Người dân Gaza lo ngại xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas sẽ gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống giáo dục, vốn được đánh giá cao trên trường quốc tế. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 7/10, các trường học bị đánh bom hoặc trở thành nơi trú ẩn khiến khoảng 625 nghìn trẻ em không thể đến lớp.
Do đó, các đơn vị trường học, tổ chức quốc tế đang nỗ lực tìm cách khôi phục hoạt động học tập cho khu vực này.
Asmaa al-Astal, giáo viên tình nguyện tại một trường tạm ở al-Mawasi, cho biết: Chúng tôi đang tiếp nhận học sinh và một số lượng lớn vẫn đang chờ nhập học. Không muốn trẻ em mất nguyên năm học vì chiến tranh, chúng tôi sẽ đưa các em đến đây và dạy học.
Trong khi đó, nhiều học sinh ngồi trong lán tạm của gia đình, sử dụng điện thoại di động của bố mẹ để học trực tuyến với các trường học Ai Cập. Nước này là một trong nhiều quốc gia đồng ý liên kết giảng dạy trực tuyến từ phổ thông đến đại học cho các học sinh ở vùng chiến sự.
Ông Fahid Al-Hadad, giảng viên Khoa Y tại Đại học Hồi giáo Gaza (IUG), cho biết ông hy vọng có thể bắt đầu giảng dạy trở lại dù ông đã mất sách và tài liệu khi nhà ở thành phố Gaza bị phá hủy.
“Việc dạy trực tuyến khá khó khăn vì mạng yếu nhưng ít nhất sinh viên có thể hoàn thành chương trình học. Việc học trực tiếp thì chưa có hy vọng do các tòa nhà của IUG hay các trường học khác bị hư hại nặng nề và bị bỏ hoang”, ông Al-Hadad nói.
Tương tự, ở miền Nam Gaza, nơi hơn một triệu người phải di dời, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tổ chức các hoạt động giải trí như ca hát, nhảy múa và một số hoạt động học tập cơ bản. Họ dự kiến xây dựng 50 căn lều để 6 nghìn trẻ em có thể lên lớp theo 3 ca mỗi ngày.
Ngoài ra, những gia đình ở dải Gaza di tản sang đất nước khác cũng đang được hỗ trợ tích cực. Do họ không có giấy tờ hợp pháp nên không thể đăng ký cho con vào hệ thống công lập ở nước sở tại nhưng những đứa trẻ có thể học từ xa. Chương trình học do giáo viên người Palestine cung cấp.
Tuy nhiên, tất cả chuyên gia đều nhất trí rằng những hoạt động trên chỉ nhằm giúp việc học tập không bị gián đoạn, thay vì khôi phục hệ thống giáo dục. Ông Wesam Amer, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Giao tiếp, Đại học Gaza, đánh giá giảng dạy trực tuyến là giải pháp tạm thời, không thể cung cấp việc nâng cao việc học thể chất hoặc các môn thực hành như y học, kỹ thuật.
“Việc khôi phục học tập không chỉ nằm ở đi học lại. Những thách thức sau chiến tranh còn là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị học tập. Chưa kể nhiều học giả đã thiệt mạng trong chiến tranh nên nhiệm vụ khó khăn là tìm người thay thế họ”, ông Wesam chỉ ra.
Theo dữ liệu chính thứ của Palestine, 12 cơ sở giáo dục đại học tại Gaza bị phá hủy hoặc hư hại. Liên hợp quốc ước tính 72,5% trường học ở Gaza sẽ cần được xây dựng lại toàn bộ hoặc phục hồi lớn.
Tác giả bài viết: Tú Anh
Ý kiến bạn đọc