Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo

Thứ hai - 19/11/2018 08:59 525 0
GD&TĐ - Cần rà soát chuẩn giáo viên, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; không nhằm vào giáo viên để giảm biên chế, ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy trong buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam chiều nay (19/11) tại Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo

Hoạt động ý nghĩa này do Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Cùng tham dự chương trình có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại diện lãnh đạo 2 Bộ và hơn 200 nhà giáo, cán bộ tiêu biểu trong cả nước.

Thầy cô là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa, cộng hưởng những giá trị tốt đẹp

Thay mặt Chính phủ thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chào đón gần 200 thầy cô giáo tiêu biểu, đại diện cho hơn 1,4 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước đã có thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người.

Trong đó, nhiều thầy cô giáo đang công tác ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; những thầy cô đang là giảng viên tại các trường đại học hàng đầu và tại các trường dành cho trẻ khuyết tật.

Thủ tướng nhấn mạnh, các thầy cô là những hạt nhân nòng cốt lan tỏa, cộng hưởng những giá trị tốt đẹp, là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo với tình thương và trách nhiệm, tích cực rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo.

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, ở bất kỳ quốc gia nào, giáo dục - đào tạo luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, tập thể, cộng đồng, dân tộc. Dẫn lời Ph.Ăngghen khẳng định: “Một dân tộc muốn đứng lên trên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại, dân tộc ấy phải có tri thức”, Thủ tướng Chính phủ chia sẻ:

Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống cực kỳ hiếu học, tôn sư trọng đạo, nhất tự vi sư bán tự vi sư. Cho nên trong hoàn cảnh nào người thầy giáo cũng được tôn trọng. Thầy cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá kiến thức mà còn gắn với lòng nhân ái. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc ta đã ghi danh rất nhiều nhà giáo tiêu biểu, có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng đất nước như Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu…

Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi gặp mặt nhà giáo tiêu biểu toàn quốc 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của những thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Người nói: “Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh... Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được? Vì vậy nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang”.

Người cũng khẳng định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” và trong thời đại nền kinh tế tri thức phát triển hiện nay, chân lý ấy càng trở nên đúng đắn hơn bao giờ hết. Một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo.

Thủ tướng cho biết: Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về giáo dục đào tạo luôn được quan tâm hoàn thiện. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cũng đã khẳng định "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”. Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết để triển khai Nghị quyết quan trọng này.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Trong thời kỳ hội nhập, kỷ nguyên số đang diễn ra mạnh mẽ thì vai trò của GD&ĐT càng trở nên quan trọng hơn. Các thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có vai trò vị trí rất quan trọng. Một trong những yếu tố căn cốt quyết định chất lượng giáo dục chính là đội ngũ nhà giáo.

Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo - Ảnh minh hoạ 2
Cô Mùa Thị Chứ - GV Trường Tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La) tặng hoa Thủ tướng. Trong ảnh (từ trái sang): Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cô Mùa Thị Chứ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Phó Tổng biên tập báo Giáo dục và Thời đại Dương Thanh Hương 

Giáo dục đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng

Tôi đặc biệt lưu ý, từng gia đình cũng phải có trách nhiệm cùng ngành giáo dục trong việc giáo dục con em mình, nhất là đạo đức công dân. Bố mẹ không tôn trọng ông bà thì làm sao con cái tôn trọng. Vai trò giáo dục trong gia đình là rất quan trọng.

 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hoá, cơ bản bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, nâng cao chất lượng, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới giáo dục.

Công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo. Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng chế độ chính sách đối với nhà giáo đã được quan tâm hơn, nhất là giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.

Nhận định GD&ĐT đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, thành tựu nổi bật được Thủ tướng nhắc đến là giáo dục mầm non hoàn thành phổ cập cho trẻ 5 tuổi và đang tiếp tục mở rộng phổ cập ở những lứa tuổi thấp hơn; giáo dục phổ thông được thế giới ghi nhận thông qua các đánh giá xếp hạng và các giải thưởng quốc tế; giáo dục đại học có bước chuyển mình mạnh mẽ trên các bảng xếp hạng thế giới, khu vực và đang tiến tới tự chủ bằng uy tín và chất lượng đào tạo. Các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic Quốc tế các môn như Vật lý, Hóa học, Toán học… 100% đoạt giải.

Đóng góp công sức nhiều nhất vào thành quả của đổi mới, theo Thủ tướng, không ai khác, chính là đội ngũ giáo viên.

Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo - Ảnh minh hoạ 3
Thủ tướng Chính phủ tặng quà các nhà giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Người đứng đầu Chính phủ phân tích: Để có thành quả phổ cập giáo dục mầm non là hàng ngàn cô giáo mặc dù đời sống còn khó khăn nhưng không quản ngại ngày đêm vừa chăm nuôi, vừa dạy dỗ, vừa làm cô, vừa làm mẹ;

Để có thành quả ghi nhận của thế giới với bậc học phổ thông, dạy nghề là những giáo viên miệt mài đổi mới, sáng tạo không ngừng trong giảng dạy và còn là những giáo viên vùng sâu, vùng xa sẵn sàng nửa đêm đốt đuốc đi tìm học trò đến lớp;

Để có thành quả trên bảng xếp hạng đại học thế giới biết bao nhiêu giảng viên luôn nỗ lực sáng tạo vượt qua trong nghiên cứu và giảng dạy. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết.

Đổi mới GD&ĐT cũng song hành với khó khăn; áp lực đặt lên vai người thầy nặng nề hơn, trong khi đời sống, thu nhập chưa được cải thiện đáng kể, trong khi phụ huynh và xã hội vẫn còn đâu đó chưa hiểu hết và chia sẻ với những vất vả của thầy cô giáo.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự nỗ lực to lớn của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời chia sẻ khó khăn với các thầy giáo, cô giáo, nhất là những thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa.

Bên cạnh những việc đã làm được, cũng còn những tồn tại hạn chế cần khắc phục. Một số địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; vấn đề tuyển dụng, sử dụng giáo viên còn nhiều bất cập. Vì vậy, quy hoạch các trường sư phạm như thế nào để đảm bảo đầu ra cho sinh viên.

Giáo dục nước ta đang đứng trước những yêu cầu mới, Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục khẳng định vai trò đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò “then chốt”, quyết định trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với những người làm công tác giáo dục cả về trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và nhân cách.

Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo - Ảnh minh hoạ 4

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đội ngũ cán bộ, giáo viên và nhân viên toàn ngành rất mong sẽ nhận được những chỉ đạo, chia sẻ, căn dặn của Thủ tướng Chính phủ để tiếp thêm động lực cho toàn ngành phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng. 

Người thầy tốt là người thầy phải có “tâm”, có “tài”

Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý. Muốn có những học sinh giỏi thì điều hết sức quan trọng là phải có người thầy tốt. Học sinh sẽ chỉ được tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ và hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của những giáo viên thật sự có năng lực và tâm huyết. Xu hướng quốc tế là rất quan trọng trong quá trình đổi mới. Người thầy không chỉ giúp trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn phải trang bị nhân cách cho người học.

“Tôi đã tốt nghiệp đại học 42 năm nhưng vẫn nhớ từng thầy một, thậm chí là từng chữ ký của từng thầy cô trong học bạ tôi vẫn nhớ. Nên vấn đề không chỉ là chuyên môn, truyền đạt.

Đội ngũ nhà giáo phải là tấm gương sáng về đạo đức và tự học, có năng lực cảm hóa để giúp hình thành phẩm chất, năng lực, có hành vi đúng đắn, biết cách ứng xử. Vấn đề tự học rất quan trọng.

Để xứng đáng được tôn vinh, người thầy phải thật sự mẫu mực trong dạy người, dạy chữ. Làm thầy đã khó nhưng để trở thành người thầy tốt thì càng khó hơn” – Thủ tướng chia sẻ.

Nhấn mạnh, người thầy tốt là người thầy phải có “tâm”, có “tài”, theo Thủ tướng, người thầy có tâm là người yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với nghề, hứng thú, say mê chăm chút từng tiết giảng, bài giảng; thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo, hoàn thiện nội dung và phương pháp giảng dạy để đem lại hiệu quả cao nhất cho người học. Cái “tâm” này sẽ là điều kiện, là chất xúc tác để duy trì và phát triển cái “tài” của người thầy.

Người thầy có tài là người có năng lực trí tuệ và nghiệp vụ sư phạm tốt. Thầy không chỉ chinh phục trò bằng kiến thức sâu rộng của mình mà còn bằng cả phương pháp, kỹ năng truyền thụ phù hợp; không chỉ trên bục giảng mà còn trong thực tiễn đời sống xã hội. Nhà vật lý nổi tiếng An béc Anh Xờ Tanh (Albert Einstein) đúc kết: “Giáo dục không phải là học thuộc những điều hiển nhiên, giáo dục là huấn luyện khả năng tư duy”.

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, xã hội biến chuyển nhanh chóng, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao, mong các thầy giáo, cô giáo không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, trau dồi, cập nhật tri thức, phương pháp giảng dạy để xứng đáng với sứ mệnh cao quý của người thầy trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

“Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến” – Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ: Ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo - Ảnh minh hoạ 5
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018 

Không nhằm vào giáo viên để giảm biên chế

Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH cùng các bộ, ngành, các địa phương trong cả nước trước hết cần rà soát chuẩn giáo viên; khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; không nhằm vào giáo viên để giảm biên chế, ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ thầy cô giáo.

Đồng thời, có chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ đối với nhà giáo; xây dựng chuẩn mực năng lực, đạo đức nghề nghiệp nhà giáo; cần quan tâm tới đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm; thường xuyên đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý giáo dục các cấp.

“Chính sách với ngành sư phạm là rất quan trọng, bởi đây là máy cái, chú trọng đầu vào, đầu ra.

Cũng cần thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông để cả xã hội thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhà giáo và đồng hành trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo” – người đứng đầu Chính phủ nói thêm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục cần chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ, phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của giáo viên, nhất là đối với giáo viên vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành, các nhà quản lý và những người có tâm huyết với giáo dục cùng chia sẻ kinh nghiệm, chung tay góp sức để phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của đất nước trong giai đoạn mới.

Thủ tướng đã chia sẻ về câu chuyện một thầy giáo nghèo ở Vĩnh Long. Cách đây nửa tháng, qua báo chí, Thủ tướng đã biết đến đến câu chuyện thầy Thể ở huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Mặc dù sức khỏe kém và rất nghèo, nhưng thầy đứng ra vận động quyên góp quần áo, sách vở cho các em ở xã khó khăn, nơi mà thầy công tác. Do bệnh tật, thầy đã qua đời cách đây không lâu. Bày tỏ xúc động trước tấm gương của thầy Thể, một nhà giáo tận tụy với nghề, nhân 49 ngày mất của thầy, Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ gửi một món quà cho gia đình thầy, thể hiện sự tri ân với thầy giáo ở một huyện vùng sâu, vùng xa.

 

Câu chuyện nữa mà Thủ tướng chia sẻ với các thầy cô giáo là tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Papua New Guinea vừa qua, dự đối thoại giữa các nhà lãnh đạo APEC với Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Thủ tướng đã hỏi, “giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất của bà là gì?”. Bà Christine Lagarde đã trả lời, đó là giáo dục. Muốn một xã hội phát triển trong kỷ nguyên số, cách mạng công nghiệp 4.0 thì giáo dục có vai trò rất quan trọng. “Có thể nói, giáo dục quyết định sự phát triển của xã hội”, Thủ tướng bày tỏ.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn, Minh Thu, VIệt Cường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập584
  • Hôm nay18,648
  • Tháng hiện tại296,778
  • Tổng lượt truy cập51,652,737
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944