Phương thức này không mới nhưng thí sinh cần cẩn trọng để tránh “trượt oan”.
Năm nay, Trường ĐH Gia Định (TPHCM) dự kiến tuyển hơn 2 nghìn sinh viên. TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông cho hay, nhà trường dự kiến dành 60% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển từ xét học bạ. Nếu thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 16,5 điểm trở lên có thể tham gia xét tuyển.
Trường đã “mở cổng” xét tuyển học bạ THPT để thí sinh có thể ứng tuyển. “Xét tuyển bằng học bạ là phương thức chính của Trường ĐH Gia Định. Phương thức này giúp thí sinh giảm áp lực thi cử và đa dạng cơ hội chọn ngành, nghề”, TS Mai Đức Toàn trao đổi.
Từ ngày 6/1, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) mở đăng ký xét học bạ đợt 1 cho 36 ngành đào tạo. Thí sinh có thể lựa chọn xét 3 học kỳ hoặc tổ hợp điểm ba môn lớp 12 với tổng điểm từ 18 trở lên (đã bao gồm điểm ưu tiên).
Theo thông báo của Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, phương thức xét tuyển học bạ THPT được nhà trường thực hiện thành 6 đợt, kéo dài đến 30/11/2024. Với phương thức xét học bạ THPT, Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng 2 cách: Xét điểm trung bình ba học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) và xét theo tổng điểm học bạ lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển.
PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết, xét tuyển sớm là phương thức mà cơ sở giáo dục đại học không sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh để tuyển sinh. Theo đó, các trường sử dụng xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm vẫn phải xác nhận nhập học trực tuyến trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống). Nếu thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận trên Hệ thống đồng nghĩa từ chối kết quả và quyền nhập học. “Theo dự lệnh của Bộ GD&ĐT, Quy chế tuyển sinh năm 2024 giữ ổn định như năm trước. Điều này đồng nghĩa, các quy định nêu trên vẫn được áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay”, PGS.TS Phạm Văn Bổng trao đổi.
Thí sinh tham dự Kỳ thi Đánh giá tư duy đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội trong mùa tuyển sinh 2024. Ảnh: NTCC |
Xét tuyển sớm thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (TP Đà Nẵng) khuyên thí sinh cẩn trọng khi đăng ký tham gia dự tuyển sớm bằng phương thức này, ngay cả khi được cơ sở đào tạo công bố trúng tuyển. Những năm trước, nhiều thí sinh nhận thông báo trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm nên nảy sinh tâm lý chủ quan.
Các em không đọc kỹ quy chế tuyển sinh và nghĩ mình đã trúng tuyển nên không đăng ký trên Hệ thống. Cũng có thí sinh chủ quan, lơ là học tập dẫn đến kết quả thi tốt nghiệp THPT không tốt, thậm chí trượt tốt nghiệp và rơi vào tình cảnh “trắng tay”. “Đây là bài học cần lưu ý để không đi vào “vết xe đổ” của một số thí sinh trong các mùa tuyển sinh trước”, TS Võ Thanh Hải nhấn mạnh.
Thời điểm này, thay vì quá chú tâm đến phương thức xét tuyển sớm, thí sinh nên tập trung học tập tốt để có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024 như mong đợi, cô Quảng Thị Kiệp - giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương (Gia Lai) tư vấn. Thực tế cho thấy, với nhiều thí sinh xét tuyển và trúng tuyển sớm không mang nhiều ý nghĩa vì cùng lúc các em nộp hồ sơ xét tuyển vào một số trường khác nhau. Thậm chí, có thí sinh xét tuyển nhiều đợt nên trúng tuyển nhiều lần, dẫn đến phân vân, lúng túng khi quyết định “chốt” ngành, trường học.
Dù xét tuyển sớm thì thí sinh vẫn phải tốt nghiệp THPT mới đủ điều kiện xác nhận nhập học, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhắc lại và lưu ý, các em có thể trúng tuyển một hoặc nhiều trường theo phương thức này nhưng đó mới là trúng tuyển có điều kiện. Vì thế, điều kiện tiên quyết là phải tốt nghiệp THPT. Thí sinh nên tham khảo đề án tuyển sinh của các trường và có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau để gia tăng cơ hội trúng tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), dù thí sinh tham gia xét tuyển sớm và có kết quả đã trúng tuyển vẫn cần đăng ký các nguyện vọng đó trên Hệ thống. Khi đó, nguyện vọng này mới có giá trị xét tuyển cuối cùng.
Nguyên tắc trong xét tuyển là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho thí sinh: Các em được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng và không cần đăng ký phương thức hay tổ hợp xét tuyển. Chọn ngành/trường xét tuyển để đăng ký. Hệ thống sẽ hỗ trợ sắp xếp các nguyện vọng, sử dụng kết quả, dữ liệu được cung cấp, giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng ưu tiên nhất trong số nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển.
Các em không nên tập trung nguyện vọng vào một số ngành hoặc trường có mức độ cạnh tranh đều ở mức cao (tránh rủi ro không đạt nguyện vọng). Cách đơn giản và hiệu quả nhất là sắp xếp ưu tiên các nguyện vọng vào trường/ngành mà mình yêu thích, đam mê, có sở trường, năng lực… lên trên. Đây chính là tính ưu việt của Hệ thống.
Theo TS Mai Đức Toàn, trên bình diện chung, những năm gần đây, xét tuyển bằng học bạ THPT trở thành phương thức nhận được sự quan tâm của thí sinh. Tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình, thể hiện năng lực học tập trong thời gian dài, không bị phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất. Việc nhiều trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển sớm, giúp thí sinh ổn định tâm lý trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc