Bà Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Luật Giáo dục 2019 quy định trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên (GDNN-GDTX) là cơ sở Giáo dục thường xuyên (GDTX) thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Bộ GD&ĐT. Việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp trung tâm GDNN-GDTX thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT.
Bên cạnh đó, theo Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, Bộ GD&ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở GDTX. Do đó, việc quy định cơ quan quản lý trực tiếp trung tâm GDNN-GDTX thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và trung tâm chỉ chịu sự quản lý theo lãnh thổ của UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở.
Nghị định số 127 cũng quy định trách nhiệm của sở GD&ĐT: “Quản lý về chuyên môn đối với việc thực hiện chương trình GDTX của các trung tâm cấp huyện theo quy định”. Do đó, sở GD&ĐT quản lý trực tiếp trung tâm sẽ thực hiện thống nhất quản lý chuyên môn đối với trung tâm GDNN-GDTX.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Kim Bôi (Hòa Bình) thông tin: Sau 4 năm sáp nhập và đi vào hoạt động, trung tâm cơ bản đã ổn định về tổ chức, hoạt động dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nảy sinh một số khó khăn, đặc biệt là việc quản lý chuyên môn.
UBND cấp huyện không phải cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ, giáo viên hằng năm; không luân chuyển, điều phối, bố trí cán bộ, giáo viên được giữa các trung tâm để hỗ trợ nhau về chuyên môn. Do đó, hầu hết các giáo viên đều mong muốn Sở GD&ĐT sẽ là đơn vị quản lý trực tiếp trung tâm GDNN-GDTX.
Khẳng định việc Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện là phù hợp, ông Dũng lý giải: Chức năng của trung tâm có 70% thuộc GDTX, 30% là GDNN. Sở LĐ-TB&XH do không đủ chuyên môn nên không thể chỉ đạo về đào tạo văn hóa được; nhưng Sở GD&ĐT có thể quản lý được chuyên môn giáo dục nghề nghiệp do trước đây đã làm.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Hoàng Mai (Hà Nội) khẳng định: Giao trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện về sở GD&ĐT là chủ trương đúng. Khi đó, trung tâm sẽ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm có lộ trình cụ thể, xây dựng kế hoạch để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất nhằm đạt các mức tiêu chuẩn cơ sở vật chất cao hơn.
Sau gần 3 năm giải thể hệ thống trung tâm GDNN-GDTX, Sơn La đã phải tái thành lập 11 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện trực thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT. Sau khi có quyết định thành lập lại trung tâm GDTX cấp huyện, Sở GD&ĐT Sơn La đã thành lập các tổ công tác tiếp nhận, bàn giao cơ sở vật chất, đất đai, tài sản, tài chính để giao lại cho trung tâm GDTX các huyện quản lý.
Theo ông Phạm Đức Trọng, Giám đốc Trung tâm GDTX huyện Thuận Châu (Sơn La), Sở GD&ĐT quản lý trực tiếp trung tâm giúp hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn. Hiện trung tâm có 427 học viên với 11 lớp. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên tại Trung tâm được kiện toàn, công tác tổ chức các hoạt động dạy và học theo chương trình GDTX cấp THPT đi vào ổn định.