Việc giữ ổn định phương án tuyển sinh giúp thí sinh thuận lợi trong việc đăng ký xét tuyển.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BGDĐT ngày 6/3/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Theo đó, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 về cơ bản được giữ ổn định như giai đoạn 2020 - 2023, đặc biệt là giữ nguyên như Kỳ thi năm 2023. Bộ GD&ĐT chỉ thực hiện một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật trong quy chế để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thi trên cả nước.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và Phát triển thương hiệu, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM nhận xét, cấu trúc đề thi và phương thức thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo tính ổn định với 5 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và tổ hợp các môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc (Lịch sử, Địa lý) đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT. Về nội dung, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 chủ yếu tập trung vào lớp 12 và lớp 11 của chương trình THPT. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT vừa công bố danh mục chứng chỉ ngoại ngữ miễn thi môn Ngoại ngữ trong xét tốt nghiệp THPT được mở rộng hơn.
“Như vậy, thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm nay hãy yên tâm học tập và ôn thi để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi quan trọng này”, PGS Thụy nói.
Với quy chế này, PGS.TS Nguyễn Văn Thụy cho biết, phương án tuyển sinh của Trường Đại học Ngân hàng TPHCM vẫn giữ ổn định với 5 phương thức xét tuyển như năm 2023. Tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh nhỏ ở vài phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển tổng hợp gồm điểm tổ hợp sử dụng kết quả học tập của 3 học kỳ (học kỳ 1 và 2 của lớp 11 và học kỳ I lớp 12) cộng thành tích học tập sẽ là phương thức ưu tiên xét tuyển đầu tiên vào chương trình đại học chính quy chất lượng cao (TABP) với tỷ lệ 62 - 65%.
Bên cạnh đó, phương thức xét tuyển thông qua đánh giá đầu vào trên máy tính (V-SAT) tại nhà trường sẽ dành cho chương trình đại học chính quy chuẩn (30 - 40% tùy theo ngành đào tạo) và cho chương trình chất lượng cao (TABP), 10 - 15%. Phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT dành cho các chỉ tiêu còn lại. Ngoài ra, nhà trường sử dụng phương thức tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT và phương thức xét học bạ, phỏng vấn dành cho chương trình đại học chính quy quốc tế do đối tác cấp bằng.
“Với danh mục chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, nhà trường sẽ cập nhật theo danh mục của Bộ GD&DT để đảm bảo công bằng cho thí sinh trong xét tuyển đại học. Các chứng chỉ này dùng để xét tốt nghiệp THPT và được quy đổi để tính điểm xét tuyển theo phương thức tổng hợp tại nhà trường. Thí sinh cần chú ý để tránh nhầm lẫn trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học”, PGS Thụy cho biết thêm.
Tương tự, Trường Đại học Gia Định giữ ổn định 3 phương thức xét tuyển trong năm 2024 như công bố trước đó: Xét điểm học bạ THPT (điểm trung bình học kỳ 1 và 2 lớp 11, học kỳ 1 lớp 12) từ 16,5 điểm trở lên; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 15 điểm; Xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM từ 600 điểm. Nhà trường chỉ điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu từng phương thức, trong đó tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT lên khoảng 60 - 70%. “Điều này tạo điều kiện để thí sinh có thể xét tuyển sớm và tăng tỷ lệ trúng tuyển”, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông nhà trường nói.
Gần một học kỳ nữa mới kết thúc năm học 2023 - 2024, song hiện nay, nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Giống như Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, Trường Đại học Gia Định, phương án tuyển sinh của nhiều trường đại học ổn định như năm 2023, chỉ có một số điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Về cơ bản, mỗi trường đại học sử dụng 4 - 6 phương thức tuyển sinh, trong đó các phương thức được sử dụng nhiều nhất gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học tập (học bạ) THPT; xét điểm một số kỳ thi đánh giá năng lực do các đại học tổ chức.
Học sinh tham gia Ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2024 tại TPHCM (ngày 4/3). Ảnh: Lê Nam |
TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Gia Định cho biết, như nhiều năm trước, các trường đại học cũng xét tuyển bình đẳng ở tất cả nguyện vọng vào các ngành, không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Tuy nhiên, khi thí sinh đã trúng tuyển vào một nguyện vọng nào sẽ không được xét ở nguyện vọng tiếp theo. Do vậy, các em phải sắp xếp thứ tự nguyện vọng làm sao để có cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mình yêu thích nhất.
Theo TS Toàn, việc chuẩn bị từ sớm cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và lên chiến lược lựa chọn ngành, trường đại học đúng với sở thích, sở trường sẽ tăng cơ hội thành công. Thí sinh cần xác định được ít nhất 1 - 3 ngành học tại các trường đại học và cao đẳng. Trong đó, nguyện vọng 1 là ưu tiên đầu tiên, cần đúng với năng lực và sở thích bản thân nhất.
“Nhiều em không tìm hiểu kỹ ngành nghề mà chỉ chọn theo xu hướng chung. Việc này gây khó khăn cho bản thân trong quá trình học cũng như ra trường làm việc sau này. Do vậy, ngoài tìm hiểu thông tin tuyển sinh, các em cần tìm hiểu kỹ ngành nghề để có thể lựa chọn ngành học phù hợp năng lực, sở thích từ đó có thể học tập và làm việc tốt trong tương lai”, ông Toàn nói.
Cũng theo TS Toàn, hiện nhiều trường tổ chức xét tuyển sớm, thí sinh có thể đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn của các trường. Đối với thí sinh tham gia đăng ký các phương thức xét tuyển sớm, được nhà trường thông báo đã đủ điều kiện trúng tuyển, nếu muốn được trúng tuyển chính thức vào trường, các em bắt buộc phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT theo quy định. Khi đó, các trường mới có cơ sở dữ liệu để xét tuyển.
PGS.TS Nguyễn Văn Thụy cũng khuyên, học sinh nên tận dụng đăng ký các phương thức xét tuyển sớm để tăng cơ hội trúng tuyển. Theo ông, khi tìm hiểu ngành nghề và trường theo học, cần tìm hiểu kỹ thông tin trong đề án chính thức do các trường đại học công bố. “Các em có thể truy cập vào trang web của trường để tìm thông tin về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất nhà trường, học phí…”, PGS Thụy nói.
Tại Ngày hội tư vấn Tuyển sinh - Hướng nghiệp năm 2024 diễn ra tại TPHCM (ngày 4/3), PGS.TS Bùi Hoài Thắng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, với ngành “hot trend”, người học có cơ hội việc làm lớn. Dù vậy, học sinh cần tìm hiểu kỹ về ngành, tự đánh giá năng lực học tập, định hướng bản thân và xu hướng đào tạo của trường theo hướng nền tảng hay ứng dụng để có quyết định đúng đắn.
Tác giả bài viết: Mạnh Tùng
Ý kiến bạn đọc