Tại Nghệ An, ngành Giáo dục đang hoàn thiện khung chương trình, tài liệu dạy học làm định hướng cho các nhà trường.
Trường Tiểu học Nhân Thành đóng tại xã thuần nông huyện Yên Thành. Học sinh đa phần có hoàn cảnh vất vả, điều kiện học tập, tiếp cận các mô hình giáo dục hiện đại, tiên tiến còn hạn chế. Những năm qua, nhà trường, bên cạnh dạy học chương trình chính khóa, còn linh hoạt, tăng cường hoạt động trải nghiệm, kỹ năng cho học sinh. Trong đó, mạnh dạn đưa giáo dục STEM vào nhà trường.
Cô Trần Linh Đa - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, STEM là hình thức giáo dục mới, không dễ triển khai đối với học sinh tiểu học. Về lý thuyết và mục tiêu, hình thức giáo dục này không chỉ giúp học sinh hiểu về nguyên lý, mà còn rút ngắn khoảng cách giữa kiến thức hàn lâm tới thực hành. Từ đó tạo ra những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày gần gũi với học sinh; giúp các em thỏa sức sáng tạo.
Nhưng trên thực tế, để triển khai tiết học này còn nhiều vướng mắc. Trang thiết bị dạy học STEM chưa đáp ứng yêu cầu, đồ dùng học tập thiếu. Tuy nhiên, quan điểm của nhà trường nếu sợ khó mà không làm thì thiệt thòi cho học sinh, nhất là khi các em ở vùng nông thôn còn nhiều thiếu thốn.
“Chúng tôi không đợi đầy đủ các điều kiện mới tổ chức dạy học STEM mà khuyến khích giáo viên ứng dụng trong nhiều môn học. Các bài học được thiết kế linh hoạt, gắn lý thuyết với thực hành và những bài giảng trực quan, sinh động. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức ngày hội trải nghiệm STEM để học sinh và phụ huynh tham gia. Trong các lớp học có góc trang trí STEM là những vật dụng tái chế hoặc mô hình học sinh tự làm. Qua đây, từng bước khơi dậy đam mê tìm hiểu khoa học, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm...”, cô Đa cho hay.
Sau khi học xong chương Định luật bảo toàn môn Vật lý lớp 10, học sinh lớp 10T1 – Trường THPT Đô Lương 1 (huyện Đô Lương) có buổi thực hành nhỏ. Cả lớp được chia thành 4 nhóm thuyết trình về máy phát điện do các em tự chế tạo.
Là người trực tiếp hướng dẫn, thầy Nguyễn Văn Tiến – giáo viên Vật lý, Trường THPT Đô Lương 1 cho biết, những máy phát điện mini của học sinh được làm từ vật dụng đơn giản như vỏ chai, lon nước ngọt, que kem. Khi đặt vào dòng nước nhỏ làm quay tua bin tạo ra điện năng để có thể làm sáng bóng điện nhỏ. Máy phát điện tự chế được sử dụng nhiều trên thực tế.
Không ít người dân vùng cao vẫn tận dụng lực nước từ các dòng suối nhỏ, mua tua bin về làm máy phát điện. Song điều quan trọng khi học sinh thực hành sẽ tự tìm vật dụng, chế tạo, thử nghiệm và khẳng định lý thuyết đã học. Tạo hứng thú cũng như ghi nhớ kiến thức sâu sắc hơn cho học sinh.
Theo thầy Tiến, trong các môn học, Vật lý là môn có tính ứng dụng cao, dễ đưa STEM vào dạy học. “Về cách làm, tôi thường dạy lý thuyết, mô phỏng thực hành bằng hình ảnh, video để học sinh nắm vững, sau đó có thể vận dụng vào thiết kế, chế tạo. Một mặt giúp việc dạy học thuận lợi, hiệu quả, mặt khác học sinh có thể tìm tòi, khám phá khoa học và thể hiện năng lực bản thân”, thầy Tiến trao đổi.
Tại Trường THPT Đô Lương 1, giáo dục STEM được đưa vào tổ chức trong nhiều môn học như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ. Chia sẻ của thầy Trần Tuấn Anh – giáo viên phụ trách STEM nhà trường: Để dạy học hiệu quả, giáo viên cần xây dựng các chủ đề bài học, hoạt động phù hợp. Quá trình thực hiện, cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm để học sinh nhận thức được ý nghĩa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán đối với đời sống. Nâng cao hứng thú học tập các môn học STEM, thực hiện triết lý giáo dục “học đi đôi với hành”.
Cô Trần Linh Đa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhân Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học STEM. Ảnh: Hồ Lài |
Giáo dục STEM là phương thức giáo dục tích hợp các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn và thông qua thực hành, ứng dụng. Đưa giáo dục STEM vào nhà trường là xu hướng tất yếu hiện nay, nhất là trong Chương trình GDPT 2018. Nhiều trường học tại Nghệ An đã đầu tư và quan tâm đến phương pháp giáo dục này. Tuy nhiên, việc thực hiện chưa đạt như mong muốn.
Thầy Nguyễn Viết Lương – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Anh Sơn (huyện Anh Sơn) cho biết, nhà trường quan tâm và bố trí phòng học STEM riêng cho học sinh. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất còn hạn chế, thiếu nhiều đồ dùng học tập. Một số chủ đề, bài học cần kinh phí mua máy móc thiết bị chứ không thể tận dụng hoặc tự chế. Giáo viên chưa được bồi dưỡng tập huấn kỹ năng dạy học môn STEM nên còn bỡ ngỡ trong xây dựng chủ đề bài học hoặc tâm lý e ngại, không mạnh dạn thực hiện.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Nga – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Mai (thị xã Hoàng Mai) thông tin, nhà trường đưa STEM vào dạy học và thu về những chuyển biến tích cực cả từ phía giáo viên lẫn học sinh. Tuy nhiên, để có hiệu quả rõ nét, cần sớm ban hành các văn bản làm hành lang pháp lý, làm cơ sở cho các trường thúc đẩy, phát triển mạnh hoạt động STEM…
Về phía ngành Giáo dục Nghệ An, 2 năm qua, sở GD&ĐT chủ trì triển khai Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng Chương trình giáo dục STEM trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An” thí điểm tại 12 trường từ mầm non đến phổ thông. Dự án đã xây dựng được Khung chương trình giáo dục STEM cho cả 4 cấp học với đầy đủ thông tin: Mục tiêu, yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất, chuẩn đầu ra, nội dung và phân phối chương trình.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho hay: Trong thời gian tới, sở tiếp tục triển khai dự án, tạo hành lang pháp lý áp dụng đại trà trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục STEM…
“Sở sẽ hoàn thành Tài liệu giáo dục STEM và Hướng dẫn tổ chức hoạt động giáo dục STEM ở 4 cấp học để trở thành nguồn học liệu chính thống cho giáo viên các trường trên địa bàn toàn tỉnh tham khảo trong quá trình xây dựng bài giảng và triển khai các hoạt động giáo dục STEM tại đơn vị”. - Ông Thái Văn Thành
Tác giả bài viết: Hồ Lài
Ý kiến bạn đọc