Áp lực gia tăng
Năm 2012, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ GD&ĐT) công bố kết quả công trình nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Nhà nước: “Nghiên cứu các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông”.
Kết quả khảo sát cho thấy: Đa số GV chưa nắm vững tính chỉnh thể của chương trình môn học; hiểu biết về ứng dụng của tri thức môn học còn hạn chế. Phần lớn GV chưa chuyển biến thực sự về phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập, sử dụng hiệu quả phương tiện dạy học; sức ỳ còn lớn, thói quen dạy học cũ kiểu “đọc - chép” vẫn còn ngự trị.
Chương trình ETEP (thuộc Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cũng tiến hành khảo sát thực trạng năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV phổ thông. 6.000 GV, trên 1.000 cán bộ quản lý trường học ở nhiều địa phương tham gia khảo sát cho thấy: Về tổng thể năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV phổ thông hiện vẫn còn hạn chế so với các yêu cầu của Chương trình GDPT, SGK mới.
Các hạn chế chủ yếu là: Năng lực ngoại ngữ; NCKH; khả năng dạy học tích hợp và phân hóa; sử dụng công nghệ thông tin (CNTT); các phương pháp dạy học giải quyết vấn đề; giải pháp giúp HS vận dụng kiến thức; cách GD HS cá biệt; GD giới tính như thế nào để đạt hiệu quả cao… Tất cả rào cản nêu trên nếu không khắc phục khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT, SGK mới sẽ tạo áp lực không nhỏ lên đội ngũ GV và cả hiệu trưởng.
Ảnh minh họa/ Internet |
Tự làm mới mình
Gần chục năm trước, thầy Lê Quốc Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Vũng Tàu dù tất bật với công tác quản lý nhưng chủ động học và có tấm bằng kỹ sư CNTT. Có năng lực tin học cần thiết, thầy Hùng (sau này thầy về làm Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu) có nhiều công sức biến hai ngôi trường này, trở thành lá cờ đầu - đi trước đón đầu xu thế “trường học điện tử”, theo kịp đòi hỏi ngày càng cao của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Tương tự, thầy Đậu Thành Vinh, Hiệu trưởng Trường THPT Dầu Giây (Đồng Nai) cũng dốc hết nỗ lực bảo vệ học vị TS Ngôn ngữ. Nhiều người cho rằng, đứng đầu trường phổ thông đâu cần làm tới TS cho tốn kém vất vả… Thầy cười và tự nhủ: Toàn ngành GD đang đổi mới, một số GV bằng cấp chuyên môn còn cao hơn cả hiệu trưởng. Mình mà “giậm chân tại chỗ”, chỉ đạo GV dưới quyền khó lắm…
Nói về công việc của mình, thầy Hoàng Sơn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TPHCM) trăn trở: “Áp lực đối với hiệu trưởng rất căng thẳng. Nào là hội họp, báo cáo, kế hoạch kiểm tra, thao giảng, dự giờ… Nhiều văn bản mới, yêu cầu phải cập nhật, nắm vững nếu không dễ thực hiện sai. Rồi hàng năm báo cáo, họp xét đánh giá - xếp loại thi đua cuối năm, xét danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp, xét sáng kiến kinh nghiệm; đánh giá GV cuối năm, hao tổn không ít sức khỏe và trí tuệ…
Do vậy, có 4 yêu cầu chủ yếu đối với hiệu trưởng thời “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” hiện nay đó là: Phải có tâm sáng, đạo đức, phẩm chất tốt, hết lòng vì công việc, lắng nghe ý kiến tập thể, gần gũi để nắm tâm tư nguyện vọng của GV, nhân viên mà cả HS và cha mẹ HS.
Thường xuyên cập nhật nắm vững các văn bản chỉ đạo của cấp trên để thực hiện đúng, đặc biệt chú ý công tác nhân sự và tài chính. Có năng lực lãnh đạo giỏi; biết sắp xếp đúng người đúng việc. Ngoài ra, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, đòi hỏi hiệu trưởng phải thông thạo về ngoại ngữ và vi tính, từ đó mới xây dựng thành công mô hình “trường học kết nối”…”.
Thầy Nguyễn Thành Sơn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Phú (TX Thuận An, Bình Dương) nhấn mạnh thêm: Hiệu trưởng phải luôn luôn gương mẫu, trong sạch, có đủ dũng khí bảo vệ cái đúng - kiên quyết đấu tranh với cái sai, trung thực, công bằng với chính bản thân và cả tập thể nhà trường.
Người đứng đầu trường học phải chú ý công khai, minh bạch nhất là quản lý tài chính, nói được - làm được; nói ít - làm nhiều. Hiệu trưởng giỏi phải biết phân công công việc cho cấp phó và cộng sự phù hợp năng lực của họ, nhưng phải thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra xử lý kịp thời mọi trường hợp vi phạm, xử lý đảm bảo thấu lý, đạt tình.