Điều này, buộc các nhà trường phải từng bước tiếp cận, đang đa dạng hóa hình thức giảng dạy, nâng cao hiệu quả, giúp học sinh phát huy tính sáng tạo.
Sau thí điểm thành công ở 5 phòng GD&ĐT, năm học này, Hà Nội triển khai giáo dục STEM với toàn bộ trường tiểu học trên địa bàn. Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giáo dục STEM trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học, đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo các khối chuyên môn nghiên cứu, tìm kiếm tài liệu để xây dựng chương trình cụ thể cho từng khối lớp và xuyên suốt năm học sao cho phù hợp năng lực học sinh.
Là trường công lập chất lượng cao của quận Long Biên với hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đã trang bị phòng học STEM riêng biệt; cán bộ giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, am hiểu giáo dục STEM, phụ huynh luôn đồng hành, học sinh hào hứng tham gia.
Tuy nhiên, giáo viên vẫn vừa giảng dạy vừa học tập trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Do đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tập huấn STEM cho toàn thể cán bộ, giáo viên. Hằng tháng, các khối lớp, tổ bộ môn có chuyên đề giảng dạy STEM để cùng trao đổi chuyên môn.
“Với giáo viên, việc chuẩn bị giáo án mỗi bài học STEM rất quan trọng. Giáo án phải kết hợp soạn dựa trên lý thuyết và tình huống thực tế gắn vào bài học. Nội dung được chọn mang tính cập nhật, nổi bật, phù hợp lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, giáo án cần chú trọng đến trải nghiệm thực hành nhằm thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết với thực tế. Từ thuận lợi trên, nhà trường triển khai hoạt động giáo dục STEM thành môn học cụ thể với các học phần lắp ghép và sáng chế; lập trình không máy tính; lập trình Robot nên học sinh rất hào hứng”, cô Hường thông tin.
Năm học này, dù không bắt buộc thực hiện giáo dục STEM cấp tiểu học nhưng Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc (huyện Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mạnh dạn áp dụng dạy học STEM.
Ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo trao đổi, nhà trường đã triển khai văn bản chỉ đạo của các cấp quản lý; tổ chức tập huấn giáo dục STEM cho 100% cán bộ, giáo viên; tận dụng các nguyên vật liệu sẵn có; cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu. Đồng thời trang bị đầy đủ sách cho các thầy cô tham khảo, kể cả nguồn tài liệu trên mạng. Giáo viên nhiệt tình, có tinh thần học hỏi, nhiều phụ huynh ủng hộ, cùng phối hợp triển khai.
Đây là vấn đề mới nên ban đầu nhiều thầy cô còn bỡ ngỡ; việc sắp xếp thời lượng trong kế hoạch dạy học của trường khó khăn. Giáo viên, học sinh phải chuẩn bị nhiều đồ dùng, vật liệu cho chủ đề dạy học STEM. Một số lớp đông học sinh nên việc tổ chức gặp trở ngại. Dù vậy, hoạt động giáo dục STEM của trường vẫn đạt hiệu quả bước đầu, giáo viên từ khối 1 đến khối 4 đã triển khai dạy học STEM; ban giám hiệu tổ chức 2 chuyên đề STEM cấp trường để toàn thể giáo viên học tập, rút kinh nghiệm.
Phòng học STEM hiện đại tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC |
Qua thực hiện bài học và dự giờ tiết học giáo dục STEM, cô Lê Thị Phương Châu - giáo viên Trường Tiểu học An Cựu (TP Huế, Thừa Thiên Huế) nhận thấy, đa số học sinh bày tỏ sự hào hứng, thích thú. Các em hợp tác, chủ động khám phá kiến thức, lên ý tưởng và thực hiện làm sản phẩm một cách sáng tạo, góp phần phát triển năng lực và phẩm chất học sinh đảm bảo mục tiêu dạy học của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai giáo dục STEM giáo viên còn gặp không ít khó khăn.
Với khung chương trình đề ra, giáo viên khó tổ chức các nội dung, chủ đề sao cho vừa bảo đảm yêu cầu khung chương trình, vừa phát huy sức sáng tạo học sinh. Trình độ một số giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu về tổ chức tiết học STEM. Phần lớn giáo viên đào tạo dạy học đơn môn nên triển khai dạy học theo hướng liên môn như giáo dục STEM cũng là thách thức.
“Còn một bộ phận giáo viên ngại học hỏi, chia sẻ nên chưa có sự trao đổi, liên hệ tốt giữa giáo viên các bộ môn trong dạy học STEM. Điều kiện cơ sở vật chất một số trường không đáp ứng yêu cầu đề ra. Sĩ số lớp học quá đông cũng gây khó khăn triển khai hoạt động, cản trở đổi mới phương pháp dạy học của giáo viên, ảnh hưởng kết quả học tập của học sinh. Tôi mong các cấp quản lý tổ chức tập huấn để giáo viên được học hỏi kinh nghiệm dạy học STEM”, cô Phương Châu chia sẻ.
Là địa bàn vùng cao nhiều khó khăn, cô Phạm Thị Dung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Púng Luông (Mù Cang Chải, Yên Bái) cho biết, trường có 511 học sinh và đang triển khai giáo dục STEM vào một số tiết dạy. Bước đầu các em được tìm tòi, khám phá, tự làm ra những sản phẩm STEM đơn giản.
Dù nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương nhưng công tác chuẩn bị đồ dùng, vật liệu cho tiết học còn hạn chế bởi học sinh ở bán trú tại trường cả tuần. Học sinh đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều phụ huynh chưa sát sao việc học của con.
“Qua hoạt động giáo dục STEM, học sinh được vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết vấn đề thực tiễn. Các em có cơ hội thực hành nhiều kỹ năng như: Thuyết trình, làm việc nhóm, phát triển về tư duy nghệ thuật, phản biện, óc sáng tạo; tự làm nên sản phẩm đa dạng để ứng dụng vào thực tế”, ông Nguyễn Văn Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Côn Đảo nói.
Tác giả bài viết: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc