Hiện, có gần 200 văn bản quy phạm pháp luật tác động đến đội ngũ nhà giáo. Theo ông Trần Kim Tự, văn bản nhiều nhưng lại chưa đủ, có những văn bản đã lạc hậu, gây tác động ngược với công tác quản lý đội ngũ, quản lý ngân sách, quản lý ngành.
Sự phân cấp quản lý cần tiếp tục thay đổi sâu sắc, tạo điều kiện chủ động, tăng trách nhiệm quản lý với trách nhiệm giải trình cho cơ sở và sự giám sát của cơ quan chức năng.
Điều này cho thấy, cần sự thay đổi của hệ thống mang tính đồng bộ, không chấp vá với vai trò động lực, hành lang cho sự phát triển của đội ngũ, hoạt động sáng tạo của giáo viên và không có sự phân biệt trong quản lý đội ngũ công lập – ngoài công lập (chỉ có sự phân biệt về điều hành ngân sách).
Ông Trần Kim Tự. Ảnh: Internet. |
Từ thực tiễn, ông Trần Kim Tự đề xuất một số giải pháp cơ bản: Thứ nhất, xây dựng luật riêng về nhà giáo. Việc ban hành đạo luật riêng về nhà giáo nhằm quy định tổng thể các vấn đề cơ bản, quan trọng nhất liên quan đến nhà giáo tạo, khung pháp lý đồng bộ, toàn diện, có giá trị pháp lý cao phản ánh đặc thù nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.
Cách làm này vừa thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và xã hội đối với đội ngũ nhà giáo, vừa thuận lợi cho việc quản lý, xây dựng đội ngũ nhà giáo; đồng thời tránh được các hạn chế cơ bản của hệ thống văn bản hiện hành.
Thứ hai, một số lưu ý khi xây dựng luật chuyên ngành về nhà giáo: Đây là đạo luật có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng riêng, độc lập tương đối và có quan hệ với các đạo luật khác.
Luật này quy định về nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, phải căn cứ vào các quy định về mục tiêu, chương trình, cơ sở giáo dục... để quy định về vị trí, yêu cầu, quản lý... nhà giáo.
Cần có quy định cụ thể, sâu sắc về yếu tố quan trọng nhất trong giáo dục và có tính độc lập tương đối với Luật Giáo dục. Với tư cách một đạo luật về nhà giáo có thể sửa đổi, bổ sung quy định về nhà giáo trong Luật Giáo dục hiện hành.
Luật về nhà giáo quy định những vấn đề chung, đồng thời cụ thể hóa phù hợp từng loại hình, trình độ, cấp học mà nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục với đặc điểm cấp học, trình độ đào tạo mà luật điều chỉnh (nhà giáo ở mầm non có yêu cầu khác nhà giáo ở phổ thông, nhà giáo ở đại học...) và phù hợp tình hình thực tiễn của giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay.
Thứ ba, quan hệ với Luật Viên chức. Luật về nhà giáo và Luật Viên chức đều quy định về con người với đối tượng giao thoa lớn. Vì vậy, nhà giáo là viên chức vừa phải chịu tác động chung của Luật Viên chức, vừa chịu tác động chuyên môn nghề nghiệp của luật về nhà giáo. Khi xây dựng luật này cũng cần tham khảo cách thức quản lý viên chức để thiết kế các quy định chung bên cạnh các quy định đặc thù chỉ có ở nhà giáo.
Thứ tư, phân cấp quản lý nhà giáo. Đẩy mạnh cơ chế tự chủ các cơ sở giáo dục, cần phân cấp mạnh mẽ trong luật này về công tác quản lý nhà giáo cho cơ sở giáo dục một cách đồng bộ, từ khâu tuyển dụng, sử dụng, đánh giá, bồi dưỡng như một trách nhiệm, một tiêu chuẩn quan trọng của người đứng đầu, của chính cơ sở gắn với trách nhiệm giải trình cùng với sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Các cơ quan Nhà nước chỉ làm thay một khâu nào đó khi cơ sở không làm được.
Thứ năm, không phân biệt công lập, ngoài công lập trong quản lý, phát triển nhà giáo. Luật về nhà giáo và các văn bản hướng dẫn về quản lý, sử dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng... không phân biệt (hay chỉ áp dụng đối với giáo viên trường công) giáo viên dạy ở trường công lập hay trường ngoài công lập.
Thống nhất về tiêu chuẩn, về chức danh, về đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng (với sự rút gọn và mang tính thực chất)... chỉ có sự khác biệt giữa giáo viên trường công lập với giáo viên trường ngoài công lập ở nguồn kinh phí chi trả lương và sự cần thiết phải có những quy định cụ thể về mức thấp nhất mà giáo viên trường ngoài công lập được hưởng.
Cần xây dựng luật riêng về nhà giáo. |
Đối với các địa phương, ông Trần Kim Tự đề xuất, tiếp tục xây dựng và thực hiện Đề án phát triển đội ngũ giáo viên ở địa phương với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; có chính sách hợp lý để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương.
Các địa phương cũng cần tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trong tỉnh, bảo đảm hợp lý theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu). Trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát để đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng của địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ. Đồng thời, đẩy mạnh việc thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp lại tổ chức trường, lớp và cơ cấu lại đội ngũ viên chức.
Cần làm tốt việc đánh giá phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên theo chuẩn nghề nghiệp và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hàng năm để sàng lọc, phân loại, tinh giản biên chế.
Xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế cho từng năm để phối hợp (liên hệ) với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ và để có các thông tin về sinh viên sư phạm ra trường hàng năm nhằm chủ động nguồn tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động.
Địa phương cũng cần đẩy mạnh thí điểm cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập ở vùng đô thị, vùng thuận lợi nhằm khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng và giảm chi cho ngân sách Nhà nước; đồng thời không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh nghèo, học sinh là đối tượng chính sách.
Xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các cá nhân và doanh nghiệp (đặc biệt là các nơi có khu công nghiệp) thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, tham gia xã hội hóa giáo dục để giảm người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.
Tác giả bài viết: Minh Phong
Ý kiến bạn đọc