Nhà trường phải là nơi có hàm lượng văn hóa cao nhất

Thứ tư - 16/02/2022 03:23 250 0
GD&TĐ - Hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, “nhà trường phải là tổ chức có hàm lượng văn hóa cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội”.
Nhà trường phải là nơi có hàm lượng văn hóa cao nhất

Do đó, theo Tiến sĩ Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường CĐSP Quảng Trị, thành viên Hội đồng khoa học liên ngành Tâm lý học - Giáo dục học của Quỹ NAFOSTED, chấn hưng văn hóa nên bắt đầu từ nhà trường.

Hiệu trưởng -  người tạo dựng văn hóa nhà trường

- Nếu như chấn hưng văn hóa bắt đầu từ giáo dục, thì giáo dục cần bắt đầu từ đâu để thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, theo ông?

- Nếu được phép thì tôi muốn biến mệnh đề điều kiện “nếu” trong câu hỏi của bạn thành một câu khuyến nghị: “Chấn hưng văn hóa nên bắt đầu từ giáo dục, nên bắt đầu từ nhà trường”. Bởi lẽ, mỗi trường học, nếu thực hiện đúng và hiệu quả chức năng của nó thì đó là môi trường thuận lợi nhất để tạo nên những thế hệ học sinh có tri thức và có văn hóa.

Nếu mỗi nhà trường đều xây dựng được cho mình một môi trường văn hóa tích cực, tạo dựng giá trị đạo đức, các chuẩn mực chung, các sắc thái riêng của nhà trường trong tổng thể văn hóa, truyền thống của dân tộc thì khi ấy học sinh không những hình thành được những hành vi chuẩn mực, mà quan trọng hơn là ẩn chứa trong tiềm thức các em niềm tin nội tâm sâu sắc vào những điều tốt đẹp; từ đó, khao khát cuộc sống hướng thiện, sống có lý tưởng.

Mục đích cuối cùng của việc xây dựng văn hóa nhà trường tích cực, như Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ đã xác định, “nhằm tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa; xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; góp phần xây dựng con người Việt Nam: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”.

Dưới góc nhìn của người làm công tác quản lý cơ sở thực tiễn, tôi cho rằng, xây dựng văn hóa nhà trường là vô cùng quan trọng, bởi nhà trường là cơ sở nền tảng, là tế bào của hệ thống giáo dục. Hơn bất cứ tổ chức nào trong xã hội, “nhà trường phải là tổ chức có hàm lượng văn hóa cao nhất; là nơi hội tụ, kết tinh văn hóa để đào tạo ra những chuẩn mực văn hóa cho xã hội”.

Nhà trường phải là nơi có hàm lượng văn hóa cao nhất - Ảnh minh hoạ 2
Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo, đặt hàng các tổ chức thực hiện các nghiên cứu khoa học nhằm cung cấp đầy đủ bằng chứng khoa học trong quá trình xây dựng các văn bản luật, các văn bản chỉ đạo để phù hợp với xu thế đổi mới giáo dục; đồng thời phù hợp với hoàn cảnh và văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa nhà trường nói riêng. Cuối cùng, hiệu trưởng là người tạo dựng văn hóa nhà trường, vì vậy phải là người chủ động để dẫn dắt và chỉ đạo cả tập thể nhà trường hướng đến và xây dựng văn hóa nhà trường tích cực. Tiến sĩ Trương Đình Thăng

- Vậy theo ông, xây dựng văn hóa nhà trường cần bắt đầu từ đâu?

- Xây dựng văn hóa nhà trường tích cực đòi hỏi sự vào cuộc của những người làm chính sách, của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động của từng nhà trường; trong đó hiệu trưởng đóng vai trò vô cùng quan trọng để dẫn dắt và tạo dựng. Tôi cho rằng, xây dựng văn hóa nhà trường phải bắt đầu từ người hiệu trưởng.

Hiệu trưởng được ví là “người tạo dựng văn hóa nhà trường”. Nói đến văn hóa nhà trường là nói đến đời sống vật chất, tinh thần của tất cả các thành viên nhà trường. Nó biểu hiện trước hết là trong tầm nhìn, sứ mạng, triết lý, mục tiêu, các giá trị, phong cách lãnh đạo, quản lý. Tất cả các yếu tố đó phải được khởi xướng, dẫn dắt bởi người hiệu trưởng.

Hiệu trưởng cần phải là người năng động, sáng tạo để dẫn dắt tập thể tạo ra những thành tích và giá trị mới. Một người hiệu trưởng thụ động sẽ không bao giờ tạo ra được văn hóa nhà trường năng động, tích cực.

Trong bối cảnh đất nước đang có những bước phát triển, hội nhập sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục và toàn ngành Giáo dục đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, hiệu trưởng phải là những người dẫn dắt cho sự thay đổi.

Đổi mới giáo dục phải từ sự thay đổi của hiệu trưởng, muốn giáo dục thay đổi phải thay đổi từ giáo viên và quan trọng nhất là thay đổi từ người hiệu trưởng, đây là nguyên tắc vàng trong cải cách giáo dục. Hiệu trưởng được xem là “chủ trường”, hiệu trưởng hiểu nội dung đổi mới giáo dục đến đâu thì dắt nhà trường thay đổi đến đó.

Khi mục tiêu giáo dục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới hình thành những năng lực, phẩm chất cho học sinh, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm chính để dẫn dắt toàn thể thành viên nhà trường hướng đến mục tiêu đó. Nếu tiếp tục quản lý nhà trường theo cơ chế cũ thì không thể thực hiện công tác đổi mới.

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, quản lý nhà trường truyền thống (quản lý theo mệnh lệnh hành chính, theo chỉ đạo từ cấp trên, quản lý tập trung vào sự vụ hành chính nhà trường…) phải cần đổi mới mạnh mẽ để chuyển sang quản trị nhà trường. Ở đó, “tự chủ”, “tự chịu trách nhiệm” gắn với “trách nhiệm giải trình” phải được dẫn dắt bằng vai trò của hiệu trưởng. Vì vậy, yếu tố cốt lõi là vấn đề dân chủ và tự chủ trong mỗi nhà trường.

Cần làm sao để các trường được “cởi trói”, phát huy hết khả năng vốn có của nhà trường nói chung và vai trò lãnh đạo, quản lý của hiệu trưởng nói riêng. Văn hóa nhà trường mới phải là văn hóa mà nơi đó phát huy quyền dân chủ, sáng tạo, chủ động và không tồn tại “truyền thống” nhất nhất mọi hoạt động đều phải xin ý kiến cấp trên.

Hai yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực

- Để phát huy được vai trò của hiệu trưởng như trên cần sự đồng thuận, đồng hành, nỗ lực của cả tập thể nhà trường, đặc biệt quan trọng là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này cần được quan tâm ra sao để xây dựng được văn hóa nhà trường tích cực?

- Đội ngũ nhà giáo là lực lượng chính để xây dựng và vun đắp cho văn hóa nhà trường. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh đó là nhân cách, đạo đức của người thầy.

Cùng với đó, nâng cao và tôn trọng vị thế giáo viên là một trong những nội dung cần được chú trọng trong xây dựng văn hóa nhà trường tích cực. Hai yếu tố chính thể hiện vị thế nhà giáo là: Mức lương, thu nhập trung bình của giáo viên; Nhận thức của xã hội về trách nhiệm, vai trò giáo dục của nhà giáo.

Giáo viên phải toàn tâm, toàn ý cho công việc giảng dạy của mình mới có thể góp phần xây dựng văn hóa nhà trường tích cực, và người hưởng lợi trực tiếp đó chính là học sinh và gián tiếp là toàn xã hội. Tuy nhiên, mức lương như hiện nay vẫn khiến họ chưa yên tâm cống hiến, tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, chính sách tiền lương còn bất cập dẫn đến khó duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo.

Nhà trường phải là nơi có hàm lượng văn hóa cao nhất - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Trường THPT Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh minh họa: Thiên Thanh

Ngoài việc cần tạo điều kiện để ghi nhận thành tích của giáo viên; lắng nghe và sử dụng những ý kiến đóng góp, xây dựng một môi trường làm việc đầy cảm hứng, khích lệ sự đóng góp của họ vào công việc phục vụ nhà trường, phục vụ cộng đồng, củng cố mối quan hệ gắn bó giữa giáo viên với học sinh, với đồng nghiệp và nhà trường thì yếu tố “lương và thu nhập” cần được cải thiện.

Liên quan đến nhận thức về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo, thời gian qua, nhiều vấn đề giáo dục làm ảnh hưởng đến cách đánh giá, nhìn nhận của xã hội về nhà giáo; từ đó, ảnh hướng đến giáo dục nói chung, vị thế nhà giáo nói riêng.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần xem xét lại “nhận thức của xã hội đối với vị thế của nhà giáo” để quay trở lại với những giá trị truyền thống của dân tộc đối với vị thế nhà giáo. Mở cửa, hội nhập, thực hiện giáo dục hiện đại không có nghĩa là phủ nhận những giá trị truyền thống tốt đẹp về giáo dục và nhà giáo.

Trong đó cần phải luật hóa vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục tương đồng với giá trị truyền thống và bối cảnh văn hóa xã hội cụ thể của Việt Nam. Những quy định hiện tại không phù hợp, là một trong các nguyên nhân làm thầy/cô bất lực với những học trò hư và giáo viên chỉ còn cách im lặng thì cần phải xem xét, sửa đổi.

- Từ những vấn đề trên, giải pháp ông đưa ra để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực là gì?

- Về giải pháp, tôi cho rằng, Chính phủ cần cải tiến chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ với nhà giáo. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện làm việc, sinh hoạt cho nhà giáo, nhất là nhà giáo vùng nông thôn và các khu vực hẻo lánh.

Hỗ trợ điểm trường, trường học ở vùng điều kiện kinh tế, giao thông khó khăn các nhu cầu tối thiểu, như: Sách giáo khoa, sách tham khảo, hạ tầng Internet... Nâng cao đời sống cho giáo viên qua chính sách tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác nhằm hai mục đích, đó là: Khẳng định, nâng cao vị thế nhà giáo trong bối cảnh hiện nay; Tạo động lực làm việc, giúp đội ngũ nhà giáo toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ, thúc đẩy các nhu cầu cao hơn (nhu cầu cống hiến, nhu cầu cao nhất trong 5 nhu cầu của Bậc thang nhu cầu của Maslow).

Hay nói như cha ông mình đã đúc rút “có thực mới vực được đạo”. Đây là hai yếu tố quan trọng để xây dựng văn hóa nhà trường tích cực.

Bộ GD&ĐT cần có các văn bản hướng dẫn về mục đích, mục tiêu của phát triển văn hóa nhà trường phù hợp với nội dung đổi mới và cải cách giáo dục trong giai đoạn mới.

Mỗi trường học có đặc thù khác nhau và phụ thuộc vào tình hình thực tiễn, bối cảnh xã hội địa phương để xây dựng văn hóa nhà trường của riêng mình. Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng “văn hóa nhà trường tích cực” là mục tiêu chung và có các đặc điểm chung cơ bản đối với mỗi trường học.

Vì vậy, cần có những quy định chung nhằm hướng dẫn tổ chức thực hiện. Ví dụ: ban hành sổ tay hướng dẫn xây dựng văn hóa nhà trường tích cực; Quy định về cách thức hoạt động của các tổ/nhóm chuyên môn để hình thành văn hóa tích cực nhằm góp phần ứng dựng các phương pháp sư phạm mới; Hướng dẫn thử nghiệm vai trò mới cho người lãnh đạo/quản lý nhằm thực hiện chức năng lãnh đạo chuyên môn để hỗ trợ giáo viên; Quy định vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo trong việc thiết lập, duy trì văn hóa nhà trường tích cực.

Để làm được việc đó, hiệu trưởng và nhà trường được giao quyền tự chủ nhiều hơn, bớt phụ thuộc vào “mệnh lệnh” của các cấp quản lý; tăng cường trách nhiệm giải trình đối với xã hội và đối với các cơ quan quản lý cấp trên.

Cần có cơ chế lựa chọn nhân sự để tìm ra được lãnh đạo nhà trường thực sự năng động, sáng tạo, không ngại đổi mới và cơ chế đó phải bảo vệ được những người “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (Thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1436 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1155 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2464 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2943 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2257 | lượt tải:339

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1436 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1155 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2464 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2943 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2257 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập22
  • Hôm nay8,968
  • Tháng hiện tại73,276
  • Tổng lượt truy cập51,924,759
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944