoàn thiện nhân cách.

Lấy trường học hạnh phúc làm nền tảng

Trong suy nghĩ của Cháng A Dơ, sinh viên K12CĐ-C1, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên vẫn còn nhớ như in lời thầy hiệu trưởng dặn dò học sinh buổi đầu nhập trường: “Chỉ có các thầy cô hạnh phúc mới tạo ra những học trò hạnh phúc. Và muốn làm được điều đó phải có một trường học thân thiện, hạnh phúc”.

Đúng như những lời được nghe từ buổi đầu, mỗi ngày đến lớp, bên cạnh kiến thức, Dơ và các bạn được thầy cô quan tâm, dạy dỗ nhiều bài học giá trị về cuộc sống. “Ngoài giờ giảng trên lớp, thầy cô còn giúp chúng em có thêm nhiều bài học bổ ích về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp. Từ đó, em thấy mình tự tin, có thêm động lực để học tập và theo đuổi con đường đang chọn” – Dơ bộc bạch.

Thạc sĩ Trần Bá Uẩn, quyền Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên - cho biết: 98% học sinh, sinh viên tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số, ít có điều kiện tiếp cận với mạng xã hội nên phần nào hạn chế được “thói hư tật xấu”.

Tuy nhiên, cũng chính những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống khiến nhiều em thiếu bản lĩnh, hạn chế trong văn hóa ứng xử và kỹ năng giải quyết các vấn đề phát sinh. Bởi vậy, nhà trường đã lựa chọn việc giáo dục phù hợp với văn hóa bản địa của địa phương.

“Xác định các em về trường học tập, xa gia đình nên thầy cô là người quản lý, dạy dỗ học sinh, sinh viên thay bố mẹ. Bằng cách kết hợp xây dựng môi trường giáo dục thân thiện với nhà trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, chúng tôi đã hướng học sinh đến các hoạt động tích cực. Đồng thời, hướng các em đến những sáng tạo, tự tin, tránh xa tác động tiêu cực. Từ đó hình thành lối sống lành mạnh, nhân ái cho người học”, thầy Uẩn chia sẻ.

Theo thầy Uẩn, trước khi đưa các hoạt động giáo dục nghề nghiệp đến với học sinh, trường chú trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống lành mạnh cho các em thông qua mô hình “Nhà trường xanh, ứng xử đẹp”. Mục đích là hướng đến xây dựng trường học hạnh phúc làm nền tảng giáo dục, hình thành cho học sinh nền nếp, văn hóa ứng xử trong học tập và sinh hoạt chung.

Còn theo cô Trần Thị Hoa, Khoa Kinh tế - Tài chính, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên, với mỗi giảng viên, được làm việc trong môi trường thân thiện, lành mạnh đã tạo động lực, thúc đẩy thầy cô sáng tạo, tâm huyết với hoạt động giảng dạy.

Theo ông Hà Quang Minh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB&XH Điện Biên), Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Điện Biên là 1 trong 15 mô hình tiêu biểu trên toàn quốc vừa đoạt giải “Mô hình văn hóa ứng xử tiêu biểu trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2021”.

Khi mô hình này được nhân rộng sẽ góp phần xây dựng và thực hiện hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học; tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng văn hóa ứng xử. Từ đó, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và xây dựng phẩm chất con người yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.

“Khi chúng tôi được tạo môi trường tốt, tâm lý thoải mái sẽ có tâm thế tốt để xây dựng những tiết học, bài giảng chất lượng. Học sinh cũng được phát triển toàn diện. Và chắc chắn, khi bước vào cuộc sống các em sẽ có được nhân cách tốt” – cô Hoa bộc bạch.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập713
  • Hôm nay41,059
  • Tháng hiện tại319,189
  • Tổng lượt truy cập51,675,148
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944