Trường THPT Xuân Áng nằm trên địa phận xã Xuân Áng, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ là nơi có địa dư hành chính gần với khu Di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ. Truyền thống nhà trường từ lâu đã gắn bó mật thiết với các hoạt động tại khu di tích này. Bởi vậy, nhà trường đã lựa chọn mô hình “Trường học gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ” để triển khai thực hiện.
Thầy Bùi Chương An – Hiệu trưởng trường THPT Xuân Áng cho biết: Để việc thực hiện mô hình đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm học nhà trường đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện mô hình, xây dựng kế hoạch thực hiện một cách bài bản và có lộ trình cụ thể: từ việc khảo sát thực tiễn khu di tích lịch sử đền Mẫu Âu Cơ và tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ; biên soạn tài liệu giảng dạy; tổ chức dạy học theo kế hoạch; tổ chức các hoạt động thực tiễn tại khu di tích (tham quan, tình nguyện, phục vụ lễ hội…).
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị như: Phòng Văn hóa huyện Hạ Hòa, Đài truyền thanh Hạ Hòa, BQL khu Di tích Đền Mẫu Âu Cơ, UBND xã Hiền Lương, Ban đại diện Hội cha mẹ học sinh… làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và ủng hộ về mọi mặt để việc thực hiện mô hình đạt hiệu thiết thực.
Một giờ học tại thực địa của thầy trò trường THPT Xuân Áng |
Với sự đam mê nghề nghiệp, các thầy cô đã tiến hành 10 giờ dạy tại khu di tích đền Mẫu Âu Cơ, gồm các bộ môn: Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, Giáo dục công dân.
Ngoài ra, có 15 giờ học tại lớp được tích hợp các nội dung gắn với Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ. Các giờ học đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các em học sinh, rèn luyện cho học sinh kỹ năng giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, ứng xử, giải quyết tình huống, biết bày tỏ quan điểm, suy nghĩ, tình cảm của mình, biết hợp tác, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong các hoạt động tập thể…
Các giờ học này cũng góp phần định hướng và tư vấn nghề nghiệp đúng đắn cho học sinh, trong đó có nghề làm hướng dẫn viên du lịch.
Nhà trường không chỉ chú trọng vào các hoạt động dạy học mà đề cao cả hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp bằng việc tổ chức cho học sinh tham quan thực địa, tình nguyện chăm sóc khuôn viên khu di tích, tham gia các hoạt động phục vụ lễ hội thường niên…
Thông qua những hoạt động gần gũi này, các em thêm yêu những cảnh vật, di sản của quê hương, thấy được trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ những di sản vật thể và phi vật thể gắn với khu di tích, phát huy hơn nữa tinh thần hướng về nguồn cội, truyền thống đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Việc thực hiện tốt mô hình đã góp phần tăng cường sự phối hợp giữa GD nhà trường với GD gia đình, cộng đồng và xã hội, tạo điều kiện để nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa GD; góp phần đẩy mạnh việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh theo tinh thần Nghị quyết số 29 đối với các môn học Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn, GD Công dân, hoạt động GD ngoài giờ lên lớp; giúp học sinh nâng cao nhận thức về các giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Mẫu Âu Cơ, từ đó có ý thức và những việc làm đúng đắn, thiết thực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tín ngưỡng.