Chị Tạ Thị Minh Trang (Quận 10) có con 3 tuổi đang học tại một trường mầm non công lập ở TPHCM. Hằng ngày, hai vợ chồng chị Trang đưa con đến lớp vào buổi sáng rồi đón con về lúc 17 giờ. Con nghỉ hè khiến hai vợ chồng cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi khi phải tìm chỗ giữ con.
“Điều kiện 2 bên gia đình không phù hợp để gửi con về quê nên sau nhiều lần tính toán, tôi quyết định thuê người giúp việc để trông trẻ”, chị Trang nói.
Con gái tôi 4 tuổi của chị Nguyễn Minh Uyên (quận Bình Thạnh) vừa được nhà trường thông báo nghỉ hè. Trước đó, chị có liên hệ nhiều nơi để nhờ tư vấn đăng ký lớp học bổ trợ năng khiếu cho con, cũng là để có người trông con giúp.
Tuy nhiên, chị Uyên vẫn chưa thể tìm được lớp học phù hợp vì đa số các lớp chỉ nhận dạy 2-4 buổi/tuần trong khi nhu cầu của chị là trông giữ con toàn thời gian.
"Hiện tôi đang nhờ bà ngoại ở quê lên thành phố để trông bé khoảng nửa tháng, chờ ngày trường mầm non bắt đầu nhận giữ trẻ hè", người mẹ trẻ chia sẻ.
Trẻ học lớp Chồi, trường Mầm non Thiên Ân, TP Thủ Đức. (Ảnh: NTCC) |
Cũng trong tình cảnh con bước vào kỳ nghỉ hè, bố mẹ lại quá bận rộn, gia đình anh Đoàn Hải Du (TP Thủ Đức) nghĩ đến phương án gửi con về quê với ông bà. Anh Du cho rằng, trẻ em nên có một mùa hè ý nghĩa với không gian mới lạ thay vì chỉ loanh quanh từ nhà đến trường.
"Vì thế, tôi quyết định gửi con về quê chơi, vừa được gần gũi ông bà lại giúp con có nhiều hoạt động ở làng quê mà trong năm học con không được trải nghiệm", anh Du cho biết.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng hỏi han, chia sẻ chuyện cho con học gì, ở đâu dịp hè này. Thậm chí, nhiều phụ huynh ngay từ đầu tháng 5 đã lên kế hoạch đăng ký các khóa học hè cho con.
Sở GD&ĐT TPHCM vừa có công văn hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức hoạt động hè 2024 theo nhu cầu gửi trẻ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, việc tự nguyện đăng ký tham gia của giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị. Thời gian tổ chức giữ trẻ trong hè từ ngày 17/6 đến hết ngày 16/8.
Theo đó, các Phòng GD&ĐT quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ lên kế hoạch kiểm tra hoạt động cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, ban ngành đoàn thể giám sát hoạt động giữ trẻ.
Các đơn vị cũng phân công cán bộ quản lý trực, giải quyết công việc, thực hiện các nội dung báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.
Đối với các cơ sở giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT TPHCM đề xuất khung thời gian giữ trẻ, xây dựng kế hoạch tổ chức giữ trẻ trong hè đảm bảo chế độ sinh hoạt cho trẻ, tăng cường các hoạt động vui chơi, trải nghiệm.
Các trường, lớp mầm non tổ chức câu lạc bộ kỹ năng rèn luyện thể lực; duy trì chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, chế độ dinh dưỡng theo quy định.
Đồng thời, nghiêm túc thực hiện phòng, chống dịch bệnh, an toàn sức khỏe cho trẻ, an toàn trường học, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đối với trẻ mới đến nhập học, Sở yêu cầu nhà trường tạo điều kiện cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ đưa trẻ vào làm quen với trường, nhóm, lớp và các chế độ sinh hoạt…
Số lượng giáo viên trên trẻ đảm bảo theo quy định, tạo điều kiện để giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng tập huấn.
Giáo viên trường mầm non ở TP Thủ Đức, TPHCM cho trẻ ăn bữa trưa. (Ảnh minh họa: Lê Nam) |
Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị phân công giáo viên phụ trách nhóm/lớp cho năm học 2024-2025 ngay thời điểm hè nhằm tạo điều kiện cho giáo viên nghiên cứu nội dung chương trình theo lứa tuổi và có thời gian thiết kế xây dựng môi trường giáo dục.
Cán bộ quản lý, chủ nhóm lớp tăng cường kiểm tra giám sát việc tổ chức hoạt động theo lịch phân công của đơn vị.
Ngoài ra, trong thời gian hè, các cơ sở giáo dục mầm non nếu có xây dựng, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất cần đảm bảo an toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của trẻ.
Ý kiến bạn đọc