Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đến nay, theo dữ liệu trên hệ thống toàn thành phố, đã có tổng số 313.523 trên 322.513 hồ sơ trẻ mầm non được cập nhật mã định danh cá nhân trên hệ thống quản lý của ngành, chiếm 97,2%.
Nếu tính tỷ lệ nhà trẻ thì 46.200/46.265 trẻ được cập nhật mã định danh cá nhân, tỷ lệ 99.9%. Còn trẻ mẫu giáo có 267.323/ 276.248 trẻ, tỷ lệ 96.8% được cập nhật mã định danh cá nhân.
Với riêng trẻ 5 tuổi, toàn TP.HCM có 96.515/98.608 trẻ đã được cập nhật mã định danh cá nhân, tỷ lệ 97,88%.
Cũng theo Sở GD&ĐT TPHCM, về đăng ký tuyển sinh đầu cấp được thực hiện bằng hình thức trực tuyến qua cổng thông tin điện tử đăng ký tuyển sinh đầu cấp của TPHCM, các cơ sở giáo dục mầm non đã cập nhật chính xác thông tin hồ sơ học sinh và tổng hợp dữ liệu học sinh cuối cấp được tích hợp trên phân hệ tuyển sinh đầu cấp tại cơ sở dữ liệu ngành.
Năm học 2022-2023 đã có 86.392/99.674 hồ sơ, tỷ lệ 86.67% hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1 có đầy đủ thông tin được cha mẹ trẻ tra cứu và xác nhận.
Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhấn mạnh, để tuyển sinh đầu cấp thành công thì việc chuyển đổi số từ bậc mầm non là cực kỳ quan trọng. Công tác chuyển đổi số phải là công tác trọng tâm, lâu dài, cần có sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ của toàn xã hội, có sự chủ động tham gia của người học, nhà giáo và toàn xã hội.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu phát biểu tại hội thảo. |
Đặc biệt, TPHCM đã ban hành chiến lược phát triển giáo dục tới năm 2045, trong đó có mục tiêu 100% cơ sở mầm non phải chuyển đổi số, cập nhật dữ liệu đồng bộ lên trục cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành. Cơ sở dữ liệu phải “đúng-đủ-sạch-sống” để đảm bảo quyền lợi cho học sinh.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu đề nghị, thời gian tới cần hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chung của toàn cấp học mầm non, tiến tới thực hiện số hóa toàn diện. Các phòng GD&ĐT cần chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non đẩy mạnh thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, hoàn tất việc cập nhật mã định danh cho trẻ, tích hợp khai báo tính khẩu phần dinh dưỡng trên trục cơ sở dữ liệu dùng chung đến cuối năm học 2023-2024.
Đồng thời, các đơn vị tiếp tục làm phong phú kho học liệu điện tử dùng chung của toàn cấp học, xây dựng thêm trường dữ liệu về ngân hàng giáo án điện tử, dữ liệu tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh và các hoạt động ngoại khóa, tích hợp dữ liệu khai báo sức khỏe trẻ (lịch tiêm chủng, nhóm máu, tiền sử bệnh,...).
Cùng với đó là cần tích hợp cổng thông tin điện tử của các trường mầm non ngoài công lập và nhóm lớp độc lập vào cổng thông tin điện tử của ngành; tăng cường công tác kiểm tra công tác cập nhật dữ liệu của các đơn vị,…
Tác giả bài viết: Minh Anh
Ý kiến bạn đọc