Lớp học chỉ có 1 HS đăng ký xét tuyển ĐH
Lớp 12A5 Trường THPT Cửa Lò 2 (thị xã Cửa Lò) có 37 HS, nhưng chỉ có duy nhất em Hoàng Quốc Khang đăng ký thi THPT quốc gia để xét tuyển đại học. Trong trường còn có lớp 12A6 cũng chỉ có 1 em dự định thi tuyển ĐH. Những lớp còn lại tỷ lệ HS thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp cũng “áp đảo”. Kể cả lớp 12A1 được xem là lớp chọn của trường cũng chỉ có 13 em chọn con đường ĐH.
Thầy Nguyễn Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Cửa Lò 2 cho biết: Hiện có 171/217 HS khối 12 đăng ký thi THPT chỉ để xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ 79%). Trong đó chiếm phần lớn các em chọn du học hoặc xuất khẩu lao động. Những năm trước, số HS đi theo con đường này chủ yếu có học lực trung bình hoặc khá, nhưng gần đây, có cả những em học lực giỏi.
Thầy Hải cũng cho hay: Năm học trước, trường có khoảng 70 HS (chiếm 1/3 HS khối 12) đi du học hoặc đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhưng năm nay con số này có thể còn tăng hơn.
Đến thời điểm này, nhiều HS của trường cũng đã đi học tiếng và chuẩn bị hồ sơ để sang Nhật Bản hoặc Hàn Quốc du học. Về phía nhà trường bên cạnh đẩy mạnh ôn tập cho HS, các giáo viên cũng lưu ý những HS có ý định xuất ngoại sau THPT thì lưu ý chuẩn bị các loại giấy tờ, hồ sơ.
Em Nguyễn Thu Hà cho biết: Gia đình em có khá nhiều người đang làm việc tại Hàn Quốc nên sau khi học xong em cũng sẽ làm hồ sơ để đi du học. Em chưa biết sang đó có đi làm không nhưng trước mắt sẽ cố gắng học để thông thạo tiếng Hàn Quốc, sau này về Việt Nam có thể xin vào các công ty Hàn Quốc làm việc.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An toàn tỉnh có gần 40% HS diện phân luồng chỉ thi để xét tốt nghiệp. Trong đó, nhiều trường có tỷ lệ 70 – 80 %, tập trung chủ yếu vào các trường vùng nông thôn, ven biển. Với các trường THPT dân lập và TT GDTX, tỷ lệ này chiếm từ 90% đến 100 như THPT Mai Hắc Đế (100%), THPT Nguyễn Văn Tố (96,49%), THPT Nguyễn Thúc Tự (96,43%).
Tỷ lệ cũng tăng ở các trường có truyền thống dạy học và tỷ lệ đậu đại học cao trước đây như: THPT Cát Ngạn (72,73%), THPT Hoàng Mai 2 (69,49%), THPT Yên Thành 3 (67,43%), THPT Nam Yên Thành (61,80%), THPT Nghi Lộc 5 (61,46%)…
Tránh phân luồng theo trào lưu
Em Lê Thị Huyền (HS lớp 12 A1, Trường THPT Cửa Lò 2) liên tục đạt HS giỏi toàn diện các năm. Trong đó, điểm trung bình học tập các môn Toán, Tiếng Anh đều trên 9 điểm. Tuy nhiên, thay vì đăng ký xét tuyển vào đại học trong nước, Huyền đã học xong tiếng và hoàn thành hồ sơ để tháng 9 nhập học vào Trường Đại học Yeungnam - Hàn Quốc. Nữ sinh chia sẻ “Em nghĩ mình có nhiều cơ hội trúng tuyển vào trường ĐH trong nước, nhưng em muốn sang học ở nước ngoài để vừa biết thêm ngoại ngữ, vừa dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường”.
Em Nguyễn Thị Xuân (Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương) cũng là một HS giỏi với điểm tổng kết học kỳ 1 năm lớp 12 đạt 8,5. Trước đó em từng định xét tuyển vào 1 trường ĐH ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh, nhưng hiện tại em chỉ đăng ký thi THPT để xét tốt nghiệp. “Sau đó, em sẽ sang Đức để làm việc. Em có chị gái cũng đang xuất khẩu lao động tại Đức nên em sang với chị. Để chuẩn bị cho việc sang Đức, trong thời gian nghỉ hè sau lớp 11 em đã học thêm nghề Nail”, Xuân cho biết.
Nữ sinh chia sẻ thêm: “Em nghĩ làm việc tại nước ngoài, dù không được đi học, nhưng em sẽ có nhiều kiến thức thực tế và số vốn nhất định. Sau này trở về nước em sẽ kinh doanh, và học thêm bằng gì đó nếu cần thiết”.
Việc HS chủ động và lựa chọn con đường tương lai cho mình với góc nhìn rộng mở hơn, phù hợp với sở thích và điều kiện gia đình là dấu hiệu tích cực. Không còn bó hẹp trong tư tưởng “đại học là con đường duy nhất để lập nghiệp”. Thầy Lê Đức Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Đô Lương 1 cho biết: Hiện nay, việc đậu đại học không khó bằng việc kiếm việc làm. Vì vậy, sự lựa chọn của HS cũng “thực dụng”, “thực tế” hơn, quan tâm đến cả đầu ra, chứ không chỉ lo lắng về đầu vào như trước kia.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách đầy đủ về việc tăng nhanh tỷ lệ HS phân luồng sau THPT. Tránh xảy ra trường hợp ồ ạt, chạy theo trào lưu. Nhất là việc HS đi xuất khẩu lao động hoặc đi du học theo kiểu “vừa học vừa làm”.
Hiện, khá nhiều công ty tư vấn cũng đang quảng cáo du học với hình thức này. Trong khi đó, cơ hội tìm kiếm việc trên thực tế đối với du HS không nhiều. Các em chủ yếu làm công việc bán thời gian, lao động phổ thông nặng nhọc, cho thu nhập ít. Trong khi chi phí sinh hoạt và học phí cao; trước đó, gia đình phải vay mượn khoản tiền khá lớn để các em được xuất ngoại. Vì vậy, không ít du HS bỏ học trở thành lao động chui, vi phạm pháp luật; tạo nên ấn tượng không tốt từ phía nước bạn đối với du HS Việt Nam, nhất là ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, việc nhiều HS, kể cả khá giỏi lựa chọn học nghề, du học, hoặc xuất khẩu lao động cũng đặt ra nhiều câu hỏi về sức hút của các trường đại học trong nước bao gồm năng lực đào tạo, khả năng tìm kiếm việc làm, về chất lượng cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu người học, về sự phân hóa ngành nghề, phân công lao động, và phát triển của thị trường việc làm trong nước đáp ứng những đổi mới của nguồn nhân lực.