Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6 của Hải Phòng: Băn khoăn với truyện "Đồng tiền Vạn Lịch"

Thứ sáu - 18/03/2022 00:10 2.605 0
GD&TĐ - Chủ đề 3 - Truyện cổ dân gian Hải Phòng trong Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6 TP Hải Phòng là câu chuyện “Đồng tiền Vạn Lịch”.
Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 6 của Hải Phòng: Băn khoăn với truyện "Đồng tiền Vạn Lịch"

Nhiều giáo viên THCS cho rằng câu chuyện này không phù hợp tiêu chí lựa chọn, mang tính “phản giáo dục”. 

Sai tiêu chí?

Năm học 2021 - 2022, Chương trình GDPT 2018 được triển khai với lớp 6. Trong đó, nội dung giáo dục địa phương được xác định là một môn học. Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương viết nội dung dưới dạng các chủ đề theo nhiều lĩnh vực như văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lý, kinh tế, chính trị - xã hội… của địa phương.

Tại Hải Phòng, khi giảng dạy tài liệu giáo dục địa phương, nhiều giáo viên cho rằng, ở chủ đề 3 - Truyện cổ dân gian Hải Phòng đưa câu chuyện “Đồng tiền Vạn Lịch” vào là không phù hợp.

Một giáo viên chia sẻ: Phần giới thiệu đầu chủ đề, tài liệu liệt kê một số truyện cổ Hải Phòng tiêu biểu. Nhưng đến văn bản đọc hiểu lại là truyện “Đồng tiền Vạn Lịch”. Không có căn cứ nào cho rằng đây là truyện cổ Hải Phòng. Thậm chí có ý kiến cho rằng truyện phát tích ở miền Trung. Với loại hình văn học dân gian, khó có căn cứ xác định chính xác nguồn gốc, vậy tại sao người soạn Tài liệu Giáo dục địa phương Hải Phòng lại giới thiệu truyện này như một truyện cổ tiêu biểu của Hải Phòng?

Bên cạnh đó, giáo viên còn cho rằng câu chuyện “Đồng tiền Vạn Lịch” có yếu tố phản giáo dục.

Cụ thể, câu chuyện mở đầu chuỗi sự kiện bằng chi tiết ghen tuông rồi đuổi vợ đi của Vạn Lịch. Với học sinh lớp 6 còn ngây thơ, chi tiết này có vẻ chưa đúng với độ tiếp nhận của các em.

Chi tiết, Mai Thị tìm thấy vàng của Vạn Lịch, cho dù biết rõ đây là vàng của Vạn Lịch, hai vợ chồng vẫn điềm nhiên sử dụng và trở nên giàu có. Thậm chí, sau này, gặp lại Vạn Lịch, Mai Thị lại mỉa mai Vạn Lịch, khoe khoang về mình chứ không hề nhắc đến số vàng mình đã nhặt được của Vạn Lịch. Với chi tiết này, giáo viên phải dạy học sinh như thế nào về lòng trung thực, về câu “nhặt được của rơi trả người đánh mất”?.

Học sinh lớp 6 làm sao có đủ tư duy phản biện để hiểu đúng và sai một cách rạch ròi. Nhất là, khi trong sách lại có câu hỏi: “Theo em, qua truyện “Đồng tiền Vạn Lịch” nhân dân ta gửi gắm ước mơ về một cuộc sống như thế nào?”. Sách giáo viên gợi ý là “ước mơ về một cuộc sống sung túc, no đủ”. “Như thế có nghĩa là sách địa phương Hải Phòng muốn hướng học sinh đến việc mơ ước về cuộc sống no đủ bằng cách chiếm dụng của cải của người khác”, một giáo viên băn khoăn.

Ngoài ra, trong truyện có chi tiết được cho là nhảm nhí khi sự đổi đời của vợ chồng Mai Thị là do chữa được bệnh cho vua. Nhưng truyện lí giải việc vua bị bệnh hay khỏi bệnh là liên quan đến bức tượng. Tượng đổ thì vua bị ốm, tượng dựng lên là hết ốm.

Trong kho tàng truyện cổ Hải Phòng có nhiều câu chuyện hay tại sao phải dạy học sinh một câu chuyện vừa phản giáo dục vừa mê tín, phản khoa học và không chắc chắn là truyện cổ của Hải Phòng?

Cần xem xét, đánh giá lại

Ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, chủ biên cuốn Tài liệu Giáo dục địa phương Hải Phòng cho hay, sở đã có thông tin phản hồi những phản ánh trên.

Do đặc trưng của truyện cổ dân gian (tính truyền miệng, tính dị bản) nên một tác phẩm có thể được lưu truyền ở nhiều vùng miền khác nhau và được chỉnh sửa sao cho phù hợp với địa phương. Bởi vậy, để khẳng định một tác phẩm văn học dân gian chỉ thuộc về một địa phương cụ thể là điều không phù hợp với đặc trưng của bộ phận văn học này. Việc lựa chọn câu chuyện “Đồng tiền Vạn Lịch” để đưa vào chủ đề Truyện cổ Hải Phòng được dựa trên tiêu chí: Truyện được lưu truyền và được người Hải Phòng kể từ lâu với đặc thù địa phương là một vùng sông nước biển cả, có nhiều thương thuyền qua lại buôn bán.

Bà Trần Thị Giang, chuyên viên Ngữ văn, Sở GD&ĐT chia sẻ, câu chuyện “Đồng tiền Vạn Lịch” được lưu truyền tại Hải Phòng từ xa xưa. Quá trình biên soạn sách, nhóm tác giả đã đi tìm hiểu và lắng nghe chia sẻ của các cụ bô lão tại các huyện Vĩnh Bảo, Thuỷ Nguyên.

Cuốn tài liệu được viết theo hướng mở. Mục tiêu của bài học là giúp học sinh nhận biết được một số yếu tố hình thức và nội dung của truyện cổ dân gian; bước đầu có kĩ năng đọc hiểu; có thái độ trân trọng, tự hào và ý thức gìn giữ, phát huy vốn truyện cổ dân gian Hải Phòng. Vì thế, cái cốt lõi của bài dạy là thầy cô định hướng giúp học sinh phát triển năng lực, phẩm chất. Trong tài liệu cũng liệt kê và định hướng học sinh tìm hiểu thêm những câu chuyện khác như: Truyền thuyết về Nữ tướng Lê Chân, Sự tích đền Bà Đế…

Với tính giáo dục của truyện, bà Giang cho rằng, khi đánh giá một tác phẩm văn học, cần có cái nhìn đồng đại (nghiên cứu vấn đề ở một thời điểm nhất định trong quá khứ hoặc hiện tại, đặc điểm nhìn vào cùng thời đại đó). Tiếp nhận văn bản theo đặc trưng của văn học nói chung và đặc trưng của thể loại nói riêng. Văn học phản ánh hiện thực cuộc sống và thực hiện chức năng giáo dục không chỉ thông qua những hình tượng nghệ thuật cao cả, lí tưởng mà ngay cả những hình tượng, chi tiết nghệ thuật phản ánh cái xấu, cái phản diện vẫn có ý nghĩa giáo dục.

Thể hiện quan điểm về việc này, TS Văn học Dân gian - Hoàng Thị Hồng Thắm, Khoa Ngữ văn - Khoa học xã hội, Trường Đại học Hải Phòng cho hay: Việc cho rằng truyện “Đồng tiền Vạn Lịch” là của Hải Phòng là không đúng. Mặc dù, truyện được lưu truyền tại Hải Phòng nhưng không chắc đã phải là tác phẩm của địa phương, không nói được đặc trưng của Hải Phòng.

Nếu lí giải Hải Phòng là vùng sông nước, có nhiều thuyền buôn qua lại, phù hợp với một vài chi tiết trong tác phẩm cũng không hoàn toàn mang tính thuyết phục. Bởi lẽ, nhân dân các tỉnh miền biển như Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ninh… cũng có quyền cho rằng truyện “Đồng tiền Vạn Lịch” phát tích từ địa phương họ.

Theo TS Thắm, Hải Phòng có nhiều tác phẩm mang đậm dấu ấn địa phương như: Truyện thần Điểm Tước Đại Vương, Quận He Nguyễn Hữu Cầu… sẽ phù hợp hơn nếu được xem xét, cân nhắc đưa vào chương trình giảng dạy.

Theo quan điểm của Sở GD&ĐT, sau một năm giảng dạy, ngành Giáo dục sẽ có tổng kết, đánh giá theo quy định của Thông tư 33. Trong quá trình thực hiện, ban biên soạn tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương làm căn cứ để tổ chức điều chỉnh, cập nhật tài liệu nếu thấy cần thiết và khi kết thúc năm học báo cáo về tình hình thực hiện nội dung giáo dục địa phương với Bộ GD&ĐT để theo dõi, chỉ đạo.

Tác giả bài viết: Nguyễn Dịu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập750
  • Hôm nay35,729
  • Tháng hiện tại313,859
  • Tổng lượt truy cập51,669,818
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944