Sửa đổi, bổ sung Luật GD đại học: Quy định 3 trình độ phù hợp thông lệ quốc tế

Thứ tư - 07/11/2018 23:03 446 0
GD&TĐ - Một trong những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GD ĐH) liên quan đến đào tạo nhân lực y tế.
Sửa đổi, bổ sung Luật GD đại học: Quy định 3 trình độ phù hợp thông lệ quốc tế

Trong buổi thảo luận tại hội trường ngày 6/11, có hai đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật chưa tính đến đặc thù trong đào tạo ngành Y. Trước ý kiến này, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội - cho biết, rất hiếm nước quy định về trình độ và văn bằng đặc thù, trong đó có ngành Y tế, trong Luật GD ĐH.

Quy định văn bằng tương đương: Nên đưa vào Nghị định của Chính phủ

Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (đoàn Hưng Yên) tham gia đóng góp ý kiến vào dự án Luật Giáo dục đại học với vai trò là một cán bộ đang công tác trong ngành Y tế, bày tỏ băn khoăn khi trong dự thảo Luật lần này loại bỏ quy định về trình độ và văn bằng chuyên sâu. Do đó, đại biểu Nguyệt đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ tại Khoản 1 Điều 6 trình độ tương đương với trình độ thạc sĩ, tiến sĩ hoặc trình độ chuyên gia.

Liên quan đến ý kiến trên, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh thừa nhận việc đào tạo một số ngành như y tế, nghệ thuật, an ninh, quốc phòng là có tính đặc thù. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần quy định trong Luật GD ĐH hay để các văn bản dưới luật quy định.

“Qua nghiên cứu pháp luật về GD ĐH nhiều nước tiên tiến trên thế giới, tôi thấy rất hiếm nước quy định về trình độ và văn bằng đặc thù, trong đó có ngành Y tế, trong Luật GD ĐH. Các nước thường quy định về trình độ cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ, phù hợp với Bảng phân loại tiêu chuẩn GD quốc tế (International Standard Classification of Education - ISCED) năm 2011” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho hay.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật cho rằng, cần phân biệt chương trình đào tạo và trình độ. Có thể nhiều chương trình đào tạo khác nhau cùng cấp một loại bằng cho một trình độ đào tạo. Ví dụ, có chương trình đào tạo trình độ ĐH 4 năm, có chương trình đào tạo trình độ ĐH 5 năm, nhưng đều cấp bằng cử nhân. Trình độ nào là tương đương thì do từng nước quy định, có thể do Chính phủ, Bộ ban hành và cách tiếp cận có khác nhau.

PGS.TS Vũ Thị Lan Anh lấy ví dụ ở Trung Quốc, Luật GD ĐH không quy định về đào tạo lĩnh vực đặc thù. Điều 19, Luật GD ĐH Trung Quốc quy định sinh viên tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ hoặc những người có văn bằng tương đương, sau khi vượt qua kỳ thi tuyển của cơ sở đào tạo thì được nhập học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ tương ứng.

Tuy nhiên thế nào là văn bằng tương đương? Ở Trung Quốc, để được cấp bằng, ngoài hình thức học tại các trường ĐH, còn hình thức đào tạo thông qua tự học. Với hình thức tự học, nếu đủ trình độ, năng lực thì người học có quyền yêu cầu cấp văn bằng công nhận tương đương trình độ mà họ có thông qua hội đồng xét duyệt.

Điều 22, Luật GD ĐH Trung Quốc quy định: “Nhà nước thực hiện chế độ học vị. Học vị được chia thành cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Công dân thông qua đào tạo GD ĐH hoặc tự học, trình độ học tập đạt các tiêu chuẩn học vị mà Nhà nước quy định có thể làm đơn tới đơn vị cấp học vị đề nghị cấp học vị tương ứng”. Người có văn bằng tương đương có thể đăng ký thi để học trình độ cao hơn. Còn đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp ĐH thì do các bộ chuyên ngành quy định. Ví dụ đối với ngành Y, Trung Quốc thực hiện theo “Tiêu chuẩn đào tạo bác sĩ chuyên khoa” do Bộ Y tế ban hành.

Đó là cách tiếp cận của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh cho rằng, nếu cần quy định văn bằng tương đương thì nên đưa vào Nghị định của Chính phủ, như cách tiếp cận của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD ĐH.

Sửa đổi, bổ sung Luật GD đại học: Quy định 3 trình độ phù hợp thông lệ quốc tế - Ảnh minh hoạ 2

 Cần thiết quy định 3 trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ

Cũng góp ý cho dự thảo Luật liên quan đến đào tạo ngành Y, đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đề nghị cần phải có quy định cụ thể riêng đối với đào tạo nhân lực y tế. Trong đó, có bổ sung thêm trình độ chuyên gia; bổ sung bằng chuyên gia bên cạnh các bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ…

Nói về “trình độ chuyên gia”, theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, đây là mô hình phổ biến ở Liên Xô (cũ) và một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, hiện nay, các nước này đều có sự chuyển đổi, có nước điều chỉnh nhưng vẫn giữ hệ chuyên gia, có nước loại bỏ hoàn toàn.

Ở Liên bang Nga hiện nay tồn tại 2 loại bằng cấp cho trình độ ĐH là cử nhân và chuyên gia. Chương trình 4 năm cấp bằng cử nhân, chương trình 5 năm trở lên cấp bằng chuyên gia. Nếu có bằng chuyên gia, có thể học thẳng lên tiến sĩ mà không cần qua thạc sĩ. Còn bằng cử nhân thì bắt buộc phải học qua thạc sĩ mới được học lên tiến sĩ. Chương trình tiến sĩ đều giống nhau đối với 2 đối tượng này.

“Theo tôi, để phù hợp với thông lệ quốc tế, với Tiêu chuẩn ISCED năm 2011 và đa số các nước tiên tiến trên thế giới, Việt Nam nên quy định 3 trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ như dự thảo Luật đã trình Quốc hội” - PGS.TS Vũ Thị Lan Anh nêu quan điểm.

Trước đó, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ GD ĐH -cũng đã có ý kiến về nội dung này. TS Nguyễn Thị Kim Phụng cho rằng, để văn bản Luật có tính liền mạch, ổn định, tránh tình trạng mỗi điều, mỗi vấn đề lại có quy định riêng bên cạnh, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể về quy định riêng đó (như đề xuất trong một số văn bản của Bộ Y tế); để thuận lợi trong quá trình hướng dẫn, tra cứu, triển khai và áp dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam, Ban soạn thảo đã tổng hợp các vấn đề cần quy định riêng trong nội dung sửa Điều 73 và giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, quản lý đào tạo, trình độ tương đương, văn bằng, chứng chỉ.

Ngoài Điều 73 quy định tổng hợp về 8 vấn đề cần quy định riêng cho chương trình định hướng nghề nghiệp chuyên sâu phù hợp với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực khác, dự thảo còn 3 điều có quy định riêng cho lĩnh vực sức khỏe, là: Điều 33 (Mở ngành đào tạo), Điều 37 (Tổ chức đào tạo), Điều 45 (Liên kết đào tạo). Như vậy, có thể nói hầu hết các đề xuất của Bộ Y tế đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉ khác về kỹ thuật thể hiện trong dự thảo.

Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn (ghi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập295
  • Hôm nay23,558
  • Tháng hiện tại301,688
  • Tổng lượt truy cập51,657,647
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944