Những ngày cuối năm, tại xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, lớp “bình dân học vụ” buổi tối vẫn đầy ắp tiếng ê, a học bài của người lớn tuổi.
Với khát khao biết chữ để đọc thông, viết thạo, hát được karaoke đã khiến bao ngại ngần việc học chữ ở lứa tuổi làm bố mẹ, ông bà như tan biến. Thay vào đó là sự chăm chỉ đánh vần, tập từng nét chữ. Mỗi khi giáo viên cho giải lao, các cô, bác lại tranh thủ mời nhau miếng trầu, điếu thuốc…
Cô Lê Ánh Tuyết - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Nam Xuân) cho biết, phần lớn người dân ở xã đều di cư từ miền núi phía Bắc vào, không biết chữ, tiếng Kinh chưa sõi. Không những vậy, hằng ngày người dân tất bật với ruộng nương để lo cơm áo, gạo tiền cho con cái đến trường nên việc vận động họ đi học là cả quá trình gian nan.
“Năm 2017, khi thấy tỷ lệ người dân không biết chữ nhiều, tôi bàn với ban giám hiệu, giáo viên mở lớp dạy “bình dân học vụ”, ai cũng ủng hộ, tình nguyện đứng lớp. Chúng tôi không dám nói mở lớp xóa mù chữ, sợ các anh chị, cô bác lại mặc cảm nên gọi “lớp bình dân học vụ” cho gần gũi”, cô Tuyết chia sẻ.
Nhớ lại kỷ niệm với lớp học đầu tiên cùng 36 học viên, cô Lê Thị Thúy Vân - giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi kể: “Việc dạy chữ, tập đánh vần cho người lớn tuổi cần nhiều nhẫn nại. Dạy trẻ như tấm giấy trắng, tre non dễ uốn, còn học viên người ít tuổi nhất cũng 40, già thì trên 60, tiếp nhận kiến thức chậm. Không chỉ vậy, người dạy phải hiểu tâm lý, không để học viên xấu hổ mà nghỉ học”.
Các cô giáo ở đây chia sẻ thêm, dạy chữ cho người lớn tuổi, giáo viên phải đóng vai trò người bạn. “Có những hôm lên lớp, giáo viên và học viên chủ yếu tâm sự về chuyện gia đình, tổ chức các trò chơi học đánh vần để lớp học gần gũi, sôi nổi. Từ đó các bà, bác, chị hào hứng học”, cô Phạm Thị Hương - giáo viên dạy lớp 4, Trường Tiểu học Lê Lợi tâm sự.
Nói thêm về điều này, cô Hương thông tin, nam giới theo học ít và thường nghỉ ngang vì ngại ngùng. Phụ nữ đi học khó khăn hơn vì phải lo đồng áng ban ngày, tối lại cơm nước, dọn dẹp xong mới soi đèn lên lớp. Nhưng vượt qua những khó khăn ban đầu, lớp học của các bà, mẹ ngày càng đông, luôn sôi nổi.
“Có chị học được mấy tháng đã biết đọc, viết sơ qua thì phải nghỉ ngang vì chồng qua đời. Lo hậu sự cho chồng xong, giáo viên vận động đi học lại. Với nỗ lực tập đọc, viết, chị đã đọc thông, viết thạo. Có chị siêng đến lớp vì… ở nhà nhờ con dạy chữ để hát karaoke không được, phải đến lớp nhờ cô giáo. Sau một khóa học, nay đã có thể đọc các thông báo, hát karaoke. Gặp tôi ngoài chợ cứ khoe và tự hào vì mình biết chữ. Đó là niềm vui, hạnh phúc khó tả của những giáo viên mỗi tối thầm lặng dạy chữ ở vùng sâu, xa”, cô Vân kể.
Một em bé theo mẹ đến lớp “bình dân học vụ”. Ảnh: TT |
Chung không khí, mỗi tối ở Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du thuộc xã biên giới Quảng Tâm (Tuy Đức, Đắk Nông) rộn ràng tiếng đánh vần, học chữ của những nông dân lớn tuổi.
Tại đây, lớp có hơn 30 học viên, tuổi đời bình quân 40 - 50, người cao tuổi nhất đã 71 tuổi. Dù vào dịp cuối năm, mùa thu hái nông sản bận rộn, nhưng học viên đều cố gắng đi học đúng giờ, có người đến lớp trong bộ đồ lao động lấm lem bùn đất.
Anh Đào Văn Giang (50 tuổi), trú thôn 6, xã Quảng Tâm cho biết, do ở vùng sâu, xa, trước hoàn cảnh khó khăn, giao thông chia cắt không có điều kiện đi học. Giờ thầy cô mở lớp “xóa mù chữ” thì cố gắng đi học để biết chữ.
“Biết được cái chữ, mở ra cho mình nhiều điều bổ ích. Mình cảm ơn các thầy, cô giáo nhiệt tình dạy học cho người dân. Học chữ để phục vụ cuộc sống hằng ngày thì phải cố gắng thôi”, anh Giang chia sẻ.
Chung cảm xúc, chị Thị Nương (dân tộc M’Nông), trú bon Bu Nơr, xã Quảng Tâm vui mừng nói: “Thoát mù chữ giúp ích cho cuộc sống, mình sẽ tham gia lớp học thi lấy bằng lái xe máy để đi xe ra đường cho đúng luật. Biết chữ, mình sẽ đăng sản phẩm hạt mắc ca của nhà trồng lên mạng xã hội để nhiều người biết”.
Thầy Hoàng Văn Trường – giáo viên Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Du đến vùng biên giới Tuy Đức hơn 30 năm, chứng kiến biết bao hoàn cảnh gian khó của người dân. Kinh tế khó khăn, địa hình cách trở, nhiều người ở sâu trong rừng, không được học hành dẫn đến mù chữ, thiếu tự tin khi tiếp xúc.
“Khi điều kiện kinh tế gia đình cơ bản ổn định, nhiều bà con khát khao biết chữ. Cũng vì thế, khi nhà trường, thầy, cô giáo đến bản làng vận động, bà con đã hăng hái đăng ký đi học. Ngoài nhiệt tình, tâm huyết trong chuyên môn, giáo viên phải gần gũi, chia sẻ thì học viên mới bớt mặc cảm, sôi nổi đến lớp”, thầy Trường chia sẻ.
“Đắk Nông có đông đồng bào dân tộc thiểu số, bởi vậy số người mù chữ và tái mù chữ cũng khá nhiều. Thấu hiểu điều đó, thầy, cô giáo đã tình nguyện đứng lớp xóa mù. Họ thầm lặng, nỗ lực giúp bà con bản làng thoát cảnh mù chữ, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn”, bà Vương Thị Thu Trúc - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Đắk Nông nói.
Tác giả bài viết: Thành Tâm
Ý kiến bạn đọc