Một trong những trường đại học thu hút đông đảo sinh viên quốc tế đến học là Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Những năm qua, trường đào tạo ngắn hạn và dài hạn các chuyên ngành sức khỏe cho sinh viên quốc tế đến từ Mỹ, Chile, Anh, Bỉ, Úc, Ấn Độ…
Năm học 2023 - 2024, trường tuyển sinh hơn 4 nghìn sinh viên bậc đại học và sau đại học. Trong đó, có 200 sinh viên Ấn Độ học ngành Bác sĩ Y khoa; chương trình học hoàn toàn bằng tiếng Anh, với 191 tín chỉ trong 6 năm kết hợp thực tập lâm sàng tại các bệnh viện lớn ở TP Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Lâm - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, khi còn là Khoa Y - Nha - Dược của Trường ĐH Cần Thơ những năm 2000, đã có dự án của một tổ chức từ Hà Lan xây dựng chương trình đào tạo nhân lực cho khoa; lúc đó chủ yếu học hỏi nước bạn. Trong bối cảnh hội nhập, Trường ĐH Y Dược Cần Thơ phát triển mạnh hơn hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có mảng đào tạo sinh viên quốc tế.
Hiện, nhiều chương trình giảng dạy bậc đại học của Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã kiểm định chất lượng. Trường là thành viên liên kết mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN). Do đó, sinh viên các nước, nhất là sinh viên Ấn Độ có nhu cầu học ngành Y tại trường ngày càng tăng. Chương trình đào tạo sinh viên nước ngoài giúp nâng cao vị thế của trường trên các bảng xếp hạng đại học quốc tế…
Kavya Selvam - nữ sinh viên Ấn Độ, đang học năm nhất ngành Bác sĩ Y khoa, Trường ÐH Y Dược Cần Thơ cho biết, môi trường học tập thân thiện, thầy cô tận tâm truyền thụ kiến thức nên em yên tâm học tập. Nữ sinh chọn học ngành Bác sĩ Y khoa tại Việt Nam vì đam mê chuyên ngành này và đây cũng là thế mạnh đào tạo của nhà trường.
Cùng đó, học phí và sinh hoạt phí ở đây thấp hơn so với Ấn Độ; trong khi chất lượng đào tạo Y khoa vốn là thế mạnh của Việt Nam. “Sau khóa học, với kiến thức về phẫu thuật thần kinh, tôi sẽ tham gia phẫu thuật miễn phí ở Ấn Ðộ, Việt Nam mỗi năm 1 - 2 lần”, Kavya Selvam chia sẻ.
Trao đổi về công tác đào tạo cho sinh viên nước ngoài, TS Cao Thị Tài Nguyên - Trưởng bộ môn Sinh học di truyền, Khoa Khoa học cơ bản (Trường ĐH Y Dược Cần Thơ) cho biết: “Vất vả nhất là 3 tuần đầu phải dùng AI để làm quen và thiết lập phương pháp giảng dạy. Có khi mất cả tháng để làm quen, nhớ tên họ của sinh viên. Hơn 15 năm giảng dạy, tôi luôn tâm niệm nỗ lực nâng cao trình độ, cập nhật tài liệu và ứng dụng công nghệ vào bài giảng, để có thể đáp ứng yêu cầu học thuật trong môi trường đa quốc gia hiện nay”.
Sinh viên Ấn Độ học ngành Bác sĩ đa khoa tại Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. |
Trường ÐH Cần Thơ từ những năm 1990 đã thiết lập hợp tác với 80 viện, trường, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ khắp các châu lục, từ đó xây dựng chương trình đào tạo liên trường, đa quốc gia.
Dấu mốc trong hợp tác quốc tế khi Trường ĐH Cần Thơ là 1 trong 2 trường đại học ở châu Á được chọn tham gia Chương trình MHO (viện trợ của Chính phủ Hà Lan). Theo PGS.TS Trần Trung Tính - Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, trường đã cử 21 ứng viên tham gia Chương trình Mekong 1.000 sinh viên theo học thạc sĩ và tiến sĩ tại các viện, trường của Hà Lan.
Những sinh viên này làm cầu nối hợp tác giữa đối tác Hà Lan và các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long. Trường và các đối tác Hà Lan có 15 dự án chung với tổng ngân sách khoảng 395.030 euro được triển khai; 6 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận được ký kết.
Bên cạnh đó, Chương trình Mạng lưới VLIR Việt Nam được tài trợ bởi Hội đồng các trường đại học liên kết phía Bắc Vương quốc Bỉ, nhằm thiết lập mạng lưới hợp tác giữa các trường đại học vùng Flander (Bỉ) và trường đại học Việt Nam để phát triển, củng cố mối quan hệ giữa các viện, trường.
Đồng thời đào tạo sau đại học trình độ thạc sĩ, cấp bằng trình độ tiến sĩ dựa trên nghiên cứu về sinh học thực phẩm. Trường ĐH Gent (Bỉ) và Trường ĐH Cần Thơ là 2 đơn vị điều phối chính. Ngoài ra còn có sự phối hợp của 4 viện, trường thành viên ở Việt Nam. Sau 10 năm (2013 - 2023), chương trình đã đào tạo được 102 thạc sĩ.
Trường Thủy sản là một trong các đơn vị của Trường ĐH Cần Thơ thụ hưởng Chương trình VLIR; đã đào tạo đến khóa thứ 6, với 59 học viên tốt nghiệp, còn 6 học viên tốt nghiệp vào đầu năm 2024. Giảng viên giảng dạy chương trình này được tập huấn ở Bỉ về phương pháp giảng dạy, nâng cao năng lực tiếng Anh, tham gia các chương trình trao đổi…
Theo GS.TS Vũ Ngọc Út - Hiệu trưởng Trường Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ), Chương trình VLIR được thực hiện rất thành công vì các học viên tốt nghiệp về nước hoặc làm việc ở Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả vào thực tế địa phương. Ngoài ra, trường còn có chương trình đào tạo tiên tiến bậc đại học ngành Nuôi trồng thủy sản.
Chương trình được phát triển trên cơ sở áp dụng nội dung đào tạo của Trường ĐH Auburn, Alabama, Mỹ; dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. “Trường còn có một số chương trình, dự án hợp tác với các nước trong đào tạo, nghiên cứu khoa học lĩnh vực thủy sản. Những hoạt động này thể hiện xu hướng phát triển, vị thế của trường trong hội nhập”, GS.TS Vũ Ngọc Út nhấn mạnh.
Từ năm 2015, Trường ĐH Cửu Long đã hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho Lào và Campuchia. Tính đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và đào tạo cho hơn 500 lưu học sinh. Trường hiện có 28 ngành với 75 chuyên ngành đào tạo thuộc 4 lĩnh vực gồm: Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Tài chính, Khoa học sức khỏe, Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Quy mô đào tạo gần 21.000 sinh viên; trong đó có khoảng 200 lưu học sinh nước ngoài (Lào, Campuchia và Hàn Quốc) theo học. PGS.TS Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết: Năm học 2023 - 2024, trường tiếp nhận 2.235 tân sinh viên trúng tuyển 27 ngành đào tạo; trong đó có 44 lưu học sinh đến từ Lào và Campuchia.
Đặc biệt, nhà trường quyết định cấp học bổng toàn phần (miễn 100% học phí) cho 44 tân sinh viên là lưu học sinh nước ngoài (34 Lào, 8 Campuchia). Trao quyết định cấp học bổng 50% toàn khóa cho 2 tân sinh viên là lưu học sinh Lào. Trong năm 2024, Trường ĐH Cửu Long tiếp tục nhận lưu học sinh các nước đến học, gồm: Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka…
Tác giả bài viết: Nguyễn Ngữ
Ý kiến bạn đọc