Hơn 30 năm gắn bó nghề giáo, cô Nguyễn Thị Hành - nguyên giáo viên Trường Mầm non xã Quang Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) tâm sự: “Giáo viên mầm non rất vất vả, áp lực, đi sớm về muộn. Bởi vậy mỗi người trong quá trình làm việc phải rèn luyện tính kiên nhẫn, lắng nghe, đồng cảm và xem trẻ như con mình để nuôi dạy”.
Không ít lần cô Hành rơi vào tình huống dở khóc, dở cười khi học sinh không nghe lời. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến tâm lý, việc chăm sóc trẻ, cô Hành lựa chọn chia sẻ với đồng nghiệp, lãnh đạo nhà trường và phụ huynh.
“Khi gặp áp lực công việc, khó khăn trong quá trình nuôi dạy hoặc trẻ không hợp tác mà cô giáo cứ để trong lòng, lâu dần sẽ tích luỹ và như “cốc nước tràn ly” dẫn đến hành động không thể kiểm soát gây tổn thương cho trẻ. Do đó, tôi cố gắng giải toả trước khi bước vào lớp”, cô Hành chia sẻ.
Tương tự, tại Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên), công tác phòng chống bạo hành trẻ mầm non được nhà trường lồng ghép vào các kế hoạch năm học; thường xuyên tập huấn, kỹ năng cho giáo viên. Ban giám hiệu luôn đồng hành, sát sao với cô giáo trong quá trình giảng dạy để hiểu khó khăn họ gặp phải.
Cô Nguyễn Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Khong Hin nhận định, đa phần các vụ bạo hành ở trẻ mầm non chủ yếu ở cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập hoặc nhóm trẻ tự phát. Bởi vậy, để ngăn chặn tình trạng này khi cấp phép hoạt động, các cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng, trình độ giáo viên đứng lớp; đồng thời lưu ý đến hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn của đơn vị đó để tránh hành vi bạo hành với học trò.
“Công việc của giáo dục mầm non rất áp lực nếu không được đào tạo bài bản, thường xuyên bồi dưỡng, tập huấn cách xử lý tình huống, sự cố sư phạm trong quá trình dạy giáo viên dễ mất kiểm soát và có hành động bạo hành”, cô Hường nói thêm.
Tại Trường Mầm non 8-3 (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), để phòng, chống bạo hành trẻ, trường thường xuyên tập huấn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho giáo viên; thực hiện nghiêm các quy định về quy tắc ứng xử với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
“Ở mỗi lớp học, chúng tôi đều treo biển quy tắc ứng xử để giáo viên thường xuyên cập nhật, ghi nhớ, nhắc nhở bản thân có hành vi, ứng xử phù hợp. Đặc biệt, nhà trường xây dựng không gian, môi trường làm việc cởi mở, vui vẻ, tích cực, thân thiện giữa cán bộ, giáo viên, nhân viên và trẻ.
Không chỉ vậy, phụ huynh và ban giám hiệu cùng kiểm tra giám sát, đôn đốc giáo viên, nhân viên làm đúng chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn bạo hành”, cô Hiệu trưởng Tạ Hoa Dung chia sẻ.
Một tiết học của cô trò Trường Mầm non 8-3 (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội). Ảnh NC |
Nhằm ngăn chặn tình trạng giáo viên bạo hành trẻ mầm non, ngành Giáo dục huyện Tương Dương (Nghệ An) đã có nhiều biện pháp song hành, hỗ trợ để đội ngũ toàn tâm toàn ý với công việc.
Theo ông Thái Lương Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, thông qua hội nghị, hoạt động chuyên môn, phòng yêu cầu nhà trường tuyên truyền, lồng ghép các chủ đề hướng dẫn để ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ. Từ đó, giúp giáo viên thêm hiểu tác hại của vấn đề trên đối với trẻ nói chung và cơ sở giáo dục nói riêng.
Ngoài ra, ngành Giáo dục huyện Tương Dương quan tâm, chăm lo đời sống giáo viên mầm non để yên tâm công tác. Trong đại hội công nhân viên chức hay gặp mặt đối thoại giáo viên, lãnh đạo phòng giáo dục lắng nghe tâm tư, khó khăn thầy cô gặp phải để kịp thời động viên, tháo gỡ.
“Đối với phụ huynh, chúng tôi tuyên truyền để cha mẹ trẻ hiểu những áp lực, vất vả của giáo viên mầm non, từ đó có sự đồng hành, thông cảm và hỗ trợ trong quá trình chăm sóc trẻ”, ông Thiện nói.
Tại Cần Thơ, hằng năm, Phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP đều có văn bản hướng dẫn các nhà trường xây dựng trường học thân thiện, an toàn, lành mạnh; phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích cho học trò. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị xây dựng quy tắc ứng xử trường học, trong đó có quy định giáo viên phải gần gũi, thân thiện, không sử dụng bạo lực với học sinh, trẻ mầm non.
Riêng cấp học mầm non, Sở GD&ĐT xây dựng quy định giáo dục, nuôi dạy theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm, lắng nghe ý kiến, tâm tư của trẻ. Giáo viên tuyệt đối không sử dụng bạo lực trong quá trình giảng dạy.
Ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức các chuyên đề chăm sóc nuôi dưỡng trẻ; tập huấn, hướng dẫn giáo viên kỹ năng. Để nắm bắt tính cách, tâm lý của trẻ, giáo viên cần chia sẻ, lắng nghe từ phụ huynh để đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.
Ngành Giáo dục TP Cần Thơ và lãnh đạo nhà trường luôn quan tâm, chia sẻ những tâm tư, áp lực từ đó tìm cách tháo gỡ, không để giáo viên cảm thấy cô đơn, bế tắc.
Cũng theo ông Nhân, trước vấn đề bạo hành trẻ tập trung nhiều ở các trường mầm non ngoài công lập hoặc nhóm trẻ, Cần Thơ đặc biệt quan tâm đến việc quản lý, theo dõi quá trình hoạt động các đơn vị này.
Thường xuyên kiểm tra từ chương trình giảng dạy, y tế, cơ sở vật chất cũng như cách giáo dục trẻ; yêu cầu các đơn vị tham gia tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn như trường mầm non công lập.
“Đối với đội ngũ giáo viên các nhóm trẻ hay trường ngoài công lập, ngành Giáo dục Cần Thơ yêu cầu phải qua đào tạo bài bản, có bằng cấp liên quan đến giảng dạy, chăm sóc cho trẻ mầm non. Trường hợp giáo viên không có chuyên môn theo quy định ngành, cơ sở giáo dục sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Nhân nói.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên
Ý kiến bạn đọc