Kết hợp với phân tích kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I, giáo viên sẽ tư vấn để có sự điều chỉnh phù hợp với năng lực học tập của từng học sinh. Trong tổ chức ôn tập, thầy cô giáo cũng ưu tiên cho mục tiêu chống trượt.
Với đặc điểm đầu vào thấp, lại nằm ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, Trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị) chủ trương tăng tiết ôn tập đối với 3 môn Toán, Ngữ văn và Anh văn ngay từ đầu năm học.
Qua đăng ký tham khảo, hầu hết học sinh lớp 12 của Trường THPT Hướng Phùng đều chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội nên nhà trường có nhiều thuận lợi trong tổ chức ôn tập. Việc này được tăng cường ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với 3 môn thi bắt buộc, trường tổ chức ôn tập trái buổi với số lượng 2 tiết/môn/tuần để củng cố kiến thức và luyện những dạng bài cơ bản cho học sinh. Từ kết quả bài thi kiểm tra cuối học kỳ I, chúng tôi thử cộng điểm trung bình thì có khoảng 7% học sinh có nguy cơ trượt tốt nghiệp. Từ đây, nhà trường tăng cường tổ chức phụ đạo thêm cho em có học lực trung bình - yếu”.
Theo đó, giáo viên phải tập trung vào việc củng cố, hệ thống lại kiến thức, giúp các em nắm được những nội dung, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi, không tham lam, ôm đồm kiến thức trong quá trình ôn tập.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây, Quảng Ngãi) cũng tập trung cho mục tiêu chống trượt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Thầy Hiệu trưởng Phạm Văn Nam cho biết: “Trên cơ sở phân tích kết quả học tập, 100% học sinh lớp 12 đều được định hướng chọn đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. Trong thời gian còn lại, giáo viên dạy theo chủ trương “học đến đâu ôn thi đến đấy” và tăng cường thời gian dò bài dưới nhiều hình thức như trả lời phiếu hỏi, kiểm tra bài toàn lớp...”.
Với đặc điểm đầu vào thấp, Trường Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng tiết tự chọn để tăng tiết cho 3 môn thi bắt buộc từ học kỳ I, tổ chức song song dạy học và ôn tập theo hình thức cuốn chiếu. Theo thầy Phạm Văn Nam, sau khi kiểm tra cuối học kỳ II, nhà trường sẽ tổ chức ôn tập tăng cường cho 6 môn thi tốt nghiệp theo dạng chuyên đề để vừa củng cố kiến thức vừa dành thời gian giúp học sinh làm quen với nhiều dạng bài tập.
“Bài tập sẽ chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, có thể bổ sung thêm các câu hỏi ở mức vận dụng nhưng không nhiều. Cứ “xới” đi “xới” lại nhiều lần như thế, chúng tôi tin là các em sẽ nắm vững kiến thức cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi”, thầy Nam chia sẻ.
Học sinh lớp 12, Trường THPT Lý Sơn được phổ biến về kế hoạch ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: NTCC |
Trường THPT Lý Sơn (Lý Sơn, Quảng Ngãi) chỉ tổ chức tăng tiết ôn tập tại trường với 3 môn Ngữ văn, Toán và Anh văn. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Huỳnh Văn Long: “Do năm học này, nhà trường thiếu phòng học nên với các môn thi trong bài thi tổ hợp, tùy theo nhu cầu của học sinh, giáo viên có thể chủ động sắp xếp lớp ôn tập phù hợp”. Theo đó, giáo viên bộ môn sẽ hệ thống lại các kiến thức của học kỳ I, hướng dẫn học sinh tự học có sự giám sát của giáo viên. Linh hoạt thời gian ôn tập ngay trong các tiết học là chủ trương của Trường THPT Lý Sơn.
Với khoảng 7 học sinh có dự định đăng ký dự thi bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên, Trường THPT Hướng Phùng yêu cầu giáo viên bộ môn hướng dẫn phương pháp tự học, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho học sinh, cung cấp các đề thi tham khảo, sửa bài tập… Thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho hay: Những học sinh này có mục tiêu cao hơn, hướng đến sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, cao đẳng nên giáo viên cần hướng dẫn học sinh thêm ở những câu hỏi, bài tập ở mức vận dụng và vận dụng cao.
Ở một hướng khác, thầy Nguyễn Hữu Thịnh nhận xét: “Học sinh vẫn có quan niệm các môn thi trong tổ hợp môn Khoa học xã hội là môn học thuộc. Thế nhưng, nếu không biết cách học, học theo kiểu nhồi nhét, học gạo cũng khó đạt kết quả như mong đợi”. Chính vì vậy, các trường THPT đều chú trọng hướng dẫn học sinh kinh nghiệm học từng bộ môn.
Về phương pháp ôn tập, đối với các môn Toán, Anh, Anh văn, Địa lý, với phần bài tập, ít nhất học sinh phải hiểu bài bằng cách ngay trong ngày, các em làm đi làm lại nội dung mà thầy cô đã ôn tại lớp. Đối với môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, phần tác giả, tác phẩm của môn Ngữ văn, học sinh phải ghi nhớ kiến thức theo hướng dẫn của giáo viên. Thầy cô cùng học sinh lập kế hoạch cho từng môn, từng ngày và tăng cường thời gian dò bài.
Tuy không tổ chức các lớp ôn tập theo mức độ tiếp nhận của học sinh, nhưng Trường THPT Hướng Phùng chủ trương: Giáo viên sẽ xây dựng nội dung ôn tập, các kiến thức cần nắm vững, phù hợp với từng nhóm học sinh theo hướng bám sát… và phát cho mỗi em để có cách học phù hợp.
Thầy Nguyễn Hữu Thịnh cho biết, với cách tổ chức này, giáo viên dễ quản lý lớp học và học sinh cũng ít bị xáo trộn tâm lý. Với em không có nguyện vọng thi tốt nghiệp, nhà trường vừa động viên, thuyết phục nhưng cũng theo dõi sát để hỗ trợ cho các em khi cần thiết. Mỗi năm, Trường THPT Hướng Phùng có từ 2 - 3 em chỉ có nguyện vọng hoàn thành chương trình lớp 12 và không đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Tác giả bài viết: Hà Nguyên
Ý kiến bạn đọc