Vận động tài trợ trong trường học: Tiếc vì không tận dụng được nguồn lực xã hội

Thứ năm - 28/03/2024 06:05 36 0
Tuy nhiên, dù quy định cho phép nhưng nhiều trường học tại TPHCM chưa “mạnh dạn” thực hiện. Nhiều trường e dè Cách đây 9 tháng, sau khi được Phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM) phê duyệt kế hoạch vận động, tài trợ đúng trình tự theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT (Thông tư 16) để sửa chữa cơ sở vật chất, một...
Vận động tài trợ trong trường học: Tiếc vì không tận dụng được nguồn lực xã hội

Tuy nhiên, dù quy định cho phép nhưng nhiều trường học tại TPHCM chưa “mạnh dạn” thực hiện.

Nhiều trường e dè

Cách đây 9 tháng, sau khi được Phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM) phê duyệt kế hoạch vận động, tài trợ đúng trình tự theo Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT (Thông tư 16) để sửa chữa cơ sở vật chất, một trường tiểu học thuộc địa phương này đã tiến hành phổ biến đến phụ huynh. Thế nhưng trong cuộc họp phụ huynh, một số người phản ứng “gay gắt”, rồi đưa thông tin lên mạng xã hội.

Theo chia sẻ của vị hiệu trưởng, trường đã xây dựng trên 20 năm. Tuy nhiên do địa hình ở vùng trũng, trường thường xuyên bị mưa ngập, tường bong tróc, cửa lớp lung lay, mất an toàn,… Trong khi đó nguồn kinh phí từ ngân sách cấp, nguồn thu sự nghiệp tại đơn vị chỉ đáp ứng chi thường xuyên. Kinh phí đầu tư tăng cường cơ sở vật chất năm 2023 cũng hạn hẹp nên ban giám hiệu mới xây dựng kế hoạch vận động.

“Trường đã nêu rõ trong cuộc họp với phụ huynh việc vận động tài trợ hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, công khai, không ép buộc và không quy định mức bình quân, tối thiểu đóng góp. Thế nhưng trước việc một số phụ huynh phản ứng, trường phải ngưng kế hoạch vận động và tiến hành hoàn trả kinh phí cho những người đã đóng góp. Cuối năm 2023, nhà trường được địa phương cấp kinh phí thay cửa phòng học”, vị hiệu trưởng cho hay.

Còn tại Quận 1 (TPHCM), cô Đỗ Ngọc Chi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, năm học 2023 – 2024, trường có 41 lớp nhưng chỉ có 17 lớp thực hiện nguồn vận động kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo hình thức tự nguyện, 24 lớp còn lại không triển khai.

Theo dự toán khoản kinh phí hoạt động của 17 lớp trên, lớp thấp nhất là 18 triệu đồng/năm, lớp cao nhất là 55 triệu đồng/năm. Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh trường 2 năm nay không thực hiện. Việc trang bị cơ sở vật chất tại các lớp nhờ sự hỗ trợ từ một số mạnh thường quân.

“Đối với lớp 1, nếu có nhu cầu lắp máy lạnh, một số phụ huynh tự nguyện đứng ra mua và bàn giao lại cho lớp. Nó trở thành tài sản riêng của lớp, dưới sự quản lý của cha mẹ học sinh. Cuối năm lớp 5, giáo viên chủ nhiệm sẽ trao đổi với phụ huynh để quyết định tài sản trên mang về nhà hay tặng cho trường.

Hiện 100% lớp trong trường được trang bị tivi thông minh, máy chiếu. Tài sản này do học sinh lớp 5 ra trường tặng lại. Đồng thời, khi thực hiện chương trình tiếng Anh tăng cường, trường trao đổi thêm với các đối tác triển khai để được hỗ trợ về cơ sở vật chất”, cô Chi nói thêm.

Phụ huynh tham quan cơ sở vật chất Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Phụ huynh tham quan cơ sở vật chất Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Để phụ huynh hiểu đúng

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ, những năm qua, dù Nhà nước đã quan tâm đầu tư cho giáo dục song chưa thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường học, do đó rất cần sự chung tay đóng góp của phụ huynh, xã hội. Thế nhưng, đôi khi chưa có sự thấu hiểu giữa nhà trường và phụ huynh trong vấn đề xã hội hóa giáo dục, từ đó gây nên dư luận không hay.

Chẳng hạn, phụ huynh có suy nghĩ cơ sở vật chất trong trường do ngân sách đầu tư nên có ý kiến khi được vận động đóng góp. Tất nhiên về phía nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đưa ra kế hoạch vận động đôi khi chưa quan tâm đến điều kiện tài chính mỗi phụ huynh. Bởi có những phụ huynh khá giả nhưng nhiều người khó khăn, việc phải đóng thêm một vài trăm ngàn đồng cũng là gánh nặng.

“Vận động tài trợ cần thực sự đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, không tạo áp lực hoặc có sự phân biệt với phụ huynh không có điều kiện đóng góp. Đồng thời, khi xây dựng kế hoạch vận động phải lưu ý đến tính khả thi. Chẳng hạn, ở vùng kinh tế khó khăn, mặt bằng thu nhập người dân thấp mà đưa ra những con số quá cao, xa vời thì sẽ gây bức xúc.

Cần có thêm sự chia sẻ giữa các bên để phụ huynh thấu hiểu với khó khăn của nhà trường, tính cần thiết của xã hội hóa. Song song đó, cần giám sát và xử lý nghiêm trường hợp thu, chi sai, lạm thu. Khi phụ huynh cảm thấy đồng tiền đóng góp cho giáo dục được sử dụng đúng mục đích, minh bạch thì việc xã hội hóa sẽ đạt đồng thuận cao”, ông Nguyễn Văn Ngai nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, hiệu trưởng một trường tiểu học tại Quận 12 bày tỏ, thực tế vẫn có phụ huynh nhận thức chưa đúng việc vận động tài trợ giáo dục, cho rằng vận động như vậy là nhà trường có lợi ích trong đó. Tuy nhiên, đối với công tác này, nhà trường nêu rõ không được phép đứng ra làm mà giao cho ban đại diện cha mẹ học sinh quyên góp, làm và bàn giao cho nhà trường theo hình thức “chìa khóa trao tay”. Ban đại diện có trách nhiệm đảm bảo thủ tục tài chính theo đúng quy định và công khai, minh bạch đến phụ huynh.

Là trường thực hiện hiệu quả huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục theo Thông tư 16, thầy Nguyễn Tấn Tài - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11, TPHCM) cho hay: “Đầu năm học này, trường được Sở GD&ĐT TPHCM phê duyệt kế hoạch vận động tài trợ các hạng mục như: Trang bị máy vi tính, loa, ti vi cho 20 lớp học khối 10, mái che sân trường và các hoạt động giáo dục.

Sau khi được phê duyệt, việc vận động kinh phí hoạt động, tài trợ được trường thực hiện công khai và nhận sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh, các mạnh thường quân. Trong học kỳ I, công tác vận động và các hạng mục nhanh chóng được hoàn thành. Cơ sở vật chất được tài trợ đã đáp ứng nhu cầu học tập cũng như sinh hoạt của học sinh”.

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD&ĐT TPHCM chia sẻ: “Thông tư 16 cho phép các trường được phép vận động nguồn lực cơ sở vật chất và hoạt động giáo dục cho học sinh. Các trường phải có kế hoạch, được phê duyệt của cấp có thẩm quyền, phải công khai rõ ràng. Đa số trường không có kế hoạch vận động tài trợ. Tôi tiếc vì nguồn lực xã hội nhiều nhưng không được tận dụng. Nếu không có kế hoạch, làm sao phụ huynh biết trường cần gì để đóng góp”.

Tác giả bài viết: Hồ Phúc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập825
  • Hôm nay55,863
  • Tháng hiện tại333,993
  • Tổng lượt truy cập51,689,952
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944