Công nghệ tài chính: Ngành học song hành cùng kỉ nguyên số

Thứ ba - 15/02/2022 23:09 286 0
GD&TĐ - Cùng với sự phát triển của cuộc CMCN 4.0, ngành Tài chính- Ngân hàng cũng có những bước thích ứng và phát triển cho phù hợp xu hướng mới. Công nghệ tài chính (Fintech) dần định vị và ra đời.
Công nghệ tài chính: Ngành học song hành cùng kỉ nguyên số

Ngành học của tương lai

Số hóa và và ứng dụng các thành tựu công nghệ vào trong các hoạt động kinh doanh, sản xuất là xu thế chung của mọi quốc gia trong bối cảnh mà cuộc CMCN 4.0 đang phát triển như vũ bão. Fintech theo các chuyên gia là lĩnh vực tài chính mới liên quan đến áp dụng công nghệ để cải thiện các hoạt động tài chính.

Fintech tập trung vào hoạt động cải thiện hoặc tạo mới các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng nhằm thúc đẩy trải nghiệm của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao hiệu quả vận hành của các định chế tài chính và tạo ra các mô hình kinh doanh mới trong tài chính trên nền tảng số và công nghệ. Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp của Fintech gồm và liên quan đến thanh toán, cho vay số, đầu tư số, tiền số, bảo hiểm số và tư vấn tài chính số.

Theo PGS.TS. Trần Văn Tùng - Trưởng Khoa Tài chính - Thương mại, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, tiềm năng của Fintech là rất lớn khi hiện nay trên thế giới nó đã và đang thu hút được sự chú ý của nhiều chuyên gia công nghệ, tài chính và giới đầu tư với giá trị hàng trăm tỉ USD.

Số liệu của Google cũng chứng mình nhận định trên là đúng, khi năm 2021 là năm nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam, nền kinh tế Internet đạt giá trị 21 tỷ USD, xếp hạng 70 trên BXH toàn cầu và đứng ở vị trí 14/50 khu vực Châu Á. Những năm gần đây, lĩnh vực Fintech Việt đã thể hiện được tiềm năng to lớn khi cùng với Singapore và Indonesia đóng góp vào thị phần chung khu vực Đông Nam Á.

“Thị trường Fintech Việt đang ngày càng đa dạng với nhiều ngành nghề như ngân hàng số (digital bank), ví điện tử (E-wallet), mua trước trả sau (BNPL),… nhờ vào mức tăng trưởng khủng của số lượng các start-up Fintech mới (đạt mốc 215% trong giai đoạn từ 2015-2020).

Những con số trên đã thể hiện sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của Fintech trong những năm vừa qua, biến lĩnh vực này trở thành một phần lĩnh vực tài chính, hứa hẹn góp phần thay đổi bộ mặt của ngành tài chính Việt Nam”, PGS.TS Tùng chia sẻ.

 

Công nghệ tài chính: Ngành học song hành cùng kỉ nguyên số - Ảnh minh hoạ 2
Thống kê về thị trường Fintech tại Việt Nam năm 2021

Nhìn nhận thực tế trên, ông Trần Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo Kinh tế quốc tế cho biết theo nghiên cứu của McKinsey, Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn cầu lên 3-5 năm, thị trường Fintech thế giới dự kiến sẽ đạt 325,3 tỉ USD vào năm 2030 nhờ vào sự tăng trưởng của thanh toán kỹ thuật số, đầu tư vào blockchain, và sự bùng nổ theo cấp số nhân của các sàn thương mại điện tử. Thế giới cũng chứng kiến sự “sinh sôi nảy nở” của các start-up Fintech khi có khoảng 2000 công ty mới chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021.

Việt Nam những năm trở lại đây cũng chứng kiến sức phát triển mạnh mẽ, sâu rộng của lĩnh vực Fintech. Nếu năm 2015 cả thị trường chỉ có 39 công ty (con số này lần lượt tăng lên 74 vào năm 2017, và 124 vào năm 2019) thì đến nay, ước tính đã có hơn 155 công ty tham gia hoạt động tại Việt Nam, trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia tài chính, nhu cầu nhân lực cho lĩnh vực Fintech tại Việt Nam vẫn rất khan hiếm.

Cơ hội việc làm rộng mở

Theo thống kê sơ bộ từ các trang tuyển dụng nhân sự hàng đầu như: Vn.indeed.com, Vietnamword, Timviec365, Careerbuilder, Timviecnhanh… thu nhập của những cá nhân làm việc liên quan đến Fintech tương đối hấp dẫn, hiện tại là khoảng 1.000-1.500 USD đối với cá nhân nắm được đồng thời các kiến thức tài chính và công nghệ. Tuy vậy, không dễ để săn tìm những chuyên gia có trình độ, am hiểu chuyên sâu để tuyển dụng.

Nắm bắt nhu cầu trên, từ năm 2021 đến nay các trường ĐH như ĐH Kinh tế- Luật (ĐHQG TPHCM), Học viện Bưu chính Viễn thông, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM… đã mở ngành và tuyển sinh đào tạo.

Theo Th.s Nguyễn Hải Trường An- Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Kinh tế- Luật, khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức nền tảng về kinh tế, kinh doanh, tài chính - ngân hàng cùng với các kiến thức khoa học tự nhiên và xã hội trong kỷ nguyên số.

Được trang bị các kiến thức về công nghệ, khoa học máy tính, khoa học dữ liệu, công cụ toán học và thống kê ứng dụng trong lĩnh vực tài chính. Đặc biệt, sinh viên ngành Fintech được rèn luyện đầy đủ các kỹ năng cần thiết, thái độ làm việc để đủ năng lực làm việc và thích ứng với môi trường thay đổi nhanh chóng của các tổ chức tài chính, tổ chức công nghệ tài chính.

Các môn học chuyên ngành tiêu biểu: Quản trị tài chính doanh nghiệp, Phát triển hệ thống thương mại điện tử, Trí tuệ nhân tạo, Tiền số và công nghệ Blockchain,...

“Để đào tạo được một nguồn nhân lực Fintech chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, UEL đã hình thành Trung tâm nghiên cứu Kinh tế - Tài chính có cơ sở dữ liệu tài chính và phần mềm mô phỏng hàng đầu ở Việt Nam, thiết lập phòng thí nghiệm Kinh doanh thông minh, Viện nghiên cứu Phát triển Công nghệ ngân hàng... để sinh viên thực chiến.

Trường cũng phát triển mạng lưới liên kết với nhiều đối tác là các tổ chức tài chính - ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam cùng các đối tác nghiên cứu về công nghệ tài chính là các trường đại học uy tín ở nước ngoài để tăng cường các hoạt động bổ trợ trong suốt thời gian học tập và sinh hoạt tại Trường.

Do đó, sinh viên theo học chương trình Cử nhân Fintech sẽ có nhiều cơ hội để tương tác, học tập, nghiên cứu trong môi trường năng động, chuyên nghiệp và gắn chặt với thực tế thông qua các chương trình trao đổi, kiến tập, thực tập, làm việc tại các tổ chức tài chính lớn ở Việt Nam và các trường đại học nước ngoài”, Th.s An chia sẻ.

Công nghệ tài chính: Ngành học song hành cùng kỉ nguyên số - Ảnh minh hoạ 3
FIntech mở ra cơ hội kết nối và khai thác thị trường tài chính số rất lớn

Sau khi tốt nghiệp, Cử nhân ngành Fintech không chỉ giới hạn công việc tại các định chế tài chính, mà ngành nghề này còn bao phủ rất nhiều các cơ hội việc làm khác trong xã hội.

Sinh viên có thể tham gia công việc ở vị trí chuyên viên hoạch định chiến lược, quản lý, kiểm soát hệ thống tài chính tại các cơ quan quản lý tài chính nhà nước tại Việt Nam; các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực; các cơ quan/tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ, các phòng thí nghiệm sáng tạo.

Ở nhóm vị trí công việc thứ 2, sinh viên có thể đảm nhận vị trí chuyên viên công nghệ tài chính, phát triển công nghệ tài chính, phát triển sản phẩm dịch vụ tài chính mới tại các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, các công ty phát triển công nghệ….

Người học cũng có thể làm chủ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính, làm giảng viên và nghiên cứu viên tại các trường đại học, viện nghiên cứu… với mức lương hấp dẫn.

Tác giả bài viết: Anh Tú

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập547
  • Hôm nay42,442
  • Tháng hiện tại320,572
  • Tổng lượt truy cập51,676,531
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944