Quản lý trường phổ thông: Một số vấn đề cấp thiết cần đổi mới

Thứ ba - 30/04/2019 08:23 486 0

Quản lý trường phổ thông: Một số vấn đề cấp thiết cần đổi mới

GD&TĐ - NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm - Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) – nêu ra một số vấn đề cấp thiết cần đổi mới trong công tác quản lý các trường phổ thông để nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay.

Quản lý theo mục tiêu chất lượng

Vấn đề đầu tiên TS Nguyễn Tùng Lâm đề cập đến là thực hiện quản lý chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT) và GDPT chất lượng cao với quan điểm: Tạo ra chất lượng giáo dục phải là việc làm của cả hệ thống. Nhưng người trực tiếp làm ra chất lượng giáo dục, chính là các cơ sở GD-ĐT và họ phải thấy chất lượng giáo dục là lẽ sống còn của mỗi nhà trường, không có chất lượng thì cơ sở GD-ĐT đó không có lý do tồn tại.

Hình thức quản lý theo mục tiêu chất lượng mới là hình thức quản lý phù hợp với mục tiêu quản lý lâu dài của ngành, đồng thời cũng phù hợp sự phát triển khoa học quản lý thời cơ chế thị trường. Chỉ có chất lượng, các cơ sở GD-ĐT mới thu hút học sinh, mới bảo đảm nhịp độ phát triển bền vững, chống được những cách làm chỉ chạy theo số lượng, tùy tiện, hạ thấp yêu cầu giáo dục toàn diện như một số cơ sở GD-ĐT vẫn đang làm lâu nay.

Chất lượng giáo dục quan trọng như vậy, nên theo TS Nguyễn Tùng Lâm, các nhà trường phổ thông cần phải nắm rõ: Thế nào là một cơ sở GDPT có chất lượng giáo dục? Để có chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục phải xây dựng, làm tốt những yếu tố cơ bản nào? Làm thế nào để làm tốt được những yếu tố đó?

Vận dụng những quy luật tích cực của cơ chế thị trường

Vận dụng những quy luật tích cực của cơ chế thị trường để đổi mới công tác quản lý các nhà trường phổ thông mới tạo chất lượng giáo dục bền vững. Với quan điểm này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, để thực thi quản lý cả hệ thống theo quy luật tích cực của cơ chế thị trường thì hệ thống đó phải cực kỳ linh hoạt, chuyên nghiệp, và quan trọng phải phân cấp triệt để cho cơ sở được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước mục tiêu bảo đảm chất lượng toàn diện của mỗi cơ sở.

Quản lý trường phổ thông: Một số vấn đề cấp thiết cần đổi mới - Ảnh minh hoạ 2
TS Nguyễn Tùng Lâm. Ảnh: TG 

Nghị quyết 29/NQ-TW đã nêu “phải phân định công tác quản lý Nhà nước và quản trị của các cơ sở GD-ĐT”. Toàn hệ thống quản lý GD-ĐT phải thay đổi cách quản lý, không làm thay bất cứ việc gì nếu đấy là việc của cơ sở. Hệ thống quản lý giáo dục ở các cấp trên cơ sở chỉ tập trung làm chính sách, giám sát hệ thống. Phát hiện những nơi yếu kém, những nơi khó khăn để tập trung nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ.

Muốn tạo ra sự thay đổi này, CBQL giáo dục các cấp không chỉ thay đổi cách thức chỉ đạo mà quan trọng là phải thay đổi triệt để nhận thức của cả hệ thống.

Thiết lập và trao quyền tự chủ cho các trường phổ thông công lập

Với nội dung này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, tự chủ ở các trường phổ thông công lập là phải làm được việc cốt yếu “trao hiệu trưởng được quyền dẫn dắt thầy, trò đổi mới để có đầu ra tốt hơn trong dạy và học”, “được quyền kiểm soát mọi nguồn lực để thúc đẩy đổi mới phù hợp với phân cấp quản lý của Nhà nước trao”.

Để Nhà nước có thể trao quyền tự chủ, mỗi cơ sở GD-ĐT phải tự nhận thức, tự phấn đấu hoàn thiện mình theo đúng yêu cầu quy chế nhà nước quy định, phải thật sự học tập, rèn luyện để đủ năng lực, phẩm chất và phải đạt trình độ nhất định, Nhà nước mới trao quyền. Đây là thử thách lớn với CBQL của các cơ sở GD-ĐT công lập. Có đủ năng lực phẩm chất thì tồn tại, không đủ năng lực, phẩm chất sẽ phải có người thay thế.

Tuy vậy, cơ chế tự chủ ở các trường công lập cũng có mặt trái của nó. Do đó, nghiên cứu cơ chế tự chủ ở các trường công lập, cần thấy rõ cả 2 mặt để khi triển khai phải có giải pháp ngăn chặn mặt trái, phát huy mặt tích cực.

Những giải pháp được TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ nhằm góp phần giải quyết tốt các vấn đề này một cách thực tế, hiệu quả gồm: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GD-ĐT công lập phải sớm được luật hóa; tổ chức đào tạo bồi dưỡng CBQL các nhà trường có đủ năng lực phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm; mỗi địa phương giai đoạn đầu phải xây dựng được những mô hình trường tự chủ; phát huy tối đa quyền dân chủ trong mỗi nhà trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm; thực hiện giám sát các chủ thể trong nhà trường và xã hội.

Quản lý trường phổ thông: Một số vấn đề cấp thiết cần đổi mới - Ảnh minh hoạ 3
 Ảnh minh họa

Nâng cao vai trò, năng lực CBQL, giáo viên, người học

Về giải pháp này, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: Mỗi trường học muốn thành công đều có cách đi riêng trong tổ chức quản lý nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ nhà giáo, tập hợp lực lượng, xây dựng nguồn lực… Quan sát những mô hình giáo dục thành công trong nền kinh tế thị trường, trong giai đoạn đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT hiện nay, mỗi hiệu trưởng đều phải đứng vững, giải quyết đồng bộ cả 3 yếu tố cơ bản: Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo; tổ chức và quản lý chất lượng giáo dục; vận dụng tiến bộ khoa học giáo dục, khoa học quản lý để bồi dưỡng đội ngũ, đổi mới phương thức giáo dục, phương pháp quản lý.

Hiệu trưởng phải là người hỗ trợ đắc lực để mỗi nhà giáo thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục; phải thấm nhuần những yêu cầu, tiêu chuẩn của người cán bộ quản lý trường học. Bộ GD&ĐT đã ban hành chuẩn hiệu trưởng các cơ sở GDPT. Hy vọng thực hiện được những tiêu chuẩn này, chúng ta sẽ có đội ngũ CBQL, các hiệu trưởng có đủ phẩm chất năng lực thực hiện đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường phổ thông.

Với đội ngũ giáo viên phổ thông, TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra một số giải pháp để sớm nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong đó có việc cần đổi mới nhận thức về bồi dưỡng tay nghề nhà giáo. Cách bồi dưỡng đến đâu cấp chứng chỉ đến đó sẽ dần dần tuyển chọn được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có nghiệp vụ, có tay nghề và làm việc chuyên nghiệp hơn. Giáo viên nào nhiều lần không lấy nổi chứng chỉ phải chuyển ngành. Xây dựng trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ tay nghề nhà giáo ở các tỉnh, thành, quận, huyện. Cuối cùng, đặc biệt quan trọng là phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng…

Tác giả bài viết: Hải Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập730
  • Hôm nay37,976
  • Tháng hiện tại316,106
  • Tổng lượt truy cập51,672,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944