Phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới
Tại Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ IV diễn ra chiều 26/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phải có giáo dục đổi mới sáng tạo.
Theo đó, để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về khởi nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, không phải nhiệm vụ của riêng bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy.
Nhận định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ sức mạnh nội tại, với mong muốn thúc đẩy khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên và thế hệ trẻ, Thủ tướng lưu ý 6 nội dung quan trọng. Trong đó nhấn mạnh, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo.
Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người, thế hệ trẻ Việt Nam. Đưa giáo dục về khởi nghiệp sáng tạo vào nhà trường không chỉ ở bậc đại học, sau đại học mà từ các cấp học. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực.
Phát biểu đáp từ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã quan tâm tham dự và chỉ đạo sự kiện Ngày hội khởi nghiệp. Đồng thời, khẳng định tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Bộ trưởng cho biết: Với tâm thế, tinh thần quyết tâm cao, toàn ngành Giáo dục sẽ nỗ lực thực hiện tốt các chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, phát huy tối đa các kết quả của ngày hội khởi nghiệp, giáo dục và đào tạo học sinh, sinh viên nhằm trang bị các kỹ năng cần thiết, tạo nên khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Đề cao vai trò dẫn đường của Đoàn thanh niên
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, sáng 26/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp mặt các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, nhấn mạnh thanh niên là chủ nhân tương lai của đất nước, Chủ tịch nước đồng thời đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hãy trao những “bó đuốc” soi đường để các bạn trẻ phát huy hơn nữa sức sáng tạo, nâng cao trình độ, tích cực học tập, lao động cống hiến, hoàn thành tốt công việc của mình.
Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng đòi hỏi trong tình hình mới, chống lại đói nghèo, lạc hậu, để biến khát vọng phát triển, xây dựng đất nước hưng thịnh thành hiện thực.
Thông qua các hoạt động, Đoàn Thanh niên và các tổ chức Hội, Đội của thanh thiếu nhi hãy trở thành vườn ươm tốt để tập hợp những tấm gương sáng, nhân lên các giá trị tốt, người tốt, việc tốt, điển hình thanh thiếu nhi tiêu biểu, hỗ trợ các bạn trẻ cả nước khởi nghiệp, lập nghiệp trên tinh thần đổi mới sáng tạo, đoàn kết, cùng nhau phát triển.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp có cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tài năng trẻ.
Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà trường... tiếp tục quan tâm, đồng hành, cùng chung tay góp sức cho sự phát triển của tài năng trẻ đất nước. Coi đây là tình cảm, là trách nhiệm của chúng ta trong sự nghiệp chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Đề nghị rà soát nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên
Trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2022, Bộ GD&ĐT có văn bản đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát thông tin đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh, đào tạo.
Thực tế, dù Chính phủ quy định sinh viên trúng tuyển vào ngành sư phạm năm học 2021 - 2022 được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, tiền chi phí sinh hoạt nhưng hiện các trường vẫn thu vì... chưa có hướng dẫn.
Trong khi đó, các trường sư phạm cũng đang chờ bộ sớm giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên và đề nghị sớm có quyết định giao chỉ tiêu cho ngành sư phạm, bởi còn liên quan đến các địa phương "đặt hàng" cho các trường đào tạo.
Theo Bộ GD&ĐT, để đảm bảo nhu cầu giáo viên các địa phương đã đề xuất đến năm 2022 và nhu cầu năm 2023 - 2025 sát với nhu cầu sử dụng, việc đề xuất số lượng giáo viên cần tuyển sinh và đào tạo của các địa phương là một trong các căn cứ quan trọng để bộ xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho các cơ sở đào tạo.
Đồng thời, để việc đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nghị định 116/2020/NĐ-CP của các địa phương đạt hiệu quả, Bộ GD&ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo rà soát và báo cáo nhu cầu tuyển sinh và đào tạo giáo viên của năm 2022 và đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2023 - 2025.