Trong số đó, nhiều người đã không còn trực tiếp đứng trên bục giảng nữa nhưng những kỷ niệm về trường, về lớp, về thầy, cô và đồng nghiệp vẫn còn vẹn nguyên và tươi mới như ngày nào.
Theo các đại biểu, tri ân thầy, cô không cần là những món quà xa xỉ, đắt tiền, có khi chỉ là vài dòng tin nhắn, bó hoa, thiếp chúc mừng… nhưng cũng đủ làm ấm lòng thầy, cô giáo của mình.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, bà luôn xem trọng và đánh giá rất cao vị trí của các nhà giáo trong sự nghiệp “trồng người”.
Chính họ mới là những người sẽ giúp xây dựng thế hệ con người Việt Nam tốt hơn, phát triển hơn, văn minh hơn và đóng góp xây dựng đất nước trong tương lai.
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết |
Đại biểu cho biết, vào những dịp này, bà cũng sẽ thể hiện tình cảm tri ân của mình với những thầy, cô giáo cũ, đặc biệt là những thầy, cô đã giúp đỡ rất nhiều trong cuộc sống, học tập và sự nghiệp mình.
“Ngoài ra, mấy ngày nay, tôi sẽ hướng dẫn em bé 5 tuổi của mình bày tỏ lòng biết ơn đối với các cô giáo mầm non đang dạy bé. Tôi muốn con mình học được bài học về đạo đức, về sự biết ơn đối với các thầy, cô giáo thông qua ngày 20/11” - đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết bộc bạch.
Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải (đoàn TP Hải Phòng) cho hay: Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, truyền thống này vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Vì thế, Nhà nước, các cấp quản lý giáo dục cần có những chính sách, chế độ và những việc làm hành động thiết thức để tri ân, vinh danh đội ngũ nhà giáo.
Đại biểu Quốc hội Nghiêm Vũ Khải |
Bản thân đại biểu cũng tự hào vì mặc dù đã rời xa bục giảng rất lâu rồi nhưng những thế hệ học trò đại biểu vẫn gọi điện, nhắn tin và gửi thiệp chúc mừng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Không xa hoa, không cầu kỳ nhưng nó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc vô bờ bến của những người “gieo chữ, dệt tình yêu” với sự nghiệp “trồng người”.