“Nới lỏng” điều kiện
Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BGDĐT “Quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng; nội dung, hình thức và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công” (Thông tư số 31/2021/TT-BGDĐT). Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/12/2021. Điểm mới nhất của Thông tư này là thay đổi về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng giảng viên đại học.
Bày tỏ tâm đắc với điểm mới của Thông tư, ông Nguyễn Minh Tư - Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và Truyền thông, Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội – khẳng định: Quy định của Thông tư là cánh cửa rộng mở cho giảng viên. Nói cách khác, điều kiện xếp loại chất lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ của giảng viên đã được nới lỏng hơn.
Ông Tư viện dẫn: Trước đây, giảng viên phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian 3 năm liên tục mới được thi hoặc xét thăng hạng. Tuy nhiên, theo quy định mới, giảng viên chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề. Tức là chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 1 năm trước khi thi hoặc xét thăng hạng.
“Tôi tán thành với quy định này” – ông Tư nói, đồng thời cho rằng: Từ quy định trên, đòi hỏi công tác đánh giá phân loại viên chức giảng viên tại các cơ sở giáo dục đại học phải thực chất và cần có những tiêu chí cụ thể hơn. Điều này đòi hỏi phải đổi mới trong quy trình quản lý đánh giá phân loại. Trước kia sự phát triển nghề nghiệp của giảng viên được xem là trách nhiệm cá nhân, thì nay phát triển nghề nghiệp đang trở thành trách nhiệm có tính quy hoạch của trường đại học.
Một trong những điểm mới của Thông tư số 31/2021/TT-BGDĐT mà TS Dương Thành Huân – Phó Trưởng ban Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) tâm đắc là quy định việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng. Chẳng hạn, Điều 9 Thông tư này quy định: Việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng sẽ không chỉ dựa vào điểm công trình khoa học, mà thay bằng điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như: Kết quả hướng dẫn nghiên cứu sinh, sách đào tạo đã được xuất bản…
“Đây là quy định mở, tạo điều kiện cho giảng viên có thêm cơ hội trong thăng hạng chức danh nghề nghiệp” – TS Huân ghi nhận, đồng thời trao đổi: Vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên không phải giảng viên nào cũng có điều kiện thực hiện công trình khoa học. Vì thế, nếu điểm trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng giảng viên đại học chỉ được xét theo điểm công trình khoa học thì hơi cứng nhắc và có thể làm lỡ dở cơ hội của nhiều thầy cô tâm huyết.
Không quá khác biệt so với quy định cũ
“Từ những lý do trên, tôi tán thành với quy định mới của Thông tư số 31/2021/TT-BGDĐT. Hy vọng, khi Thông tư có hiệu lực sẽ là động lực để giảng viên nỗ lực phấn đấu trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học” – TS Huân chốt lại và cho rằng, ngoài thay đổi trên, các tiêu chuẩn, điều kiện về thăng hạng giảng viên đại học hầu như không quá khác biệt so với quy định cũ.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), Thông tư số 31/2021/TT-BGDĐT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học công lập. Ngoài ra, Thông tư quy định nội dung, hình thức xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Đối với nội dung, hình thức thi thăng hạng viên chức đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Điểm đáng chú ý, Thông tư đã bổ sung quy định cụ thể về thời gian thông báo kết quả xét thăng hạng. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 5 Điều 9, kết quả xét thăng hạng sẽ được thông báo trong thời gian: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc xét, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phải báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức về kết quả xét.
Đồng thời, công khai trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và gửi thông báo bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị cử viên chức dự xét về điểm xét thăng hạng để thông báo cho viên chức được biết; Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo kết quả điểm xét thăng hạng, viên chức dự xét có quyền gửi đơn đề nghị phúc khảo kết quả điểm xét thăng hạng.
Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có trách nhiệm thành lập Ban phúc khảo và tổ chức xét phúc khảo, công bố kết quả xét phúc khảo chậm nhất 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn nhận đơn phúc khảo theo quy định tại khoản này.
Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả xét phúc khảo, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức báo cáo người đứng đầu cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng và danh sách viên chức trúng tuyển…
Chậm nhất 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Hội đồng xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức có trách nhiệm thông báo kết quả xét và danh sách viên chức trúng tuyển bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị cử viên chức tham dự kỳ xét.