Nghiên cứu khoa học phải là động lực

Thứ tư - 12/12/2018 03:59 440 0
GD&TĐ - Trong khuôn khổ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội sinh viên Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2018-2023, chiều 11/12, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng lãnh đạo một số bộ, ngành đã có cuộc đối thoại với các đại biểu tham dự đại hội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và cùng đối thoại với sinh viên.
Nghiên cứu khoa học phải là động lực

Trường đại học, thầy cô phải thay đổi để bám sát với thực tiễn

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, em Nguyễn Tuấn Kiệt, sinh viên đến từ Bình Đình cho biết, có một thực tế là sinh viên hiện nay yếu về kỹ năng thực hành, một số đơn vị không muốn nhận học sinh vào thực tập, kiến tập, tham quan trao đổi các dây chuyền công nghệ mới. Sinh viên kỹ thuật học nặng lý thuyết, ít thực hành dẫn đến sau khi ra trường mất thời gian khá lâu dể học kỹ năng cần thiết phục vụ công việc. Bộ trưởng đã có tham mưu cho Chính phủ giúp sinh viên hoàn thiện kỹ năng này hơn?

Trả lời câu hỏi của sinh viên Nguyễn Tuấn Kiết, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, sinh viên yếu về thực hành, việc đào tạo chưa sát với sử dụng là thực tế phổ biến trong các trường đại học của chúng ta hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta chưa đạt được như mong muốn.

Trên thực tế khâu dự báo thị trường của chúng ta còn yếu, bản thân các trường đại học nói chung khi đào tạo cũng cũng chưa thực sự quan tâm tới nhu cầu của thị trường, ít nhất là thị trường trong vòng 4 - 5 năm, mà chủ yếu đào tạo theo năng lực mình có.

Ngay trong quá trình tuyển sinh cũng chủ yếu quảng bá về năng lực đào tạo mà thiếu hàm lượng thông tin dự báo thị trường, có những ngành hiện tại có thể đang “hot” nhưng 4-5 năm sau không còn “hot” nữa và ngược lại, những ngành hiện tại tưởng chừng không được xã hội quan tâm thì sau một thời gian xã hội lại cần. Do vậy, việc dự đoán được nhu cầu dài hạn, từ đó đưa ra được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng và thiết kế được chương trình giảng dạy phù hợp là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thứ nhất là doanh nghiệp có quy trình làm việc, vì vậy sinh viên thực tập khó được giao công việc trong các quy trình này. Thứ hai, chương trình sinh viên học so với thực tiễn còn khoảng cách, do vậy khi sinh viên đến doanh nghiệp chưa thể cập ngay được vào công việc, thậm chí còn ngại ngần, tự ti khi được giao việc.

Nguyên nhân thứ ba là từ chính bản thân sinh viên, một số bạn vẫn coi thời gian thực tập như một phần phải hoàn thành của quá trình học mà chưa coi đó là thời gian để được “nhúng” mình vào thực tế, điều đó làm cho doanh nghiệp không mặn mà trao truyền cho các bạn những kinh nghiệm thực tiễn.

Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường khi mở ngành phải rất chú trọng dự báo nhu cầu của thị trường. 3 yếu tố nhà trường - doanh nghiệp - người học phải kết nối với nhau trên nguyên tắc cân bằng. Chúng ta phải nhìn nhận rõ, các trường đại học phải có trách nhiệm trong thiết kế chương trình và có trách nhiệm với người học. Nếu không làm được điều đó, các trường cũng sẽ dần không có người học. Các trường đại học phải thay đổi, các thầy cô cũng phải thay đổi để bám sát với thực tiễn.

Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã thí điểm 2 mô hình đào tạo gắn nhà trường với doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ thông tin và du lịch. Theo đó, khoảng thời gian đào tạo ngoài nhà trường chiếm tới 30-50% số tín chỉ.

Các trường đại học liên kết với các doanh nghiệp cùng đào tạo, đào tạo thông qua thực tiễn, các tín chỉ được hình thành thông qua thực tiễn, sinh viên được nhúng mình vào hoạt động của doanh nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường. Có như thế, những sản phẩm sau khi ra trường mới đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Nghiên cứu khoa học phải là động lực - Ảnh minh hoạ 2
Chủ tịch Hội sinh viên Đại học luật TP.HCM Trần Việt Anh đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ảnh Ngọc Thắng/Thanh niên

Nghiên cứu khoa học phải là động lực thực sự của sinh viên

Về câu hỏi của sinh viên trước thực tế việc nghiên cứu khoa học trong nhà trường của sinh viên thường chỉ kéo dài đến khi ra trường, thiếu sự kết nối để tạo ra những sản phẩm nghiên cứu cụ thể đóng góp cho xã hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, nghiên cứu khoa học cùng với đào tạo nhân lực và chuyển giao trí thức là 3 trụ cột rất quan trọng của các cơ sở giáo dục đại học.

Nghiên cứu khoa học trong các nhà trường luôn được đề cao, đây là cũng là một trong những chỉ số quyết định thứ hạng trường đại học và ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, đồng thời kết nối nhà trường với doanh nghiệp và cộng đồng

Bộ trưởng cho biết, Theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cũng như là chủ trương trong các Nghị quyết, trường được thành lập các doanh nghiệp, đây là doanh nghiệp khoa học công nghệ, các startup, các vườn ươm, là nơi kết nối giữa sinh viên, giáo viên, những người ý tưởng với doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm, chuyển từ ý tưởng thành sản phẩm, thậm chí đầu tư cho những nghiên cứu đỉnh cao.

Như vậy có thể thấy, động lực để cho các trường đại học, các sinh viên nghiên cứu là có, vấn đề là tổ chức thực hiện.

Trả lời câu hỏi có nên giao cho sinh viên làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học? Bộ trưởng khẳng định là nên, nhưng theo các cách khác nhau. Trong các đề tài nghiên cứu luôn có các cấu phần, sinh viên giỏi hoàn toàn có thể làm chủ các những cấu phần đó.

Theo Bộ trưởng, không nhất thiết phải theo hướng giao sinh viên chủ nhiệm đề tài mà giao nhiệm vụ gắn với sản phẩm. Hoặc giao nhiệm vụ và sinh viên trong nhóm kết hợp với doanh nghiệp và dưới sự bảo trợ của các thầy hay sự bảo trợ của tổ chức, doanh nghiệp... Sinh viên phải là lực lượng nghiên cứu chứ không phải tập sự nghiên cứu.

“Tôi đánh giá cao nghiên cứu của các bạn vì nhiều ý tưởng trở thành hiện thực, thậm chí là hàng hóa. Sẽ thành lập nhóm nghiên cứu không chỉ kết nối trong trường đại học mà với quốc tế, để ra những sản phẩm, để bán được, từ đó mới có một trường tốt để sinh viên theo đuổi và kết nối thực sự, tìm thấy sự sáng tạo bền vững và khởi nghiệp được”

Về thực trạng không ít nghiên cứu của sinh viên dù có ý tưởng mới nhưng không được quan tâm hay để trong ngăn kéo, Bộ trưởng nhấn mạnh, tất nhiên là có nguyên nhân do không có điều kiện nhưng rõ ràng là muốn đi đến cùng thì người nghiên cứu thực sự phải gắn với vấn đề họ theo đuổi. Đổi với nghiên cứu khoa học, để đến kết quả, thậm chí đỉnh cao, đòi hỏi thời gian dài và nhiều công sức.

“Chỉ khi nào việc nghiên cứu khoa học là động lực thật sự của sinh viên và sinh viên theo đuổi vì đam mê chứ không phải chỉ để lấy điểm hay thành tích thi đua thì nghiên cứu đó sẽ kéo dài, kể cả khi các em đã ra trường” - Bộ trưởng chia sẻ.

Giảng dạy Lý luận chính trị phải thay đổi cả nội dung, phương pháp

Trả lời câu hỏi của sinh viên về các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc giảng dạy các môn lý luận chính trị trong trường đại học, giúp sinh viên hứng thú học tập hơn và có bản lĩnh chính trị vững vàng hơn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế các môn giáo dục Lý luận chính trị thường khô khan, vì vậy, muốn dạy và học tốt các môn học này, nội dung và phương pháp là rất quan trọng.

Bộ GD&ĐT nhận thấy đây là một trong những vấn đề phải đổi mới và đã tham mưu cho Chính phủ, các ban của Đảng, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương đổi mới trước hết từ nội dung.

Thực tế hiện nay, ở một số trường hay một số giáo viên khi giảng dạy vẫn chủ yếu dựa vào lý luận chung dẫn đến sinh viên nhàm chán. Do vậy, nội dung phải thay đổi mạnh, lý luận phải gắn với thực tiễn, gắn với những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn, có như vậy mới hấp dẫn được sinh viên.

Phương pháp dạy các môn lý luận chính trị cũng phải đổi mới theo hướng linh hoạt. Theo Bộ trưởng, chính các em sinh viên, tuy tuổi chưa nhiều nhưng có nhiều thông tin, chính kiến, thậm chí có những thông tin rất rộng, nhiều chiều, nhìn nhận về vấn đề một cách phản biện, tích cực, nếu để cho các em được trao đổi, được thể hiện chính kiến, bài học sẽ rất tốt.

Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá cũng phải thay đổi, chứ không phải chỉ yêu cầu học đúng, trúng những gì thầy cô giảng hay trong giáo trình mà hãy cho các em được thể hiện quan điểm của bản thân.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thí điểm đổi mới dạy các môn Lý luận chính trị, từ thí điểm này sẽ rút kinh nghiệm và mở rộng, áp dụng cho các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Thực tế, qua thời gian thí điểm dạy một số chuyên đề, đã nhận thấy có sự hào hứng tham gia của sinh viên.

“Chỉ khi nào các bạn thấy mình thực sự liên quan đến vấn đề đó và được có ý kiến về những vấn đề đó thì buổi học sẽ tốt hơn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập745
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm744
  • Hôm nay35,044
  • Tháng hiện tại313,174
  • Tổng lượt truy cập51,669,133
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944