Một trong những văn bản pháp lý được đông đảo giảng viên quan tâm đó là Thông tư 31/2021/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các trường CĐ sư phạm, đại học công lập, có hiệu lực từ 26/12.
Theo đánh giá của nhiều giảng viên, cán bộ quản lý, so với trước đây, các tiêu chuẩn, điều kiện về thăng hạng giảng viên theo Thông tư 31 vừa ban hành không khác biệt nhiều, nhưng có một số điểm mới về nội dung, hình thức, góp phần tháo gỡ những khó khăn trong việc thi/xét thăng hạng.
Cụ thể, trước đây, giảng viên phải được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 3 năm liên tục mới được thi/xét thăng hạng, thì nay theo quy định mới, giảng viên chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề, tức chỉ cần xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 1 năm trước khi thi/xét thăng hạng.
Trước đây, điểm trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng được xét theo điểm công trình khoa học của giảng viên, nay việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng sẽ không chỉ dựa vào điểm công trình khoa học nữa mà thay bằng điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ như kết quả hướng dẫn nghiên cứu sinh, sách đào tạo đã được xuất bản…
Đáng chú ý, Thông tư 31 cũng được đánh giá là giàu tính nhân văn, vì sự tiến bộ phụ nữ khi đưa ra quy định ưu tiên trong trường hợp bằng điểm. Cụ thể nếu có từ 2 người trở lên có điểm kết quả hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ quy đổi bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng thì xác định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên: Viên chức là nữ; Viên chức là người dân tộc thiểu số; Viên chức có thời gian công tác nhiều hơn; Viên chức nhiều tuổi hơn.
Thăng hạng được thực hiện minh bạch và sòng phẳng. Việc thăng hạng không đơn thuần là giải quyết chế độ chính sách mặc dù trong thăng hạng có thể có tăng lương. Thăng hạng đặc biệt thể hiện sự phát triển chuyên môn, nghiệp vụ vị trí, uy tín và đẳng cấp của giảng viên trong phát triển nghề nghiệp. Đây không chỉ là nhu cầu của riêng giảng viên, mà còn là một phần trong kế hoạch phát triển đội ngũ của nhà trường.
Tuy nhiên thời gian qua, con đường để được thi/xét thăng hạng của giảng viên ở các trường CĐ sư phạm, đại học công lập khá gian nan. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn công tác của giảng viên trong bối cảnh tự chủ đại học, hội nhập quốc tế, trở thành rào cản khiến giảng viên mất động lực phấn đấu.
Nhiều giảng viên cho biết, họ nỗ lực phấn đấu để được thăng hạng không đơn thuần vì thêm chút hệ số trong tiền lương, mà quan trọng là muốn khẳng định chuyên môn, phát triển nghề nghiệp. Nhưng vì quy định cứng nhắc, không phù hợp trong thăng hạng giảng viên khiến một số người nản lòng. Đã có không ít giảng viên trường công “buông” phấn đấu nâng hạng để sang trường tư làm việc, nơi có cơ chế đánh giá, đãi ngộ cao hơn nhiều lần.
Xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên là một giải pháp đặc biệt quan trọng để thực hiện chiến lược phát triển nhà trường trên phương diện chất lượng đào tạo. Thời gian qua, các cơ sở CĐ sư phạm, giáo dục đại học công lập có nhiều biện pháp để xây dựng đội ngũ giảng viên giỏi.
Tuy nhiên do vướng những quy định có tính chất quy phạm pháp luật trong công tác quản trị nhân sự nên không những khó “săn người giỏi” mà việc giữ được chất xám đội ngũ của các trường cũng hết sức gian nan. Thực tế đã có dòng chuyển dịch chất xám từ trường công sang trường tư và các doanh nghiệp.
Thêm một sự cởi mở, động viên về mặt chính sách, tạo điều kiện cho giảng viên phấn đấu như quy định mới về thăng hạng sẽ góp phần giúp các trường công thuận lợi hơn trong cuộc cạnh tranh chất xám đang diễn ra gay gắt.