TS Phạm Thị Thuý, Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (tại TPHCM)
Bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh
Tôi vẫn luôn nhắc nhở học sinh, sinh viên cũng như mọi người: Hãy bình tĩnh sống. Câu nói này nó thực sự chứa nhiều ý nghĩa. Ở trong mọi hoàn cảnh chúng ta hãy học cách bình tĩnh. Bình tĩnh để tiếp nhận, đối mặt và tìm ra cách xử lý, giải quyết vấn đề phù hợp.
Cụ thể về dịch bệnh do virus Corona, khi đọc được hàng trăm nghìn thông tin trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng… chắc hẳn ban đầu phụ huynh ai cũng hoang mang. Từ việc hoang mang dẫn đến lo lắng, bất an. Chúng ta hãy bình tĩnh tiếp nhận thì mới kiểm chứng được thông tin đó là chính xác hay bịa đặt. Và bình tĩnh để tìm hiểu kĩ về cách phòng ngừa.
Không ít người nghe thông tin không đầy đủ, chính xác vẫn nghĩ rằng đeo khẩu trang sẽ an toàn tuyệt đối mà quên đi, nó phải kết hợp với việc rửa tay thường xuyên bằng nước diệt khuẩn, phải giữ sức khoẻ tốt, ăn chín uống sôi, tập luyện thể thao, chuẩn bị bình nước riêng, nước rửa tay diệt khuẩn cá nhân… hạn chế tụ tập đông người, hay khẩu trang vải thông thường cũng có thể sử dụng được, chỉ cần ta giặt sạch hằng ngày.
Thực ra những việc làm này, với nhiều người đó là bình thường, diễn ra hằng ngày để họ bảo vệ sức khỏe. Nhưng với nhiều người… trở thành xa lạ, cho đến khi có dịch mới… chợt nhận ra.
Việc đối mặt với dịch bệnh hay thiên tai với người dân nước ta bao năm nay không phải là chuyện xa lạ, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhưng chúng ta cần học cách để tiếp nhận nó và cùng chung tay tìm ra những giải pháp, thực hiện tốt việc của mỗi bản thân: Sống khỏe để bảo vệ chính mình và người xung quanh. Việc không xả rác bừa bãi, hạn chế rác thải nhựa, ăn uống hợp vệ sinh, tập luyện thể dục thường xuyên… phải trở thành một thói quen, lối sống của từng người. Chỉ khi đó, khi dịch đến, chúng ta đều có cách để ứng phó, tiếp nhận các biện pháp một cách nhanh nhất và không hoang mang lo sợ.
Ảnh minh họa/ INT |
Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu Trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM):
Chủ động phương án học tập
Nghỉ học để tránh dịch bệnh, tôi cho rằng đó là một quyết định đúng và phù hợp thời điểm này, khi dịch bệnh đang diễn biến phực tạp.
Tuy nhiên, cũng nhiều phụ huynh hỏi, liệu các con nghỉ có ảnh hưởng đến học tập hay không. Tôi trả lời, không. Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT), các con vẫn có thể học online. Các thầy cô giáo từ lâu cũng đã được tập huấn cũng như chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT trong quá trình giảng dạy. Vì vậy, nhà trường cần phải chủ động trong việc dạy học online trong mùa dịch, khi buộc phải cho học sinh nghỉ học.
Trường THCS Nguyễn Du cũng như rất nhiều nhiều trường học khác tại TPHCM đã triển khai hướng dẫn học sinh ôn tập, tìm hiểu kiến thức qua YouTube, mạng xã hội và các phần mềm của Microsoft. Chúng tôi đã tiến hành họp tổ bộ môn và hiện các thầy cô từng tổ giao bài tập (củng cố kiến thức đã học) online, quay clip đưa lên YouTube để hướng dẫn học sinh ôn tập, hệ thống kiến thức đã học…
Tất cả cũng được đưa lên trang trông tin điện tử của trường để học sinh, phụ huynh theo dõi. Mục đích là đảm bảo cho học sinh củng cố kiến thức đã học sau thời gian nghỉ dài vừa qua, bên cạnh đó hướng dẫn các em tìm hiểu trước phần kiến thức trong tuần 22 (tuần được nghỉ). Khi các em đi học trở lại, trường sẽ sắp xếp lại cấu trúc chương trình học kỳ 2 theo khung thời gian thực tế để đảm bảo cung cấp đầy đủ nội dung kiến thức cho các em trong thời gian được nghỉ để phòng tránh dịch bệnh.
Đặc biệt, các thầy cô cũng đều có sẵn các công cụ, phương tiện liên lạc thường xuyên với phụ huynh, học sinh để trao đổi khi cần. Ví dụ, các em có thắc mắc gì, câu hỏi nào, vào khung nhất định, thầy cô sẽ video call qua các phần mềm Zalo, Facebook, Skype để giải đáp, hướng dẫn. Chúng tôi cũng chuẩn bị những bài tập nhỏ, các em có thể test để kiểm tra kiến thức đã học, tránh việc nghỉ lâu sẽ bị quên kiến thức.
Thầy Trần Minh, trợ lý thanh niên Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận 6, TPHCM):
Thường xuyên làm vệ sinh, môi trường học đường
Chúng ta không đợi đến lúc có dịch mới lo phòng dịch. Dù trong thời điểm dịch hay khi không có dịch, các trường học luôn chủ động các biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường học tập cho học sinh.
Ở Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, các biện pháp tổng vệ sinh, khử khuẩn ở các lớp học, khu vực căng tin, khu nội trú được thường xuyên… Đồng thời, tuyên truyền, giáo dục học sinh về các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà bông diệt khuẩn, ăn chín uống sôi, ngủ đủ giấc, rèn luyện sức khoẻ, giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh nơi công cộng: Không vứt rác bừa bãi, không khạc nhổ nơi công cộng…
Vì vậy, đứng trước diễn biến của dịch bệnh, nhà trường không bị động mà luôn chủ động trong việc phòng chống dịch như tiến hành khảo sát điều tra trong thời gian nghỉ Tết, nếu có học sinh đi du lịch Trung Quốc sẽ được tư vấn các biện pháp, cũng như liên hệ với gia đình để theo dõi, thăm khám sức khoẻ kịp thời. Trước ngày đón học sinh trở lại (có dịch bệnh hay không), nhà trường luôn phân công người trực, liên tục vệ sinh sạch sẽ bằng dung dịch Cloramine B.