Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường

Thứ sáu - 05/04/2019 00:50 667 0

Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường

GD&TĐ - Ba lực lượng GD cơ bản là nhà trường - gia đình - cộng đồng, dù đặc biệt quan trọng, nhưng chưa có sự kết nối chặt chẽ. Nhiều gia đình, đoàn thể, địa phương chưa tham gia tích cực vào giáo dục đạo đức, giá trị, kỹ năng sống cho HS.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến gia tăng bạo lực học đường, được chỉ ra bởi nhóm nghiên cứu đề tài “Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” do PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) làm chủ nhiệm.

LTS: Theo nhiều chuyên gia giáo dục, tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Bạo lực học đường thực sự trở thành nỗi lo lắng, trăn trở không chỉ của nhà trường, ngành Giáo dục, phụ huynh mà là của xã hội. Làm thế nào để ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu bạo lực học đường tới mức thấp nhất, trả lại cho các em HS môi trường học đường vốn rất an toàn và thân thiện?

Trong loạt bài “Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường”, Báo Giáo dục và Thời đại giới thiệu phân tích của chuyên gia về vấn đề này dựa trên các nghiên cứu khoa học thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020: “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.

BLHĐ ngày càng phức tạp

Nhận định của nhóm nghiên cứu: Trong thời gian qua tình trạng BLHĐ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, mở rộng đối tượng bị bạo lực và gây bạo lực; phức tạp về loại hình và gia tăng về số lượng.

Báo cáo về BLHĐ trên cơ sở giới do UNESCO thực hiện ở Việt Nam năm 2014 - 2015 cho thấy: Hơn một nửa (51,9%) số HS tham gia khảo sát (2.636 em) cho biết, đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong vòng 6 tháng trước cuộc khảo sát. HS LGBT (nhất là những em nam có biểu hiện “nữ tính”, bị hấp dẫn bởi người cùng giới hay các thanh thiếu niên chuyển giới/khác biệt về giới) có nguy cơ đặc biệt cao trở thành nạn nhân và có xu hướng phải chịu đựng mọi loại bạo lực.

Số lượng các vụ BLHĐ gia tăng trong vài năm gần đây với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Không chỉ gây hấn, bôi nhọ hay dọa dẫm... mà nhiều vụ bạo lực dùng hung khí, đánh hội đồng dẫn đến thương tích nặng, tử vong... Ảnh hưởng của các vụ bạo lực không dừng ở phạm vi hẹp mà nhanh chóng lan rộng qua việc quay và phát tán clip trên mạng xã hội. Đơn cử vụ việc xảy ra tại Trường THCS Phù Ủng, huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) mới đây khiến dư luận phẫn nộ.

HS chưa được coi là trung tâm trong giải quyết BLHĐ

Nhóm nghiên cứu cho rằng, người học, đặc biệt trong độ tuổi THCS đang ở giai đoạn lứa tuổi “khủng hoảng”, bởi sự không cân bằng giữa phát triển sinh lý, tâm lý đang hoàn thiện và chưa trưởng thành về nhận thức, trách nhiệm hành vi. Các em đang trên con đường khám phá, thử nghiệm bản thân để hiểu mình là ai; mình có hứng thú, nhu cầu, năng lực gì...?

Một nguyên nhân quan trọng khác, theo nhóm nghiên cứu là còn thiếu hành lang pháp lý để phòng ngừa, xử lý nhanh và giải quyết hiệu quả vấn đề BLHĐ tại từng cơ sở GD và địa phương. Thiếu hoặc chưa cập nhật nội dung, quy định, hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng xử phạt trong cơ sở GD; thiếu sự phân công, phân quyền cho cá nhân cụ thể trong vấn đề BLHĐ; thiếu quy trình xử lý các tình huống cấp bách như BLHĐ. Cùng với đó, cách xử lý hậu quả của BLHĐ còn khá lúng túng và chưa có căn cứ pháp lý phù hợp…

Bên cạnh đó, bối cảnh xã hội thay đổi chóng mặt, tác động xã hội nhanh và trực tiếp đến người học qua các kênh thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng xã hội với nhiều ảnh hưởng xấu, cổ xúy cho các hành vi tiêu cực, phản cảm, trái quy chuẩn đạo đức… nên càng làm phức tạp hơn diễn biến tâm lý bên trong mỗi HS.

Tuy nhiên, nhiều thầy cô, cha mẹ, người lớn không hiểu được điều này, đặc biệt là sự phát triển phức tạp và đầy biến động của lứa tuổi THCS; cùng với đó còn chưa nhận thức đúng ảnh hưởng tiêu cực của BLHĐ đến sự phát triển của người học, con em mình, do đó có hành vi bao che, bỏ qua cho các đối tượng có liên quan. Học sinh thường là đối tượng bị bạo lực, hay đối tượng gây ra bạo lực, tuy nhiên hầu như không được coi là trung tâm trong giải quyết BLHĐ...

Nỗ lực giảm thiểu bạo lực học đường - Ảnh minh hoạ 2
Trẻ em phải là trung tâm trong giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: Đức Chiêm 

Chưa kết nối chặt chẽ nhà trường - gia đình - cộng đồng

Một nguyên nhân quan trọng được nhóm nghiên cứu chỉ ra là chưa có sự kết nối chặt chẽ của 3 lực lượng giáo dục cơ bản: Nhà trường - gia đình - cộng đồng. Mặc dù là lực lượng GD đặc biệt quan trọng, nhưng hầu như gia đình chưa tham gia tích cực vào GD đạo đức, giá trị, kỹ năng sống cho HS.

Kết quả nghiên cứu đề tài và các nghiên cứu khác có liên quan cũng cho thấy: Thành tố quan trọng trong môi trường GD an toàn, lành mạnh và thân thiện ở cơ sở GD chính là mối quan hệ lành mạnh và tôn trọng lẫn nhau giữa người dạy, người học, người lớn làm việc với trẻ em, thông qua việc hình thành kết nối cảm xúc tích cực và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhà trường.

Chính mối quan hệ lành mạnh, tôn trọng lẫn nhau có tác động tích cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần của HS, giáo viên, nhân viên, cũng như kết quả học tập và rèn luyện của HS, giúp HS xây dựng được tình bạn và nhận sự giúp đỡ của bạn bè, từ đó giảm thiểu các hành vi mạo hiểm, bạo lực với bản thân và với người khác.

Bên cạnh nhận định kỷ luật tích cực chưa được triển khai hiệu quả ở nhà trường và gia đình, nhóm nghiên cứu đồng thời cho rằng chúng ta đang thiếu lực lượng hỗ trợ cho HS giải quyết các vấn đề khó khăn. Lực lượng này là các thầy cô được trang bị kiến thức tư vấn tâm lý và cán bộ, nhân viên tham vấn học đường được đào tạo một cách chuyên nghiệp.

Năng lực và điều kiện để thực hiện thành công chức năng quản lý lớp học của giáo viên chủ nhiệm và quản trị HS, nhà trường của hiệu trưởng còn yếu. Không ít trường coi nhẹ công tác chủ nhiệm lớp; chọn giáo viên trẻ và ít giờ, không được đào tạo để làm công tác chủ nhiệm, ít khi bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng về công tác chủ nhiệm lớp. Giao trách nhiệm chưa đi đôi với quyền hạn và chế độ đãi ngộ. Nhiều hiệu trưởng chưa thực sự là nhà sư phạm và lãnh đạo tập thể sư phạm, được lựa chọn và thi tuyển qua hội đồng trường.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay7,612
  • Tháng hiện tại474,367
  • Tổng lượt truy cập51,830,326
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944