Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2020, do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện; PGS.TS. Hoàng Minh Sơn là chủ nhiệm đề tài.
Báo cáo về những đóng góp chủ yếu của đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Đề tài đã đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số định hướng hệ thống và bộ tiêu chí phân loại, phân mức chất lượng cơ sở giáo dục đại học.
Trên cơ sở bộ tiêu chí phân mức chất lượng cơ sở giáo dục đại học đề xuất, nhóm nghiên cứu đề xuất phương án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và bản demo quy hoạch. Cùng với đó, đề xuất phần mềm phân cụm, phân mức chất lượng cơ sở giáo dục đại học và thuật toán phân nhóm hay phân cụm các cơ sở giáo dục đại học.
Từ cơ sở khoa học và thực tiễn, kinh nghiệm từ các nước và phương án quy hoạch đề xuất và bản demo quy hoạch, đề tài đề xuất các nhóm giải pháp, cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học.
Dựa trên phân tích bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cạnh tranh toàn cầu trong giáo dục đại học và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dần có ảnh hưởng sâu rộng tới các khía cạnh của giáo dục đại học; dựa trên phân tích nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở pháp lý của việc sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các trường đại học, cũng như kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học; nhóm nghiên cứu đã xây đựng đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể một số cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong đó, nêu rõ các quan điểm định hướng, mục tiêu, nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể một số cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được công bố qua 4 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị, hội thảo quốc tế; 1 bài đăng trong kỷ yếu hội nghị trong nước (vượt 3 bài) và 3 bài đăng trong tạp chí trong nước (vượt 1 bài). Trong quá trình nghiên cứu, Đề tài đã đào tạo thành công 3 học viên cao học tại Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (vượt 1 học viên so với đăng ký).
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu đánh giá đây là đề tài khó, phức tạp, nhưng có tính ứng dụng và ý nghĩa thực tiễn cao.
Nhóm nghiên cứu đã rất cố gắng giải quyết các nhiệm vụ với sản phẩm đạt và vượt các nội dung trong hợp đồng. Về chất lượng, đề tài có nhiều sản phẩm tốt, cách tiếp cận hiện đại và định tính các các lập luận cao.
Bộ trưởng, các đại biểu đồng thời đưa ra các ý kiến góp ý giúp nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện Đề tài bảo đảm tính khoa học, thiết thực, khả thi, hiệu quả.