Đầu tháng 1/2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức công bố và trao quyết định bổ nhiệm chức danh GS, PGS; trong đó có tân PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh. Chia sẻ với Báo GD&TĐ, bà Oanh nhấn mạnh vai trò của phụ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm phát triển nhà khoa học nữ cả về chất và lượng.
- Cảm xúc của bà khi được phong tặng chức danh PGS và là người trẻ nhất có học hàm này trong ngành Dược?
PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Sinh học thực vật tại Đại học Picardie Jules Verne, Cộng hòa Pháp. Bà đã công bố 32 bài báo khoa học, trong đó có 18 bài báo trên tạp chí quốc tế uy tín thuộc hệ thống SCIE; xuất bản một chương sách chuyên khảo phục vụ đào tạo thuộc nhà xuất bản quốc tế có uy tín.
Không chỉ tích cực nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh còn tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn nhiều học viên cao học và nghiên cứu sinh bảo vệ luận án thành công.
- Tôi cảm thấy vinh dự, hạnh phúc và tự hào. Đây không chỉ là niềm vui của bản thân mà còn cho gia đình, người thân, đồng nghiệp và các thế hệ học trò. Tôi biết ơn gia đình vì luôn thông cảm, hỗ trợ hết sức trong công việc. Tôi biết ơn cơ quan, nhà trường, đồng nghiệp tạo điều kiện tốt nhất để bản thân có được thành tựu này. Tất nhiên, tôi cũng không quên các thế hệ học trò đã tin tưởng, hỗ trợ.
Khi được phong tặng danh hiệu, tôi càng ý thức hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác đào tạo, nghiên cứu và giải quyết các vấn đề khó khăn thách thức của khoa học nói chung và ngành Dược nói riêng. Bản thân là nhà khoa học trẻ, tôi tâm niệm, cần có sức bật mạnh mẽ, hội nhập quốc tế hơn nữa để nâng cao vị thế của ngành.
- Là người trong cuộc, bà nhìn nhận như thế nào về vai trò của phụ nữ trong hoạt động khoa học và công nghệ?
- Vai trò của phụ nữ trong hoạt động khoa học, công nghệ đã và đang được đánh giá cao trên nhiều mặt và phương diện. Phụ nữ đã chứng minh khả năng nghiên cứu và đổi mới trong nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ; đặc biệt chú trọng đến việc sử dụng kiến thức khoa học để giải quyết các vấn đề của đời sống như: Khoa học sự sống, sức khỏe, môi trường, phát triển bền vững cùng nhiều lĩnh vực khác…
Phụ nữ đóng góp vào sự đa dạng trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, mang lại các quan điểm, giải pháp nhạy bén và độc đáo. Số lượng phụ nữ có vị trí lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức nghiên cứu và công nghệ ngày càng tăng. Họ đảm nhận vai trò quan trọng trong việc đưa ra quyết định chiến lược và định hình sự phát triển của lĩnh vực.
Phụ nữ cũng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ. Họ là giáo viên, giảng viên, người hướng dẫn, giúp truyền đạt kiến thức, kỹ năng cho thế hệ trẻ. Ở trường tôi, giảng viên, nhà khoa học nữ chiếm phần lớn trong một số lĩnh vực như: Công nghệ sinh học, hóa học, y sinh, dược học, vật liệu và môi trường, tạo ra nguồn lực lớn; đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của nhà trường cũng như lĩnh vực mà các nhà khoa học đang công tác.
PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh. Ảnh: NVCC |
- Từ thực tế bản thân, theo bà, nữ giới làm khoa học gặp nhiều khó khăn, rào cản hơn nam giới?
- Nhìn chung, tôi thấy vậy. Điều này xuất phát từ quan niệm thiên chức phụ nữ là chăm sóc gia đình và sinh con. Làm khoa học đòi hỏi dành nhiều thời gian và tập trung để tìm tòi các ý tưởng, nghiên cứu tài liệu sách vở. Làm khoa học yêu cầu đức tính kiên trì, thực hành thí nghiệm và cho ra các sản phẩm khoa học, công nghệ.
Trong một số lĩnh vực, triển khai hoạt động nghiên cứu rất vất vả do tính chất công việc phải đi thực địa, cần sức khỏe tốt và sự lăn xả. Vì thế, ít nhiều nữ giới không có lợi thế bằng nam giới. Phái đẹp cũng thường được coi là không có nhiều ưu thế trong các lĩnh vực kỹ thuật và công nghệ so với đấng mày râu, nên đôi khi có những rào cản vô hình hạn chế sự thành công của phụ nữ trong khoa học. Do vậy, phụ nữ cần cố gắng nhiều hơn nam giới nếu muốn làm tốt cả việc xây tổ ấm và nghiên cứu khoa học.
Bản thân luôn trang bị cho mình sức khỏe tốt, sắp xếp khoa học và tối ưu để được “sống” nhiều nhất có thể. Tôi cũng khá “tham lam” khi đặt ra cho mình nhiệm vụ kép là cân bằng giữa gia đình và công việc. Tuy nhiên, tập trung vào một nhiệm vụ ở thời điểm cụ thể là liều thuốc tốt giúp tôi làm tốt nhiệm vụ mà không cảm thấy stress hay quá tải.
Nhiều lúc, tôi tận dụng các chuyến đi chơi của gia đình để thực địa hay lấy mẫu. Khi đó, các con cũng được trải nghiệm, xem nhà khoa học làm gì và hỗ trợ tôi nếu có thể. Được gia đình thông cảm, tâm thế tự tin nên tôi không cảm thấy quá nhiều chênh lệch và rào cản để hoàn thành tốt công việc so với các đồng nghiệp nam.
PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh nhận quyết định bổ nhiệm chức danh Phó Giáo sư. Ảnh: USTH |
- Thực tế cho thấy, số lượng nhà khoa học nữ còn khiêm tốn và ít hơn nhiều so với nam giới. Theo bà, tại sao lại có sự chênh lệch này?
- Sự chênh lệch có lẽ xuất phát từ cả hai phía khách quan và chủ quan. Khách quan mà nói, xã hội có nhiều định kiến và rào cản khi phụ nữ làm nghiên cứu khoa học, nhất là các ngành kỹ thuật công nghệ như tôi đã nói trên. Vì thế, khi định hướng nghề nghiệp cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, hay lựa chọn nghiên cứu viên, kỹ thuật viên… có một số ưu đãi dành cho nam giới hơn nữ giới. Dường như cơ hội phát triển với phụ nữ không cân bằng, nhất là các vị trí chủ chốt trong công tác nghiên cứu.
Sự chênh lệch còn có thể đến từ vấn đề thiếu nguồn lực tài chính và hỗ trợ phụ nữ trong tiếp cận chương trình học bổng, cơ hội đào tạo cũng như việc làm trong lĩnh vực khoa học, công nghệ. Về chủ quan, phụ nữ còn nhiều mặc cảm, tự ti khi chọn nghề nghiệp liên quan đến nghiên cứu khoa học. Họ thấy mình thua nam giới ngay từ vạch xuất phát, tự giới hạn và chưa dám vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Thực tế cho thấy, hiện còn thiếu những hình mẫu phụ nữ thành công và lãnh đạo dẫn dắt để truyền cảm hứng cho các bạn nữ đi theo con đường hàn lâm. Đối với ngành Dược, không có quá nhiều chênh lệch giữa nam với nữ vì đặc thù ngành cần có tố chất tỉ mỉ, cẩn trọng và tính chăm sóc. Vì thế, phụ nữ lại có ưu thế trong các lĩnh vực này.
Nghiên cứu sinh của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Ảnh: USTH |
- Theo bà, giải pháp nào để phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ?
- Giải pháp tổng thể cần đến từ chính sách của Nhà nước như: Tạo cơ chế khuyến khích quan điểm tích cực về phụ nữ trong khoa học, ủng hộ đa dạng và xóa bỏ rào cản ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của phụ nữ, nhất là trong nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, cung cấp nguồn lực và hỗ trợ tài chính, thúc đẩy chương trình đào tạo chuyên sâu cho phụ nữ. Từ đó có những chính sách tuyên truyền về bình đẳng giới và trang bị sự tự tin cho các bạn nữ khi lựa chọn ngành nghề này.
Nữ nghiên cứu viên của Viện Hóa học Môi trường Quân sự thực hành phân tích mẫu môi trường. Ảnh: ITN |
- Phát triển nhà khoa học nữ cả về chất và lượng, cần có cơ chế, chính sách gì để khuyến khích?
- Thật ra, sự đa dạng về giới cần thiết với mọi ngành nghề. Nữ giới tạo ra lợi thế bổ sung vô cùng lớn và giúp sức cho sự phát triển chung. Phụ nữ cần ý thức được vai trò quan trọng của mình trong các lĩnh vực chứ không riêng gì khoa học. Tôi đồng ý rằng, nên có những cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nhà khoa học nữ cả về chất và lượng.
Hiện, không có nhiều quỹ nghiên cứu ở Việt Nam có kinh phí dành riêng cho nhà khoa học nữ. Do đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế trong bình đẳng giới để có thể học hỏi kinh nghiệm hay từ các nước phát triển.
- Để phát huy tối đa năng lực của phụ nữ trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, bà đề xuất giải pháp gì?
- Thứ nhất, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích nhà khoa học nữ, tạo ra môi trường làm việc công bằng: Đảm bảo phụ nữ và nam giới có cơ hội và quyền lợi tương đương trong nghiên cứu khoa học, công nghệ. Loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử dựa trên giới tính và khuyến khích sự đa dạng trong môi trường làm việc.
Thứ hai, cung cấp hỗ trợ tài chính và chương trình học bổng để khuyến khích phụ nữ tham gia các lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ. Tổ chức chương trình đào tạo và mentoring (cố vấn) để giúp phụ nữ phát triển kỹ năng, năng lực, nhất là các thế mạnh của họ.
Thứ ba, cần tạo ra sân chơi và diễn đàn để kết nối phụ nữ với những người có kinh nghiệm, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong các tổ chức nghiên cứu và công nghệ, cũng như thúc đẩy chính sách hỗ trợ công việc và cân bằng cuộc sống như chế độ nghỉ thai sản, nghỉ phép linh hoạt…
Trân trọng cảm ơn PGS.TS Nguyễn Thị Kiều Oanh!
Mục tiêu của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (Bộ GD&ĐT) là: Từ năm 2025 trở đi, tỷ lệ nữ thạc sĩ trong tổng số công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ đạt ít nhất 50%; tỷ lệ nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục đạt 40% và 45% vào năm 2030. Tỷ lệ nữ làm chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ do Bộ GD&ĐT quản lý đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 45% vào năm 2030.
Tác giả bài viết: Minh Phong (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc