Ông Nguyễn Sóng Hiền. |
Học sinh, giáo viên trường tư so với trường công có khá nhiều bất lợi. Học sinh được hưởng môi trường giáo dục chất lượng, an toàn và lành mạnh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, uy tín, khả năng tài chính của cá nhân/tổ chức thành lập trường. Giáo viên được hưởng chế độ, chính sách tốt hay không cũng do cá nhân/tổ chức thành lập trường quyết định.
Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa trường công và tư? Trả lời câu hỏi này, hãy làm một phép đối sánh với hệ thống trường công và tư ở một số quốc gia phát triển. Ở Úc, Phần Lan, Đức đều phổ cập đến THPT và đại học. Trường tư ở những quốc gia này không phải nơi dành cho học sinh không thi đỗ công lập mà cung cấp chất lượng giáo dục cao cho con em gia đình có điều kiện kinh tế.
Những trường tư thường đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên xuất sắc để giúp học sinh theo đuổi ước mơ vào đại học tốp đầu thế giới, hay trở thành cá nhân ưu tú. Dù là trường tư nhưng vẫn được hưởng lợi từ các nguồn đầu tư khác từ chính phủ như trường công lập; chỉ duy chương trình học được thiết kế chuyên biệt phục vụ cho sứ mệnh riêng mỗi trường.
Những quốc gia này không có bất kỳ kỳ thi nào để lựa chọn học sinh vào trường trung học công lập mà việc học lên cao hơn theo mỗi lĩnh vực khác nhau phụ thuộc vào lựa chọn của học sinh - được định hướng từ sớm của đội ngũ giáo viên hướng nghiệp tại trường. Ngay khi vào THCS, các em được tư vấn định hướng lựa chọn nghề nghiệp và tự tìm hiểu về sở thích, đam mê. Quá trình học THCS, học sinh được đội ngũ giáo viên hướng nghiệp theo dõi và tư vấn hướng nghiệp đến năm cuối cấp.
Bên cạnh đó, hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử với trường tư. Thậm chí trường tư là nơi cung cấp chất lượng giáo dục tốt hơn trường công. Có những trường trở thành thương hiệu, biểu tượng về chất lượng giáo dục cao cho cả hệ thống giáo dục quốc gia.
Xây dựng được hệ thống giáo dục phổ thông linh hoạt, hiệu quả như vậy nhờ vào tầm nhìn hoạch định chính sách giáo dục. Giáo dục phổ thông tập trung giáo dục toàn diện, bên cạnh phát huy năng lực riêng mỗi học sinh. Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống trường công được tổ chức khoa học, hệ thống, phủ khắp mọi vùng, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục của quốc gia.
Từ đối sánh trên, giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa trường công và tư trong bối cảnh Việt Nam đầu tiên là cần xóa bỏ tư tưởng phân biệt đối xử với trường tư. Xem trường tư là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của hệ thống giáo dục quốc dân; cùng chung sứ mệnh đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Vì vậy, mọi quyền lợi, chính sách giáo dục liên quan đến nhà giáo, người học cần được đối xử bình đẳng như trường công. Cùng đó, cần cơ chế chính sách hỗ trợ một phần về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cũng như về đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, đặc biệt đối với những trường tư đã tạo dựng được uy tín thương hiệu.
Cô Đoàn Thu Hà. |
Về chính sách, trường THPT và học sinh, giáo viên trường ngoài công lập vẫn có những thiệt thòi. Cụ thể, trường ngoài công lập thường không nhận được hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước như trường công.
Do đó, họ phải tự chịu trách nhiệm về việc tìm kinh phí từ các nguồn khác nhau như học phí, đóng góp từ phụ huynh và nguồn tài trợ từ doanh nghiệp, tập đoàn. Thiếu hụt tài chính có thể dẫn đến hạn chế trong cung cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển chương trình giáo dục.
Về nhân sự, trường ngoài công lập có thể gặp khó khăn trong thu hút, giữ chân giáo viên có chất lượng. Doanh nghiệp, các tổ chức xã hội hoặc phụ huynh có thể đóng góp tài chính hoặc các dịch vụ hỗ trợ, nhưng đôi khi không đủ để cung cấp mức lương và điều kiện làm việc hấp dẫn cho giáo viên.
Học sinh trường ngoài công lập thường phải đối mặt với áp lực tài chính do học phí cao hơn so với trường công lập. Các em cũng không được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như học bổng hoặc các dịch vụ giáo dục miễn phí.
Để phát triển trường ngoài công lập, thu hẹp khoảng cách công - tư, Nhà nước có thể cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, đặc biệt cho trường ngoài công lập. Trong đó có hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu: Cung cấp vốn cho trường ngoài công lập để xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị. Đầu tư vào hạ tầng cần thiết như đường giao thông, hệ thống điện, nước để đảm bảo môi trường học tập an toàn và thuận tiện. Tài trợ phần nào chi phí lương thưởng cho giáo viên để tạo ra môi trường làm việc cạnh tranh và thu hút nhân tài.
Nhà nước có thể thực hiện các chính sách hỗ trợ học phí và chi phí học tập cho học sinh các trường ngoài công lập. Trong đó, cung cấp học bổng và trợ cấp cho học sinh hoàn cảnh khó khăn hoặc có thành tích xuất sắc.
Cùng với chính sách Nhà nước, bản thân các nhà đầu tư, trường ngoài công lập cần tự cải thiện những gì để khẳng định vị thế của mình. Theo đó, cần đảm bảo chất lượng giáo dục tại trường luôn được đặt lên hàng đầu bằng cách liên tục cải thiện chương trình học, phương pháp giảng dạy. Tạo môi trường học tập tích cực, sáng tạo bằng cách đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục và công nghệ. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và bền vững với cộng đồng, phụ huynh và doanh nghiệp địa phương để tạo sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng.
Tổ chức các sự kiện, hoạt động giao lưu, hợp tác với cộng đồng để tăng cường tương tác, sự gắn kết. Quản lý tài chính một cách bền vững, hiệu quả để đảm bảo sự ổn định và phát triển của trường. Tìm kiếm, xây dựng các nguồn tài trợ khác nhau như học phí, đóng góp từ phụ huynh, tài trợ từ doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận. Phát triển các chương trình giáo dục và dịch vụ hỗ trợ học tập mà các trường công lập không có để thu hút học sinh, phụ huynh.
Tạo ra chương trình, hoạt động ngoại khóa, dự án nghiên cứu để phát triển tài năng và kỹ năng cho học sinh. Xây dựng và quảng bá thương hiệu của trường thông qua chiến lược truyền thông, marketing hiệu quả. Tập trung vào nâng cao uy tín trường bằng cách cung cấp chất lượng giáo dục tốt, đội ngũ giáo viên chất lượng và môi trường học tập tích cực.
Ông Đặng Tự Ân. |
Tuy con số phát triển giáo dục ngoài công lập còn khiêm tốn, nhưng bước đầu thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, Bộ GD&ĐT trong thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Một khi tháo gỡ được vướng mắc trong chính sách và có cách làm sáng tạo của địa phương, giáo dục ngoài công lập sẽ tiến xa hơn nữa, khẳng định vị trí quan trọng, không thể thiếu trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Tôi cho rằng, cần đưa ra triết lý rõ ràng về giáo dục ngoài công lập. Chúng ta đã nêu quan điểm về giáo dục ngoài công lập là thu hút, sử dụng nguồn lực to lớn của xã hội để bổ sung quan trọng vào ngân sách quốc gia nhằm phát triển GD-ĐT ở các cấp, ngành học. Thực chất đây là quan điểm xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, đảm bảo phát triển hài hòa giữa cơ sở giáo dục ngoài công lập và công lập.
Chúng ta cần đưa ra chủ trương, phương hướng rõ ràng, cụ thể để phản ánh triết lý của giáo dục ngoài công lập. Có phải giáo dục ngoài công lập là bổ trợ những vấn đề thiếu của giáo dục công lập? Giáo dục ngoài công lập ở mầm non và phổ thông là đáp ứng dịch vụ giáo dục cho cộng đồng, xã hội?...
Theo tôi, giáo dục ngoài công lập và giáo dục công lập như 2 “mái chèo” của con thuyền đổi mới giáo dục. Tuy khác nhau về đặc trưng của hai loại hình giáo dục nhưng luôn phải đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình phát triển. Giáo dục ngoài công lập giữ vai trò “mở đường, đi trước, làm thử”; giáo dục công lập “giữ hướng, nhân rộng, làm đại trà”.
Giải pháp cho giáo dục ngoài công lập phải tường minh. Bảo đảm đối xử bình đẳng và tạo môi trường cạnh tranh giữa 2 loại hình. Không phân biệt giáo dục ngoài công lập và giáo dục công lập trong phân bổ nguồn lực của Nhà nước cũng như khuôn khổ pháp lý, quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ các thành viên trong trường.
Thời gian qua xảy ra tình trạng căng băng rôn phản đối một số trường ngoài công lập về việc tăng học phí quá mức; chương trình học kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó” hay phí giữ chỗ quá cao… Xử lý tiêu cực trong các trường ngoài công lập cần nghiêm khắc như trường công lập. Cần thiết thông báo công khai khuyết điểm, hạn chế các trường ngoài công lập trên phương tiện thông tin đại chúng. Tận dụng thế mạnh giáo dục ngoài công lập là yếu tố dân chủ cao và quan điểm rõ ràng trong cam kết giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, nhất là cam kết liên quan tới kinh tế đã được ký kết.
Ông Nguyễn Viết Huy. |
Trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện có 9 trường THPT ngoài công lập. Đời sống người dân chưa cao dẫn đến mức thu của các trường chưa đáp ứng được kỳ vọng nhà đầu tư, ảnh hưởng đến đầu tư cơ sở vật chất; trang thiết bị phục vụ dạy học; thu hút giáo viên giỏi… nhằm nâng cao chất lượng dạy học.
Các trường phải tự chủ hoàn toàn về tài chính; trong khi đó chi phí đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng cao, đặc biệt việc đầu tư phục vụ Chương trình GDPT 2018; tăng lương cho cán bộ quản lý, giáo viên thời gian tới… Học phí thu cao hơn các trường THPT công lập, trong điều kiện chưa thể phát triển thành trường chất lượng cao nên còn gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, đặc biệt là thu hút học sinh khá giỏi vào trường.
Tại Thái Bình, việc xã hội hóa, khuyến khích phát triển giáo dục phổ thông ngoài công lập được cụ thể trong Quyết định số 573/QĐ-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xã hội hóa giáo dục mầm non, phổ thông tỉnh Thái Bình năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ngành Giáo dục Thái Bình luôn ứng xử bình đẳng và đồng hành hỗ trợ các trường THPT ngoài công lập phát triển như: Tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua tài khoản bồi dưỡng Chương trình GDPT 2018, kinh phí thi tốt nghiệp THPT; hỗ trợ bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, duyệt danh sách tuyển sinh của nhà trường dựa trên quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên… nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, phải thừa nhận còn một số khó khăn như: Nhà trường chưa được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu (theo danh mục tối thiểu do Bộ GD&ĐT quy định); học sinh không được hỗ trợ tiền đóng học phí để có mức đóng học phí như trường công lập…
Để hỗ trợ các trường THPT ngoài công lập hơn nữa có thể tính toán, tham mưu cấp thẩm quyền xem xét hỗ trợ thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ Chương trình GDPT 2018; hỗ trợ một phần tiền đóng học phí với người học…
Nhà nước có thể đầu tư vào đào tạo và phát triển năng lực cho giáo viên, nhân viên các trường ngoài công lập. Trong đó, tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy, quản lý lớp học, kỹ năng khác để nâng cao chất lượng giáo dục. Tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến cho giáo viên, nhân viên nhằm giữ chân, thu hút nhân tài. - Cô Đoàn Thu Hà
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc