Rèn lối sống đẹp cho học trò qua “Hộp thư bí mật”

Thứ hai - 08/11/2021 18:40 435 0
GD&TĐ - Để “kéo” học sinh đến gần với mình, từ đó có những biện pháp phù hợp rèn lối sống cho các em, nhiều thầy, cô giáo đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả…
Rèn lối sống đẹp cho học trò qua “Hộp thư bí mật”

Khích lệ kịp thời cả khi học trực tuyến

Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ - giáo viên Trường THCS Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) - chia sẻ: Tôi luôn nghĩ mỗi học sinh đều mang trong mình những nét riêng về tính cách, tình cảm, tư duy khác nhau. Sứ mệnh của người thầy là phát hiện, bồi dưỡng và luôn khích lệ các em kịp thời. Từ đó, tôi cố gắng kéo gần khoảng cách giữa thầy và trò; gần gũi, quan tâm giúp đỡ em có hoàn cảnh đặc biệt. Tôi dành nhiều thời gian công sức giúp đỡ học sinh cá biệt để các em ngoan hơn, tiến bộ hơn trong rèn luyện ý thức và học tập.

Đã có kinh nghiệm trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhưng khi triển khai dạy trực tuyến, cô Thanh Huệ cũng không tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở. Cô cho biết: Từ khi nhận lớp chủ nhiệm đầu năm học, cô và trò chưa gặp nhau. Những hình ảnh học sinh trên camera của giờ học trực tuyến ngày đầu tưởng chừng như rất xa cách. Để hiểu hơn học sinh của mình, tôi đã làm mới các giờ sinh hoạt lớp online, tổ chức hoạt động lý thú để kéo các em gần nhau hơn. Tôi mở lòng và chia sẻ qua góc học tập online, nhóm bạn cùng tiến, mục tiêu mỗi tuần...

“Hạn chế mặt trái của mạng xã hội, tôi chủ động xây dựng nhóm kín của lớp, tăng cường tương tác với học sinh, xây dựng hộp thư bí mật để giúp các em giải đáp các thắc mắc về sức khỏe, giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi, cách sử dụng mạng xã hội...” - cô Huệ bày tỏ.

Để hộp thư “ảo” hoạt động đơn giản, gần gũi, cô Huệ tạo những link padlet giúp học sinh thảo luận vấn đề của lớp, khó khăn trong học tập, chia sẻ kinh nghiệm với nhau... ở dưới dạng công khai để tên hay ẩn tên.

Ngoài nhóm Messenger chung của cả lớp, cô Huệ còn chia nhỏ các nhóm cho dễ quản lý. Lớp có 37 học sinh, cô chia làm 4 nhóm. Mỗi nhóm có 1 nhóm trưởng. Mỗi ngày, cô được nhóm trưởng thông báo tình hình lớp, các em trong nhóm sẽ chụp bài học và bài tập trong 1 ngày cho nhóm trưởng kiểm tra để ghi chép vào sổ theo dõi mỗi ngày. Học sinh nào có tâm tư riêng sẽ được cô đọc và trả lời tin nhắn kịp thời. Nhờ vậy, không khí lớp học “ảo” vẫn luôn đầm ấm, tích cực và giờ sinh hoạt trở thành giờ tâm sự của những thành viên trong một tập thể đoàn kết.

Cô Huệ còn lập nhóm Zalo của phụ huynh, coi đây là kênh quan trọng để liên kết giáo viên chủ nhiệm với lớp. Theo cô Huệ, sự phối hợp, tạo điều kiện của phụ huynh rất cần thiết trong giai đoạn học tập online như hiện nay. Cũng như vậy, nhóm các giáo viên bộ môn là cơ sở để giáo viên chủ nhiệm cập nhật được những thay đổi của học sinh trong học tập và rèn luyện, vấn đề tâm sinh lý lứa tuổi để kịp thời trao đổi, uốn nắn hoặc chia sẻ với phụ huynh khi cần thiết.

Rèn lối sống đẹp cho học trò qua “Hộp thư bí mật” - Ảnh minh hoạ 2
Cô Nguyễn Thị Thanh Huệ bên học trò. Ảnh tư liệu: NVCC

Hiểu được tâm sự của học trò

Cũng sử dụng biện pháp thiết lập hộp thư “Tâm sự sẻ chia”, cô Vũ Quỳnh Liên – giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) mong muốn học sinh tiểu học có những sẻ chia với cô giáo về tâm sinh lý lứa tuổi nhằm giáo dục và bảo vệ các em trước những hành vi xâm hại.

Theo cô Liên, lớp 5 có bài “Phòng tránh bị xâm hại”, đây là nội dung quan trọng với học sinh tiểu học nhưng mới chỉ cung cấp cho các em một số điểm cần lưu ý để phòng tránh bị xâm hại và xử lý thế nào khi bị xâm hại.

Cũng như vậy, hiện công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em chưa hiệu quả. Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại. Khi bị xâm hại, các em đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Còn cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ, và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội.

Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng là mầm mống nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại tình dục. Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần dẫn đến nguy cơ trẻ bị xâm hại.

Thực tế từ công tác dạy học, cô Liên nhận thấy hầu hết học sinh ít hiểu biết về kiến thức giới tính cũng như các kĩ năng phân tích phán đoán, ứng phó, ứng xử với các tình huống có thể bị xâm hại… Đa số các em đều rất ngại ngùng với những vấn đề liên quan đến giới tính và khi có thắc mắc thường ít hỏi ý kiến cha mẹ, thầy cô. Nhiều phụ huynh và giáo viên cũng còn ngại ngùng khi đề cập đến vấn đề giới tính, lúng túng khi các em thắc mắc với mình về những vấn đề này…

Trước thực trạng trên, cô tạo lập hộp thư “Tâm sự sẻ chia” (có thể làm bằng bìa, vải dạ, xốp…) để gỡ rối những lo lắng của học trò. Chiếc hộp được trang trí bắt mắt, gồm nhiều hình ảnh ngộ nghĩnh, đáng yêu. Với chiếc hộp “bí ẩn” này, các em có thể gửi những thắc mắc của mình hay đơn giản chỉ là những suy nghĩ về bạn bè, học tập...

Hàng tháng, giáo viên chủ nhiệm sẽ mở hộp ra và giải đáp những thắc mắc của học sinh, chia sẻ với các em về việc học tập, tình cảm bạn bè, gia đình… một cách thân thiện, cởi mở, gần gũi; giúp các em cảm thấy vững tin, vui vẻ hơn, từ đó nâng cao hiệu quả học tập, rèn luyện.

Cô Liên chia sẻ: Tôi đã nhận được nhiều câu hỏi các em gửi qua hộp thư. Có em viết: “Cô ơi bố con hay tắm cho con, con không muốn, bố sợ con tắm gội bẩn, Con có nên nói với bố là con không muốn không?” hay “Bạn Nam cứ đòi cầm tay con, con phải làm thế nào?”, cũng có khi là “Chú con hay cọ râu vào má con làm con đau, con nói không thích mà chú vẫn cứ làm, con cần làm gì?”… Khi gặp những câu hỏi như này, tôi đều gặp riêng em để tư vấn và đưa ra các giải pháp cụ thể. Qua đó, các em dần nhận thức được những hành vi nên và không nên, những ứng phó khi gặp hành vi, lời nói không mong muốn, không còn lo lắng khi bị trêu ghẹo…

Em Trịnh Mai Thương - cựu học sinh lớp 9B1 Trường THCS Hương Sơn (Mỹ Đức - Hà Nội) - tâm sự: Cách tiếp cận học trò của cô Thanh Huệ qua mỗi bài giảng, Hộp thư bí mật giúp cái tuổi dở dở, ương ương của chúng em cảm nhận được sự an toàn, chở che và yêu thương để tiến bộ. Cô không chỉ mang đến cho học trò hành trang kiến thức, mà còn tế nhị dạy chúng em cách làm người cũng như cách nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống. Những lời tâm tình của cô sau mỗi bài giảng, tin nhắn trong Hộp thư bí mật… là “cẩm nang” để chúng em mang theo trên chặng đường phía trước.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1429 | lượt tải:312

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1148 | lượt tải:302

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2459 | lượt tải:391

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2938 | lượt tải:490

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2253 | lượt tải:339
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập245
  • Hôm nay9,432
  • Tháng hiện tại476,187
  • Tổng lượt truy cập51,832,146
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944