Tăng tốc tuyển dụng giáo viên

Thứ tư - 17/07/2024 20:16 35 0
Cùng đó, để giải bài toán thiếu đội ngũ năm cuối chu trình thay sách, nhiều nơi đã đề xuất hợp đồng theo Nghị định số 111, ngày 31/12/2022 của Chính phủ, đáp ứng thực tế dạy - học.Điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển dụngÔng Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, công tác...
Tăng tốc tuyển dụng giáo viên

Cùng đó, để giải bài toán thiếu đội ngũ năm cuối chu trình thay sách, nhiều nơi đã đề xuất hợp đồng theo Nghị định số 111, ngày 31/12/2022 của Chính phủ, đáp ứng thực tế dạy - học.

Điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển dụng

Ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, công tác tuyển dụng giáo viên TPHCM năm học 2024 - 2025 có 3 điểm mới so với năm học 2023 - 2024. Các điểm mới này sẽ giúp TPHCM thuận lợi hơn trong tuyển dụng giáo viên, nhất là ở các bộ môn khó tuyển và thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình GDPT 2018.

Ở cấp THPT tại TPHCM, tính đến đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT TPHCM đã trao quyền chủ động tuyển dụng nhân sự cho 20 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố. Theo ông Tống Phước Lộc, mở rộng phân quyền tuyển dụng nhằm giúp các trường khu vực ngoại thành chủ động hơn trong công tác này, giảm thiểu các trường hợp ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở hoặc nhận nhiệm sở nhưng không gắn bó lâu dài với trường do điều kiện đi lại khó khăn.

Đối với các môn học đặc thù luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn tuyển giáo viên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, năm học 2024 - 2025, phương án dùng chung giáo viên giữa các đơn vị trong cùng cụm trường được đẩy mạnh. Cùng đó, TPHCM tiếp tục tuyển giáo viên từ nguồn sinh viên xuất sắc sau năm đầu tiên thí điểm vào năm học 2023 - 2024.

Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đề nghị, để đảm bảo tính cạnh tranh trong tuyển dụng, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền không yêu cầu bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Đối với trường hợp không có chứng chỉ này phải đi học để hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp sau khi trúng tuyển. Ngoài ra, không mô tả các điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng.

Trước đó, năm 2023, các quận, huyện ở Đà Nẵng thực hiện tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học, THCS theo hình thức xét tuyển. Theo đó, các quận, huyện không tổ chức thi vòng 1 các môn điều kiện theo hình thức trắc nghiệm như trước đây. Kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục chỉ tổ chức môn thi nghiệp vụ, chuyên ngành tại vòng 2. Nhờ đó, rút ngắn đáng kể thời gian tổ chức tuyển dụng giáo viên.

Ông Nguyễn Thanh Tú - Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My (Quảng Nam) cho biết, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục năm 2024 của huyện sẽ thực hiện theo hình thức xét tuyển 2 vòng. Trong đó, vòng 1 kiểm tra điều kiện dự tuyển tại Phiếu đăng ký dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển, nếu đáp ứng đủ thì người dự tuyển được tham dự vòng 2.

Ở vòng này, các ứng viên thi viết môn nghiệp vụ chuyên ngành. Nội dung thi sẽ kiểm tra kiến thức, kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ của người dự tuyển viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.

tang toc tuyen dung giao vien (3).jpg
Một giờ học của cô và trò mầm non Lai Châu. Ảnh: Hà Thuận

Lo cạn nguồn tuyển

Theo thống kê của Sở GD&ĐT TPHCM, tính đến ngày 31/5, tổng số viên chức, lao động hợp đồng trong ngành giáo dục là 70.819 người. Ông Hồ Tấn Minh - Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, mỗi năm, trung bình TPHCM cần tuyển thêm khoảng 5.000 giáo viên cho các cấp học từ mầm non đến THPT nhưng số giáo viên trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học rơi vào tình trạng không có ứng viên đăng ký như giáo viên Công nghệ thông tin, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh.

Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đang rà soát quy mô trường lớp sau tuyển sinh đầu cấp lớp 1, lớp 6 để xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học.

Chia sẻ thông tin, bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD&ĐT đồng thời cho hay: “Hằng năm, phòng GD&ĐT tiếp nhận một số lượng giáo viên ở các địa phương khác chuyển về. Hết thời gian tiếp nhận nhân sự thuyên chuyển công tác, địa phương sẽ công bố chỉ tiêu tuyển dụng. Dự kiến chỉ tiêu tuyển dụng nhiều nhất vẫn là vị trí giáo viên tiểu học với khoảng 110 người. Tuy nhiên, 3 năm nay, từ khi được UBND tỉnh đồng ý phân cấp tuyển dụng giáo viên các cấp học do địa phương quản lý thì chưa lúc nào tuyển đủ chỉ tiêu”.

Cuối năm 2023, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức tuyển dụng viên chức giáo dục, thế nhưng kết quả không đạt mong muốn. Bà Thanh Vân cho biết, trong số này, có một số ứng viên trúng tuyển nhưng không đến hoàn chỉnh hồ sơ nên không thể ban hành quyết định bổ nhiệm. Một số bộ môn tuyển cũng không đạt như giáo viên tiểu học môn Âm nhạc tuyển được 4/9 chỉ tiêu, môn Mỹ thuật chỉ tiêu 3 nhưng không có người dự tuyển; giáo viên THCS môn Tin học tuyển được 2/3, môn Âm nhạc 1/3; giáo viên mầm non tuyển được 2/3 chỉ tiêu.

Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn hy vọng, năm nay, việc tuyển dụng giáo viên sẽ thuận lợi hơn do nguồn sinh viên tốt nghiệp ngành Sư phạm tiểu học, mầm non ở một số trường đại học sư phạm khá phong phú; chưa kể, có khoảng gần 100 sinh viên sẽ tốt nghiệp văn bằng 2 ngành Sư phạm tiểu học Trường Đại học Quảng Nam.

UBND huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) sẽ tuyển dụng 99 chỉ tiêu viên chức giáo dục. Trong đó, mẫu giáo: 31; tiểu học: 26; THCS: 22; nhân viên: 20. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Tú, ở cấp tiểu học và mầm non, khó để tuyển đủ chỉ tiêu theo nhu cầu. Như năm 2022, Bắc Trà My có 18 chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên học mầm non nhưng chỉ tuyển được 6 người. Sau đó, chỉ có 3 giáo viên nhận quyết định bổ nhiệm.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc sở GD&ĐT cho biết, hiện ngành Giáo dục Quảng Nam được giao 23.741 biên chế nhưng mới sử dụng có 21.354 biên chế. 2.387 biên chế chưa sử dụng, tập trung phần lớn ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS do các địa phương quản lý với con số là 2.273, THPT chỉ có 114 biên chế chưa sử dụng. Số biên chế giao còn thiếu 422 chỉ tiêu so với định mức của quyết định của UBND tỉnh, còn nếu theo quy định của Bộ GD&ĐT thì thiếu 1.173 chỉ tiêu biên chế.

Tuy nhiên, số lượng người dự tuyển hằng năm luôn thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng, thậm chí có môn không có ứng viên. Thế nên, dù Quảng Nam thường xuyên tổ chức tuyển dụng nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt đối với giáo viên mầm non, tiểu học và 1 số bộ môn Chương trình GDPT mới như Tin học, Tiếng Anh, Âm nhạc, Mỹ thuật.

tang toc tuyen dung giao vien (2).JPG
Tiết học không tường vách tại Trường Tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh: Hồ Phúc

Giải bài toán đội ngũ

Mường Nhé - một trong những huyện thiếu giáo viên nhiều nhất tỉnh Điện Biên với trên 300 giáo viên các cấp. Năm học 2024 - 2025, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé quản lý 35 trường học, bao gồm 12 trường mầm non, 12 trường tiểu học, 9 trường THCS và 2 trường phổ thông có nhiều cấp học (tiểu học và THCS) với 1.130 biên chế đã được giao trong năm học trước.

Ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé chia sẻ: “Năm học này, Phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé được giao 1.306 biên chế. So với biên chế được giao, toàn huyện còn 176 người chưa tuyển dụng. Tuy nhiên, so với biên chế đang thực hiện nhiệm vụ, năm học 2024 - 2025, toàn huyện thiếu 512 người”.

Để lấp đầy khoảng trống thiếu giáo viên, nhân viên, phòng GD&ĐT đã trình UBND huyện Đề án sáp nhập 4 trường tiểu học ở 2 xã Chung Chải và Nậm Kè thành 2 trường. Đồng thời, xin chủ trương tuyển dụng biên chế còn thiếu.

“Ngành đang triển khai linh hoạt các giải pháp để khắc phục khó khăn, trong đó ưu tiên lựa chọn, ký hợp đồng giáo viên giảng dạy môn chuyên đáp ứng yêu cầu giảng dạy Chương trình GDPT 2018. Trong tháng 6, huyện đã thông báo thu hồ sơ tuyển dụng 98 vị trí việc làm và thực hiện các bước tiếp theo, phấn đấu có giáo viên, nhân viên mới từ ngày 1/9. Dự kiến tháng 10, 11, huyện tuyển thêm 78 biên chế”, ông Chùy cho biết.

Tương tự, UBND huyện Tân Uyên (Lai Châu) vừa ban hành kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường học năm 2024 để giải “bài toán” thiếu đội ngũ ở năm cuối chu trình thay SGK.

Tuy nhiên, ông Vũ Trường Tới - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên thừa nhận, quá trình tuyển dụng gặp nhiều khó khăn do mất cân đối cơ cấu bộ môn giáo viên tiểu học. Theo đó, ở cấp tiểu học, Tân Uyên đang dư giáo viên dạy văn hóa nhưng thiếu giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, Tin học. Thiếu nguồn tuyển, cơ cấu bộ môn cũng là thách thức lớn trong quá trình tuyển dụng giáo viên tiểu học huyện này.

“Năm học 2024 - 2025, huyện Tân Uyên thiếu 57 giáo viên theo biên chế. Số lượng tuyển dụng mới theo kế hoạch là 48 người. Nếu tuyển dụng đủ số giáo viên theo kế hoạch thì cơ bản đáp ứng được nhu cầu”, ông Tới chia sẻ.

Tại huyện Phong Thổ (Lai Châu), tổng số người làm việc và hợp đồng lao động được giao năm học 2024 - 2025 là 1.663 người. Trong đó, còn thiếu 130 giáo viên theo biên chế. Địa phương này đã có kế hoạch tuyển dụng 23 giáo viên mầm non, 6 giáo viên tiểu học (tiếng Anh, Mỹ thuật) và 55 chỉ tiêu giáo viên THCS.

Ông Khổng Văn Thiện - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ đánh giá: “Cấp mầm non sẽ đủ nguồn tuyển. Còn các bộ môn của cấp tiểu học và THCS nguồn tuyển không đảm bảo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ sắp xếp, dồn dịch các điểm trường hợp lý để đảm bảo công tác giảng dạy.

Tham mưu với UBND huyện ban hành thông báo hợp đồng giáo viên (dự kiến hơn 130 chỉ tiêu) vào đầu năm học mới. Cùng đó, thực hiện giao nhiệm vụ cho giáo viên dạy liên trường đối với các bộ môn còn thiếu. Đối với môn Tiếng Anh có thể tiếp tục dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến”.

UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương quan tâm, bổ sung biên chế giáo viên trên cơ sở quy định về định mức, đảm bảo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ.

Đồng thời, UBND TPHCM kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn thống nhất về vị trí việc làm “Y tế học đường”, “Công nghệ thông tin” và phối hợp với Bộ GD&ĐT bổ sung vị trí việc làm “Công nghệ thông tin” vào danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để đảm bảo thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan, đơn vị ngành GD-ĐT, tạo điều kiện để đội ngũ viên chức yên tâm công tác và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

Tác giả bài viết: Nhóm PV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập792
  • Hôm nay49,818
  • Tháng hiện tại327,948
  • Tổng lượt truy cập51,683,907
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944