Nên hay không tính điểm hệ số trong tuyển sinh vào lớp 10?

Thứ năm - 28/03/2024 03:52 139 0
GD&TĐ - Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT, nhiều địa phương duy trì cách tính điểm nhân hệ số 2 với môn Toán và Ngữ văn.
Nên hay không tính điểm hệ số trong tuyển sinh vào lớp 10?

Có những ý kiến trái chiều xung quanh quy định này. Trong đó, quan điểm không đồng ý cho rằng cách tính hệ số tạo ra tâm lý môn chính, môn phụ mà ngành Giáo dục mong muốn xóa bỏ lâu nay.

Lý do tính hệ số với môn Toán, Ngữ văn

Điểm xét tuyển gồm điểm của bài thi môn Ngữ văn và Toán tính hệ số 2, điểm bài thi môn Ngoại ngữ tính hệ số 1 cộng thêm điểm ưu tiên là cách làm của nhiều địa phương (thi 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) những năm qua trong phương án tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Năm học 2024 - 2025, trong số các địa phương đã công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10, có không ít nơi duy trì cách tính này, như: Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Hưng Yên, An Giang…

Hà Nội chưa ban hành hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, nhưng nhiều năm nay, thành phố đều tính điểm hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn. Riêng Quảng Trị quy định tổng điểm xét tuyển bằng tổng điểm các môn thi (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) nhân 2 cộng điểm học lực, điểm hạnh kiểm và điểm ưu tiên. Điểm học lực và điểm hạnh kiểm đều là tổng điểm trung bình 4 năm THCS (Quy đổi điểm hạnh kiểm: Xếp lọa tốt - 8 điểm; xếp loại khá - 6,5 điểm; xếp loại trung bình - 5 điểm).

Là người ủng hộ cách tính điểm nhân hệ số 2 môn Toán, Ngữ văn, thầy Nguyễn Trọng Năm - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quan Sơn (Quan Sơn, Thanh Hóa) cho rằng, đây là 2 môn học sinh học xuyên suốt và phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng yêu cầu thi Toán, Ngữ văn bắt buộc. Do đó, thực hiện nhân hệ số 2 đối với 2 môn này khi tuyển sinh vào lớp 10 cũng là cách giúp học sinh có thêm động lực học tốt Toán, Ngữ văn ở tiểu học, THCS; đồng thời thúc đẩy phụ huynh quan tâm, đầu tư cho con em học tốt 2 môn này.

Nhân hệ số 2 đối với 2 môn Toán, Ngữ văn còn giúp các nhà trường dễ dàng hơn trong việc lấy điểm chuẩn xét tuyển vào 10. Thầy Nguyễn Trọng Năm lý giải, khi chỉ tính tổng điểm của 3 môn thì điểm chênh lệch giữa học sinh dự thi khá nhỏ. Ví dụ trường A nếu lấy điểm chuẩn (tổng 3 môn) là 20 thì thiếu chỉ tiêu; nhưng hạ xuống 19,75 lại có nhiều học sinh cùng điểm, sẽ phải thực hiện xét các tiêu chí phụ. Nhưng khi nhân đôi Toán, Văn, việc nhiều học sinh cùng điểm sẽ giảm, dễ dàng hơn trong xác định điểm chuẩn và xét tuyển.

Ngoài ra, không nhân hệ số 2 với môn Ngoại ngữ cũng hợp lý. Thực tế hiện nay, nhiều trường, đặc biệt các trường THCS khu vực miền núi thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ, thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực, trình độ, điều kiện học tập ngoại ngữ của học sinh… còn có sự khác biệt. Nếu nhân hệ số 2 với môn Ngoại ngữ sẽ có sự chênh lệch tổng điểm khá lớn, thiệt thòi cho học sinh ở trường chưa bảo đảm điều kiện dạy học môn này.

Cô trò Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Cô trò Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Nảy sinh tâm lý môn chính, phụ, học lệch

Ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) bày tỏ quan điểm không đồng tình với việc tính hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn trong tuyển sinh vào lớp 10. Lý do, cách tính điểm này không còn phù hợp, dẫn tới tâm lý môn chính, phụ, thiếu công bằng với môn học khác, ảnh hưởng đến giáo dục toàn diện. Đặc biệt, cấp THCS là chương trình giáo dục cơ bản, giá trị và vị thế môn học ngang nhau

“Nhân đôi hệ số rõ ràng thể hiện coi trọng môn Toán và Ngữ văn hơn môn thi khác. Cũng bởi vậy mà nhiều học sinh, phụ huynh và giáo viên có tâm lý coi đây là 2 môn chính, các môn còn lại là môn phụ. Tôi cho rằng, cách tính điểm, không chỉ trong tuyển sinh vào lớp 10, nên bình đẳng giữa các môn. Với Nghệ An, từ năm 2023, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 đã bỏ cách tính hệ số này”, ông Phạm Viết Phúc chia sẻ.

Thầy Vũ Ngọc Hòa - giáo viên dạy Toán, Trường THPT Ngô Quyền (Biên Hòa, Đồng Nai) cho rằng, áp dụng hệ số 2 cho môn Toán và Ngữ văn trong tuyển sinh vào lớp 10 có thể được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Về ưu điểm, cách tính này có thể tạo ra động lực lớn hơn cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và có năng lực với 2 môn Toán, Ngữ văn; giúp tăng cường sự cạnh tranh trong kỳ thi; khuyến khích học trò tập trung vào 2 môn học quan trọng.

Tuy nhiên, nhược điểm của việc áp dụng hệ số 2 là gây ra áp lực quá lớn, đặc biệt với em không có năng lực môn được tính hệ số. Để đạt điểm cao, thường học sinh sẽ tập trung nhiều hơn vào môn học được tính hệ số, bỏ qua các môn khác cũng quan trọng trong chương trình học.

“Để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, tránh tâm lý môn chính, phụ, các địa phương nên bỏ quy định tính hệ số trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10” - đưa ra quan điểm này, thầy Vũ Ngọc Hòa thuyết phục thêm bằng việc đưa quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT ban hành kèm Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 (quy định đánh giá dành cho học sinh học Chương trình GDPT 2006). Theo đó, tiêu chuẩn xếp loại học kỳ và cả năm học thay vì chỉ có 2 môn điều kiện là Toán, Ngữ văn đã thành 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

“Chúng ta đang triển khai Chương trình GDPT 2018, định hướng đánh giá các môn học công bằng. Vì vậy, nếu quan niệm cũ không còn phù hợp thì phải thay đổi, tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện. Cấp THCS là chương trình giáo dục cơ bản, các môn đều như nhau nên nhà quản lý giáo dục cũng cần xem xét lại hình thức kiểm tra đánh giá, cách tính điểm sao cho phù hợp.

Dù là giáo viên môn Toán, cũng mong muốn nâng cao vị thế môn mình giảng dạy, nhưng bản thân vẫn đề xuất bỏ hệ số với môn Toán, Ngữ văn vì cái chung và học trò. Tuy nhiên, với tuyển sinh vào trường chuyên, vẫn nên tính hệ số với môn chuyên”, thầy Vũ Ngọc Hòa nêu quan điểm.

Tại sao các địa phương đưa ra phương án tính điểm hệ số 2 cho hai môn Văn và Toán? Phải chăng họ cho rằng 2 môn học này quan trọng hơn những môn thi còn lại? Nếu vậy điều này có đi ngược với chủ trương của Bộ GD&ĐT khi không phân biệt môn chính, môn phụ?... Đặt ra hàng loạt câu hỏi, TS Nguyễn Sóng Hiền - Viện Quản lý và Công nghệ châu Âu bày tỏ lo ngại sẽ dẫn đến tình trạng học lệch; lệch với mục tiêu giáo dục phổ thông khi hướng tới một nền giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh. “Tôi cho rằng, đã đến lúc thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10. Nên hướng tới xét tuyển thay vì thi tuyển gây ra những áp lực không đáng có cho học sinh và xã hội”, TS Nguyễn Sóng Hiền chia sẻ.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập899
  • Hôm nay54,196
  • Tháng hiện tại332,326
  • Tổng lượt truy cập51,688,285
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944