Chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại, ông Thái Văn Tài phân tích:
Luật Giáo dục sửa đổi lần này có rất nhiều nội dung quan trọng, thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định số 1981/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây cũng là bước hành lang pháp lý quan trọng để thực hiện Nghị quyết 88 của Quốc hội và Quyết định 404 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông . Chính vì vậy, lần sửa đổi Luật Giáo dục này rất có ý nghĩa.
Với thực tế giáo dục trên địa bàn tỉnh Đắk Lắc, tôi rất quan tâm đến nội dung sửa đổi trong Luật Giáo dục liên quan đến vấn đề nâng chuẩn đào tạo cho giáo viên tiểu học từ cao đẳng sư phạm trở lên.
Thứ nhất, nội dung sửa đổi này sẽ tạo điều kiện cho bậc tiểu học, bậc học nền tảng của giáo dục phổ thông được chuẩn hóa thêm một bước, nâng, bắt đầu từ nâng chuẩn giáo viên. Theo đó, tất cả giáo viên tiểu học sau này sẽ có một trình độ chuẩn cao, có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đổi mới của giáo dục Tiểu học.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các định hướng lộ trình rất cụ thể nếu Luật được thông qua đối với giáo viên: Giáo viên đang công tác còn dưới 5 năm thì địa phương phải có kế hoạch phối hợp với các trường ĐHSP, CĐSP tổ chức bồi dưỡng để đạt được các yêu cầu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Đối với giáo viên đang công tác còn từ 5 năm trở lên, địa phương có kế hoạch phối hợp với các cơ sở đào tạo và các trường đại học lên kế hoạch chi tiết và yêu cầu giáo viên phải tham gia đào tạo bổ sung để đạt chuẩn theo qui định.
Đây là nhiệm vụ rất rõ ràng và có thể nói đây là gốc của mọi vấn đề cấp tiểu học – cấp đầu tiên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới từ năm 2019 – 2020 thực hiện thành công.
Sẽ có người đặt câu hỏi, rằng tại sao ở Đắk Lắk – vùng sâu vùng xa mà lại quan tâm đến vấn đề chuẩn giáo viên – nội dung nghe có vẻ như khó thực hiện trong thực tế? Theo tôi, sau khi nội dung này được quy định trong Luật Giáo dục, việc đào tạo giáo viên sẽ đi vào chuẩn hóa, giúp cho bậc tiểu học - cấp học đầu tiên của giáo dục phổ thông - thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
Bên cạnh đó, các giáo viên đang công tác sẽ có cơ hội được chuẩn hóa trình độ với những chủ trương được đưa vào Luật. Địa phương buộc phải làm những việc này, vì vậy giáo viên vùng sâu vùng xa có cơ hội và nhiệm vụ rõ ràng để thực hiện việc đạt chuẩn. Có như vậy sẽ đồng bộ việc chuẩn hóa trình độ giáo viên tiểu học trên cả nước.
Về vấn đề quan tâm hơn nữa đó là, chính sách lương/phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, tôi cho rằng đây là chủ trương rất quan trọng và tâm huyết của ngành giáo dục, thu hút sự quan tâm rất đặc biệt của nhà giáo. Cho dù nội dung này chưa được đưa vào Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi trình Quốc hội trong thời gian tới nhưng chắc chắn rằng đây là tiếng nói đồng lòng của toàn bộ cán bộ, nhân viên, giáo viên trong ngành giáo dục gửi đến lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, mong được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn, giải quyết những khó khăn trong đời sống của giáo viên hiện nay.