Đây là lần đầu ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình này. Chương trình được tổ chức trực tiếp và trực tuyến với gần 500 điểm cầu phòng GD&ĐT các huyện, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Đây là cuộc gặp gỡ, trao đổi để các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, những thuận lợi, khó khăn trong quá trình công tác. Qua đó giúp cho việc định hướng nhiệm vụ, điều chỉnh giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện”.
Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên phát biểu tại chương trình. |
Ông Nguyễn Văn Đoạt cũng mong nhận được các ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, cởi mở, chân tình. Sau Chương trình, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục có văn bản trả lời những ý kiến, kiến nghị của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động theo các nhóm vấn đề chưa được giải đáp trực tiếp.
Tại buổi làm việc, nhiều lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường, phòng GD&ĐT trên địa bàn đã trao đổi, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng.
Trước đó, Công đoàn ngành GD&ĐT đã tiếp nhận 127 lượt ý kiến. Các kiến nghị, đề xuất tập trung chủ yếu vào: Chính sách tiền lương phụ cấp cho giáo viên, nhân viên; bổ sung nhân lực đáp ứng chỉ tiêu, số lượng giáo viên đứng lớp theo quy định; giảm tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non, đặc biệt ở vùng khó khăn; đáp ứng đầy đủ dụng cụ trang thiết bị dạy học Chương trình GDPT 2018...
Điểm cầu Phòng GD&ĐT huyện Điện Biên. |
Sau khi tiếp nhận các ý kiến, ông Nguyễn Văn Đoạt đã làm rõ, trả lời từng nội dung mà thầy cô băn khoăn. Đồng thời, ông Đoạt khẳng định các kiến nghị, đề xuất của cán bộ, giáo viên, nhân viên là hết sức chính đáng.
Với nội dung bổ sung nhân lực, ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết: Vấn đề này đã kiến nghị nhiều lần nhưng khó khăn liên quan đến tinh giản biên chế theo chủ trương chung của Trung ương. Hơn nữa với đặc thù tỉnh miền núi không thể tăng học phí chi trả cho giáo viên hợp đồng, hay phát triển các trường ngoài công lập...
Vì vậy, ngành GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Điện Biên ban hành văn bản chỉ đạo triển khai rà soát toàn bộ số lượng cán bộ, giáo viên toàn tỉnh để điều chỉnh, sắp xếp lại giữa các cấp, các huyện. Ưu tiên mở các lớp đáp ứng phổ cập giáo dục từ 5 – 14 tuổi, đảm bảo số giáo viên trên lớp. Đồng thời, tiếp tục kiến nghị lên Bộ, Trung ương bổ sung cán bộ, giáo viên cho địa bàn.
"Nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên đã thực hiện theo quy định nhưng ngân sách có hạn, mới giải quyết một phần nhỏ. Ngành GD&ĐT tỉnh Điện Biên tiếp thu và tiếp tục đề xuất lên cấp có thẩm quyền để có chỉ đạo, phương án tháo gỡ khó khăn" - ông Nguyễn Văn Đoạt cho biết.
Ý kiến bạn đọc