Phát huy sức mạnh hội đồng trường: Thực quyền trong quản trị

Chủ nhật - 25/07/2021 20:59 317 0
GD&TĐ - Thực tế, có cơ sở giáo dục ĐH đã duy trì, phát huy hiệu quả vai trò hội đồng trường (HĐT), nhưng cũng không ít trường hoạt động của tổ chức này rất mơ hồ. Giải pháp nào cho vấn đề này?
Phát huy sức mạnh hội đồng trường: Thực quyền trong quản trị

Dấu hiệu tích cực

Nguyễn Thùy Anh, đại diện sinh viên (SV) tham gia HĐT Trường ĐH Mở Hà Nội, cho biết: Sau khi được thành lập, HĐT nhiệm kỳ 2020 - 2025 thường xuyên định hướng nghiên cứu và giảng dạy, về nội dung, phương pháp; Luôn cập nhật xu hướng, phương pháp học tập mới nhất cho SV và phát triển cơ sở vật chất phục vụ dạy học. Ngoài ra, việc liên kết đào tạo, kết nối với các doanh nghiệp mang lại cho SV những cơ hội thực tập, làm việc thực tế.

Theo Thùy Anh, từ khi HĐT có thành viên là người học, tiếng nói của SV được lắng nghe hơn. SV được trực tiếp nghe kế hoạch, định hướng, phương pháp giáo dục mà trong tương lai có thể được áp dụng; được nêu ý kiến, quan điểm và đề đạt mong muốn, nguyện vọng. Nhà trường hiểu được tâm tư của SV. Ngược lại, SV cũng hiểu được những thay đổi, định hướng của nhà trường.

Ở góc độ người lao động, ông Phan Thanh Lâm, chuyên viên Phòng Tổ chức và Hành chính, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế cũng nhận thấy rõ thay đổi tích cực sau khi có HĐT. Theo đó, HĐT giúp tăng cường dân chủ trong mọi hoạt động của nhà trường, nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý vì mọi quyết sách lớn của nhà trường đều phải được HĐT thảo luận, biểu quyết thông qua.

HĐT giám sát việc thực hiện các quyết sách này và giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của bộ máy quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng. HĐT còn tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ, khi cần có thể lấy phiếu tín nhiệm đột xuất.

Cán bộ giảng viên được trực tiếp bầu ra thành viên HĐT đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình. Các quyết sách của HĐT cũng gắn với quyền, lợi ích của cán bộ, giảng viên vì định kỳ HĐT phải báo cáo, giải trình trước hội nghị toàn thể nhà trường về kết quả hoạt động. HĐT hoạt động hiệu quả cũng sẽ góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cán bộ, giảng viên.

Phát huy sức mạnh hội đồng trường: Thực quyền trong quản trị - Ảnh minh hoạ 2
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trao Quyết định công nhận HĐT và Chủ tịch HĐT Trường ĐH Kinh tế TPHCM nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hài hòa các thiết chế

Theo bà Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch HĐT, Trường ĐH Mở Hà Nội, để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của một cơ sở giáo dục ĐH công lập tự chủ, việc quản trị và quản lý đòi hỏi đồng thời hai loại thiết chế: Thiết chế hội đồng để định hướng và giám sát quá trình phát triển (chức năng HĐT); thiết chế điều hành tác nghiệp trực tiếp và thường xuyên (chức năng ban giám hiệu  - BGH).

HĐT đứng đầu là chủ tịch hoạt động theo thiết chế tự quản hay thiết chế hội đồng; trong khi BGH đứng đầu là hiệu trưởng hoạt động theo thiết chế hành chính/tập quyền. Hai thiết chế này hoạt động đồng thời trong trường nhằm bảo đảm HĐT hoàn thành nhiệm vụ đại diện quyền sở hữu trường ĐH.

Để các thiết chế, tổ chức của nhà trường phối hợp tốt trong việc lãnh đạo và triển khai các nhiệm vụ, góp phần phát triển nhà trường bền vững, cần xác định rõ ràng và nhất quán các nguyên tắc lãnh đạo. Theo đó, Đảng lãnh đạo toàn diện các hoạt động của nhà trường. HĐT là tổ chức quyền lực, quản trị nhà trường, đại diện của chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. BGH là bộ máy điều hành, quản lý.

Cơ sở giáo dục ĐH xác định ba tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo của nhà trường là Đảng ủy, HĐT, BGH; cần thiết phải có mối quan hệ và cơ chế phối hợp dựa trên nguyên tắc chung là bảo đảm lợi ích của cộng đồng, vì sự phát triển bền vững của nhà trường. Mối quan hệ này thực sự tạo nên sức mạnh tổng hợp và tăng cường vai trò của cả ba tổ chức lãnh đạo này theo đúng chức năng, nhiệm vụ được phân công. Ban thường vụ Đảng ủy, chủ tịch HĐT và BGH thực sự sẽ phát huy sức mạnh trong lãnh đạo, chỉ đạo để nhà trường phát triển nhanh và bền vững theo đúng sứ mạng, trên cơ sở một cơ chế phối hợp mạch lạc, rõ ràng và hiệu quả.

Nhấn mạnh về thực hiện vai trò thực quyền trong quản trị nhà trường, bà Nguyễn Mai Hương cho biết: Quyền lực của HĐT được quy định rất rõ thông qua các chức năng, nhiệm vụ tại Điều 16, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Tuy nhiên, khi thực hiện có thể còn gặp lực cản ngay trong nội tại của nhà trường.

Có quan điểm cho rằng, thể chế của HĐT là một sự dịch chuyển quyền lực, làm hạn chế quyền lực cá nhân của hiệu trưởng, làm chậm tiến độ các quyết định tức thời đang rất hiệu quả trước đây. Mặt khác, trong giai đoạn quá độ, có chủ tịch HĐT chưa đủ uy tín, kinh nghiệm trong quản trị ĐH, thậm chí có người ở những vị trí quản lý do hiệu trưởng bổ nhiệm trước khi giữ chức danh chủ tịch. Trong cơ cấu thành viên HĐT, một số thành viên ngoài trường và thành viên đại diện SV chưa phát huy hết vai trò trong một tổ chức quyền lực gắn với trách nhiệm thực sự.

“Do vậy, trước hết, cần bầu chọn một HĐT uy tín, chất lượng, bảo đảm tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ quan trọng này, đặc biệt là người đứng đầu. Thứ hai, HĐT phải vận hành tròn chức năng một cách quyết liệt nhưng tinh tế. Nếu được như vậy, HĐT sẽ giúp hiệu trưởng và bộ máy của hiệu trưởng vượt qua các áp lực, cảm giác “an toàn” khi quản lý điều hành; vì HĐT là chỗ dựa vững chắc cho hiệu trưởng, đồng thời, kịp thời giúp hiệu trưởng tránh những rủi ro, vi phạm khi phải tự quyết định những vấn đề chưa được thẩm định, phản biện và xem xét thấu đáo.

Có như vậy, hiệu trưởng mới giải phóng mình để làm được những việc lớn hơn, có ý nghĩa hơn cho nhà trường và xã hội. Thứ ba, HĐT hoạt động tốt, hiệu quả đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sự phát triển liên tục và bền vững của nhà trường, thực hiện đúng các cam kết xã hội và trách nhiệm giải trình với cơ quản quản lý và các bên liên quan” - bà Nguyễn Mai Hương nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội 2 thì cho rằng: Trên lý thuyết, vấn đề của HĐT có vẻ rất rõ; tuy nhiên trong thực tiễn, HĐT có hoạt động hiệu quả hay chưa còn phụ thuộc vào từng đơn vị với nhận thức và hành động cụ thể, và đặc biệt, với những con người cụ thể.

 Theo ông Huy, để HĐT hoạt động hiệu quả, trước hết cần phải rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện còn mâu thuẫn, bất cập với Luật Giáo dục ĐH sửa đổi. Đồng thời, mỗi đơn vị phải xây dựng và cụ thể hóa các thiết chế về vị trí, vai trò của HĐT, tương quan HĐT với bộ chủ quản, với Đảng ủy, BGH.

Nhấn mạnh điều này, ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng: HĐT phải cần nâng tầm vai trò, trách nhiệm trong phân tích bối cảnh, quyết đoán đưa ra các nghị quyết định hướng sự phát triển của nhà trường và trên hết, phải vì mục tiêu chung của tổ chức. HĐT cần có sự phân công công việc rõ ràng, tăng cường cơ chế giám sát, minh bạch thông tin, đề cao vai trò và trách nhiệm giải trình với các bên liên quan, với xã hội.

Cuối cùng, cần có cơ chế, quyền lợi, trách nhiệm chặt chẽ hơn với các thành viên HĐT là người ngoài trường và tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm quản trị giữa các HĐT trong và ngoài nước, đặc biệt là trong giai đoạn các HĐT còn tương đối thiếu kinh nghiệm hoạt động như hiện nay.

Phát huy sức mạnh hội đồng trường: Thực quyền trong quản trị - Ảnh minh hoạ 3
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao Quyết định công nhận HĐT, Chủ tịch HĐT Trường ĐH Mở Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kinh nghiệm quốc tế

Để HĐT trong các cơ sở giáo dục ĐH hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Văn Cường - ĐH Potsdam (CHLB Đức) cho hay: Các cơ sở giáo dục ĐH cần cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của HĐT, làm rõ mối quan hệ và cơ chế phối hợp giữa HĐT và BGH.

Có thể so sánh mối quan hệ của HĐT và BGH ở một cơ sở giáo dục ĐH với mối quan hệ của Quốc hội và Chính phủ trong một quốc gia. Trong trường ĐH, HĐT là cơ quan ra quyết định cao nhất của trường (cơ quan “lập pháp“ của trường), ban hành những đường lối, văn bản nền tảng cho hoạt động của trường, giám sát hoạt động của BGH. BGH, đứng đầu là hiệu trưởng, là cơ quan lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động nhà trường.

Khái niệm chức năng quản lý nhà trường của hiệu trưởng cần bao hàm cả nghĩa lãnh đạo nhà trường trong tư cách của hiệu trưởng. Nếu hiểu HĐT có nhiệm vụ lãnh đạo, quản trị nhà trường, còn BGH có nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường một cách máy móc có thể dẫn đến xem nhẹ vai trò và trách nhiệm của hiệu trưởng cũng như BGH, coi BGH là cấp dưới trực tiếp của HĐT. Trong khi đó, chủ tịch và các thành viên HĐT cũng là thành viên của nhà trường. Điều này có thể dẫn đến sự khó xử và hợp tác không hiệu quả của hai tổ chức này. Do đó, làm rõ chức năng, cơ chế làm việc giữa HĐT và BGH là điều kiện đầu tiên cho việc tăng cường hiệu quả của HĐT.

“Các HĐT cần có quy chế hoạt động quy định cụ thể cơ chế làm việc của HĐT và từng bước cải tiến tối ưu hóa quy chế hoạt động nhằm đạt hiệu quả thực tế trong hoạt động nhà trường. Cần chú ý bồi dưỡng năng lực, tính chuyên nghiệp của các thành viên HĐT để các thành viên thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả. Nên thành lập các ủy ban chuyên trách ở trường ĐH để vừa tham mưu cho BGH vừa giúp việc cho HĐT trong hoạch định chính sách, xây dựng các văn bản thuộc thẩm quyền của HĐT”, ông Nguyễn Văn Cường gợi ý.

Ở CHLB Đức, HĐT là cơ quan ra quyết định cao nhất của trường ĐH và là cơ quan tự chủ với những mô hình cụ thể khác nhau. HĐT thường đảm nhận các nhiệm vụ mang tính “lập pháp” tại trường ĐH, quyết định các nghị quyết, quy chế chung của trường ĐH, chịu trách nhiệm hoạch định ngân sách, thành lập và hủy bỏ các khóa học, bầu hiệu trưởng hoặc cả BGH trường. Các nhiệm vụ của HĐT được quy định trong trong luật ĐH của bang. Để bảo đảm HĐT nói riêng, bộ máy nhà trường nói chung hoạt động hiệu quả, trong quy chế hoạt động của các trường ĐH quy định rất cụ thể thẩm quyền của HĐT cũng như BGH và các cơ quan khác của trường ĐH. 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập348
  • Hôm nay26,487
  • Tháng hiện tại290,442
  • Tổng lượt truy cập51,646,401
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944