Phụ huynh HS có quyền chọn lựa SGK
Trước một số ý kiến cho rằng, việc xuất hiện vai trò của phụ huynh học sinh (PHHS) trong hội đồng lựa chọn SGK không mang nhiều giá trị bởi việc lựa chọn SGK đòi hỏi chuyên môn. Trong khi đó, ĐDBCMHS chưa chắc đã đáp ứng được tiêu chí này…
GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định sự xuất hiện của ĐDBCMHS là cần thiết bởi rất nhiều lý do.
Trước hết, nhìn ra thế giới việc lựa chọn SGK đều mời PHHS cùng tham gia vào quá trình lựa chọn. Bởi PHHS ngày nay khá gắn bó với việc hướng dẫn, dạy con học tại nhà, như vậy họ cũng cần biết SGK ra sao để hướng dẫn con học.
Mặt khác, các vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… địa phương, chắc chắn PHHS có sự am hiểu nhất định. Với những kiến thức, hiểu biết của mình, họ hoàn toàn có thể đóng góp tốt cho việc lựa chọn SGK.
Hơn nữa hiện nay, nếu theo dõi các phương tiện thông tin đại chúng, PHHS đang đóng góp nhiều ý kiến trong các vấn đề giáo dục. Nếu không đưa PHHS vào thành phần lựa chọn là một khiếm khuyết trong việc phát huy trí tuệ cũng như quyền và trách nhiệm của họ trong việc lựa chọn SGK. Và xét về quyền lợi, ĐDBCMHS, PHHS tất nhiên phải được nằm trong thành phần lựa chọn SGK cho con em mình học.
Ảnh minh họa/ INT |
Nâng cao trách nhiệm thành viên hội đồng
Vai trò và quyền được tham gia hội đồng lựa chọn SGK của ĐDBCMHS là không thể bàn cãi. Điều quan trọng làm sao để ĐDBCMHS thể hiện tốt vai trò chọn SGK mà thôi.
Theo GS Đinh Quang Báo: Hội đồng chọn lựa SGK phải tạo điều kiện để PHHS được tiếp cận với bản mẫu SGK mới để họ cùng tìm hiểu, nghiên cứu và đóng góp ý kiến, quan điểm của mình. Hội đồng lựa chọn SGK cũng có trách nhiệm giải thích, tập huấn, thảo luận… để ĐDBCMHS có được hướng tiếp cận, định hướng khoa học, đúng hướng. Từ đó, ĐDBCMHS sẽ có sự lựa chọn đúng đắn.
Mặt khác, với PHHS nằm trong thành phần lựa chọn SGK cũng cần có ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu về các bản mẫu SGK. Hiện nay, 100% các NXB đã đưa các bản mẫu dưới dạng PDF, giới thiệu, tư vấn... lên các trang mạng. Như vậy, ĐDBCMHS có thể chủ động truy cập để tìm hiểu về SGK.
GS Đinh Quang Báo cho rằng: Chúng ta không nên đòi hỏi ĐDBCMHS, PHHS là những chuyên gia về SGK. Nhưng chúng ta hãy tin rằng, PHHS bỏ tiền ra mua, là khách hàng của SGK thì không lý gì họ không biết về thứ mình mua. Nên được tìm hiểu, thảo luận cùng nhau, với GV về SGK…, chắc chắn họ sẽ có sự quyết định tốt nhất.
Cũng tán thành với quan điểm của GS Đinh Quang Báo trong việc khẳng định vai trò của ĐDBCMHS trong thành phần lựa chọn SGK, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) nói: Để lựa chọn một bộ SGK phù hợp với điều kiện của địa phương và điều kiện dạy và học..., quan trọng nhất vẫn là nâng cao trách nhiệm, chuyên môn của những thành phần trong hội đồng lựa chọn, trong đó có ĐDBCMHS.
Có thể, ĐDBCMHS đa dạng về ngành nghề, năng lực, trình độ, chưa thực sự hiểu hết về SGK thì các thành phần khác trong hội đồng lựa chọn với đầy dủ năng lực, trình độ có thể giúp họ. Cần nhất để ĐDBCMHS có khoảng thời gian đủ để tham khảo, đọc, nghiên cứu các bộ SGK mẫu, từ đó sẽ có sự lựa chọn phù hợp.